Việc Quốc hội phải chọn đây là vấn đề giám sát tối cao cũng như dành cả ngày để thảo luận cho thấy an toàn thực phẩm đang ở mức đáng báo động hơn lúc nào hết. Điều này thể hiện rõ qua số liệu của từ năm 2011 đến tháng 10/2016, cả nước đã ghi nhận 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.395 người mắc, 25.617 người đi viện và 164 người chết. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chủ yếu do vi sinh vật, do độc tố tự nhiên, do hóa chất và có đến 268 vụ không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc.
Một trong những nguyên nhân khiến công tác quản lý an toàn thực phẩm còn hạn chế đã được Đoàn giám sát của Quốc hội chỉ rõ là việc thực thi, áp dụng các chế tài xử phạt trong thực tiễn. Thống kê của Đoàn giám sát cho thấy chỉ có khoảng 20% cơ sở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm bị xử lý và mức tiền xử phạt trung bình nhẹ nhàng đến giật mình - bình quân chỉ 200.000 đồng/vụ vi phạm. Theo Đoàn giám sát, việc xử lý vi phạm như vậy còn chưa nghiêm.Mặc dù số vụ vi phạm là nhiều, có nhiều vụ nghiêm trọng xong việc xử phạt không tương xứng với mức độ vi phạm, số vụ xử lý hình sự quá ít so với mức độ nghiêm trọng xảy ra, không tạo ra sức răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong an toàn thực phẩm. Tỷ lệ vụ việc bị xử lý sai phạm trong 5 năm qua mới đạt 20% so với số vụ phát hiện. Có vụ xử phạt vài triệu, có vụ hàng trăm triệu đồng nhưng mức độ xử phạt hành chính còn thấp, tính răn đe không cao. Những hành vi vô nhân tâm như cho lợn uống nước, bơm tạp chất vào tôm… vẫn nhởn nhơ tái diễn mà chưa được xử lý dứt điểm.Trưởng đoàn giám sát tối cao về an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết: Nhiều vụ phát hiện sai phạm nhưng Bộ luật Hình sự quy định không rõ nên không xử lý được. Trong 5 năm, cơ quan điều tra các cấp chỉ khởi tố một vụ, 3 bị can về tội vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm... Hành lang pháp lý đáng ra phải là tiền đề như đèn pha rọi đường thì chưa thật đồng bộ, nên cần sửa ngay. Bên cạnh đó, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức chưa tốt, đặc biệt là cấp cơ sở, địa phương. “Trong lần đi giám sát, Bộ trưởng Y tế có nhận xét mà tôi cho rất đúng, đó là trong lúc T.Ư sốt sắng trước vấn nạn thực phẩm bẩn, vệ sinh an toàn thực phẩm... nhiều cơ sở, địa phương lại thờ ơ. Địa bàn của anh rõ ràng anh nhìn thấy sai phạm, có căn cứ nhưng không xử lý. Thậm chí có cán bộ xã nói, nếu chúng tôi làm nghiêm thì “ngồi với ai, chơi với ai”. Người cán bộ Nhà nước đó chưa thoát khỏi tư tưởng mình là người của dòng họ, làng quê... Đó là sự bao biện, ràng buộc mà lơ đi sai phạm. Nếu thương người nghèo mà cứ để họ sử dụng chất cấm thì lại làm hại rất nhiều người tiêu dùng”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói. Chính vì vấn đề “nóng” như vậy, nên ngay sau khi kết thúc báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đã có đến trên 70 đại biểu đăng ký xin phát biểu. Theo ĐB Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu), thực trạng rất đáng báo động bởi việc xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe. Nguyên nhân của tình trạng này một phần do hiệu lực quản lý Nhà nước còn hạn chế, chế tài chưa đủ răn đe. ĐB Toàn đề nghị phải có quy định, có định lượng cụ thể để Chính phủ thực hiện, Quốc hội giám sát như giảm bao nhiêu vụ ngộ độc, tăng bao nhiêu cửa hàng đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cần dành tỷ lệ cao hơn, từ 50 – 70% số tiền phạt để thưởng cho những tổ chức cá nhân phát hiện vi phạm. Đồng tình ý kiến này, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cũng đề nghị có hình thức tôn vinh những người phát hiện vi phạm. Cùng với đó, ĐB Cường cho rằng việc xử lý cũng phải cải cách cho hiệu quả, tránh tình trạng người dân phát hiện vi phạm, nhưng không biết báo ở đâu, báo cho ai vì thủ tục rất rườm rà.