Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

5 ngành nào có mức thưởng Tết năm 2023 cao?

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Mức thưởng Tết Âm lịch năm 2023 của người lao động trung bình khoảng 6,2 triệu đồng/người. Trong khi một số DN có mức thưởng giảm 10 – 20% thì 5 ngành có mức thưởng Tết cao.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có thông tin về tiền lương, thưởng Tết cho đoàn viên, người lao động. Theo báo cáo chưa đây đủ của các cấp công đoàn, tiền lương năm 2022 của người lao động có được cải thiện so với năm 2021. Mặc dù kinh tế khó khăn nhưng với việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng (khoảng 6%) và 3 quý đầu năm 2022 các DN trên đà phục hồi đã giúp cải thiện tiền lương, thu nhập của người lao động.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, mức thưởng Tết Âm lịch năm 2023 của người lao động trung bình khoảng 6,2 triệu đồng/người.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, mức thưởng Tết Âm lịch năm 2023 của người lao động trung bình khoảng 6,2 triệu đồng/người.

Tiền lương bình quân của người lao động trong các DN có tổ chức công đoàn tăng khoảng 6,2% so với năm 2021 (tương đương 7,78 triệu đồng/tháng)

Theo tổng hợp chưa đầy đủ từ cơ sở, đa số DN đều có kế hoạch thưởng Tết Dương lịch và Âm lịch 2023 cho người lao động. Cụ thể, về thưởng Tết Dương lịch năm 2023, mức thưởng trung bình thấp hơn khoảng 5% so với năm 2022, đạt khoảng 1,3 triệu đồng/người.

Thưởng Tết Âm lịch năm 2023, các DN thưởng trung bình dự kiến ngang bằng năm 2022, với mức thưởng khoảng 1 tháng lương của người lao động, tương đương 6,2 triệu đồng/người.

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, một số DN có mức thưởng Tết 2023 giảm sâu từ 10% – 20% so với năm 2022 như dệt may, da giầy, chế biến gỗ. Mức thưởng Tết cao thuộc về các DN ngành điện tử - công nghệ thông tin; tài chính ngân hàng; thương mại; chế biến thực phẩm; sản xuất bao bì, nhựa,…

Tuy nhiên, có một số DN trong tình trạng chờ giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn nên nhiều người lao động không có thưởng Tết.

Về việc làm, theo báo cáo của các Liên đoàn Lao động tỉnh, TP, Công đoàn ngành trung ương, tình từ tháng 9/2022 đến hết ngày 8/1/2023, đã có hơn 1.300 DN tại 50 tỉnh, TP gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 546.835 người lao động. Trong đó, giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương là 491.212 người, chiếm 89,82% tổng số người bị ảnh hưởng; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 7.000 người, chiếm 1,28%; chấm dứt hợp đồng lao động với 48.623 người, chiếm 9% tổng số người bị ảnh hưởng.

Số người lao động bị ảnh hưởng phần lớn ở các DN FDI chiếm 75% tổng số lao động bị ảnh hưởng; tập trung ở 3 ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ (chiếm 77% tổng số lao động bị ảnh hưởng). Những DN này chủ yếu ở các tỉnh, TP khu vực phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang… (chiếm 70% tổng số người lao động bị ảnh hưởng trên toàn quốc).

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho biết, trong năm 2022 cả nước xảy ra 157 vụ ngừng việc tập thể xuất phát từ quan hệ lao động (tăng 50 cuộc so với cùng kỳ năm 2021). Các cuộc ngừng việc tập thể xảy ra chủ yếu tại các DN khu vực FDI, tập trung tại các tỉnh, TP lớn, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, tình hình 3 tháng cuối năm 2022 có chuyển biến tích cức với xu hướng giảm số cuộc ngừng việc, theo đó có cả nước xảy ra 18 cuộc ngừng việc tập thể, giảm 1 cuộc so với cùng kỳ năm 2021.