5 nguyên nhân khiến điểm thi môn Lịch sử liên tiếp “đội sổ”

Điệp Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Câu chuyện về môn Lịch sử có điểm số thấp trong các kỳ thi tốt nghiệp dường như đã cũ; và nay nó lại trở thành câu chuyện mới bởi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Lịch sử vẫn là môn có điểm số thấp nhất trong 9 môn thi và cũng là môn có đến trên 50% thí sinh dự thi đạt điểm dưới trung bình.

Điểm Lịch sử tiếp tục thấp nhất
Nhiều năm trở lại đây, điểm Sử luôn ở vị trí cuối bảng, có điểm thấp, thậm chí là… thấp thảm hại trong các môn thi. Năm 2018, điểm trung bình môn Lịch sử là 3.79; năm 2019, điểm trung bình môn Lịch sử là 4.3; năm 2020, điểm trung bình môn Lịch sử là: 5.19; và đến năm 2021, điểm trung bình Lịch sử là 4.97.
Phân tích phổ điểm của Bộ GD&ĐT cho thấy, năm nay, Lịch sử là môn duy nhất trong 9 môn thi có điểm trung bình dưới 5. Với 637.005 thí sinh dự thi môn Lịch sử, điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4; số thí sinh có điểm nhỏ hơn và bằng 1 là 540 (chiếm tỷ lệ 0.08%). Đặc biệt, môn Lịch sử có 331.429 thí sinh có điểm dưới 5 (tỷ lệ 52,03%).
Điểm thi này tiếp tục thể hiện thực trạng dạy và học Sử hiện nay tại các bậc học, nhất là bậc THPT và lớp 12 không hiệu quả. Nếu: Sợ, chán, không thích, học vẹt, học đối phó… là những thái độ quen thuộc của học sinh (HS) khi học Sử thì nản, bế tắc, chấp nhận, phó mặc… là tâm lý khá thường gặp của các thầy cô. Hai cặp tâm lý, thái độ này với môn Lịch sử tiếp cận, chi phối lẫn nhau, tạo nên một cái kết ngậm ngùi, đó là điểm số môn Lịch sử rất thấp trong kỳ thi tốt nghiệp.
 Phổ điểm môn Lịch sử Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 theo phân tích của Bộ GD&ĐT
Là thí sinh được 1.5 điểm môn Lịch sử, Nguyễn Văn K (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết: “Em không thích nhiều môn học nhưng Lịch sử là môn em “sợ” nhất. Đến lớp cô nói em chẳng hiểu gì, chỉ thấy buồn ngủ thôi. Sách giáo khoa Sử hầu như em không đụng đến. Sát kỳ thi, em ngó được một chút và đi thi hầu như khoanh đáp án bừa.”
“Lý do em chọn tổ hợp Khoa học xã hội là vì có môn Giáo dục công dân và Địa lý dễ kiếm điểm; chứ để chọn môn Lịch sử thì không bao giờ em dám chọn. Khô khan, dài dòng, khó thuộc, khó nhớ, không hấp dẫn…là những gì em ấn tượng về môn Sử. Mà lạ nữa là kể cả đã thuộc làu một bài nào đó của Lịch sử nhưng hễ thi xong là em không nhớ gì…”- Nguyễn Mạnh Đăng, (quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ.
Cô Nguyễn Thu Hà, giáo viên dạy Sử một trường THPT tại Hà Nội cho hay: Thời lượng dành cho môn Sử tại bậc THPT rất ít, từ 1-2 tiết/tuần với cả 3 khối 10, 11, 12; trong đó trung bình lớp 11 là 1 tiết/tuần và lớp 12 là 1,5 tiết/tuần; còn trong phân bố đề thi, chương trình 11 là 20% và chương trình lớp 12 là 80%. Với 45 phút/tiết, kiến thức dài nên giáo viên phải cố gắng mới đủ thời gian để hoàn thành bài học. Lấy ví dụ, bài 16 Lịch sử lớp 12: Theo phân phối chương trình là 4 tiết mà có đến 18 trang. Kiến thức rất dài, nhiều sự kiện nên giáo viên phải nỗ lực rút ngắn để giảng. Nếu HS trật tự học thì cô giảng hết bài còn không có ý thức, gây rối, nói chuyện, cô phải dừng lại nhắc nhở thì bài học rất khó hoàn thành. Mấy năm gần đây, chương trình Lịch sử được giảm tải để HS tự nghiên cứu. Thầy cô xác định là HS không sờ đến những phần này. Tuy nhiên, chương trình giảm tải cũng không xuất hiện trong đề thi.
Đội ngũ giáo viên quyết định chất lượng học Lịch sử
Là một nhà nghiên cứu Lịch sử, một thầy giáo tâm huyết, gắn bó với môn Lịch sử; đồng thời trực tiếp giảng dạy, gần gũi với HS bậc THPT, PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Khoa học xã hội & Nhân văn (ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Có 5 nguyên nhân dẫn đến việc HS đạt điểm thấp môn Lịch sử.
Điều đầu tiên phải kể đến việc nước ta đang ở giai đoạn hội nhập quốc tế nên người dân có nhu cầu quan tâm đến các môn học, lĩnh vực mang tính hội nhập như Tin học, Ngoại ngữ… ; các ngành nghề mang tính hội nhập hay phục vụ quá trình hội nhập như: Ngoại giao, ngoại thương quan hệ quốc tế, Luật… Khi chọn để thi, HS không thích chọn các môn xã hội, đặc biệt là môn Sử bởi tính chất khô khan của nó. Khi môn học không hấp dẫn, HS khó nỗ lực để nghiền ngẫm, nghiên cứu và cũng không có động lực học. Hiện số HS đam mê, học tốt môn Lịch sử chiếm số lượng rất ít trên cả nước.
 PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Khoa học xã hội & Nhân văn 
Yếu tố thứ 2 liên quan đến việc HS thờ ơ với môn Sử, không thích học Sử và thi Sử điểm thấp là do định hướng của cha mẹ, bởi cha mẹ thường hướng con theo những tổ hợp dễ chọn nghề, chọn trường và dễ tìm việc làm. Trong số những ngành nghề này, ít xuất hiện bóng dáng của môn Lịch sử.
Yếu tố rất quan trọng phải kể đến, đó là đội ngũ giáo viên dạy Sử. Hiện có không nhiều giáo viên tâm huyết, đam mê, tìm tòi phương pháp đổi mới trong dạy Sử, vì vậy không truyền được cảm hứng yêu môn học Lịch sử cho HS.
Ngoài ra, các trường học vẫn chưa thực sự coi trọng môn Lịch sử; không có đội ngũ giáo viên dạy Sử tốt, thậm chí có chỗ có nơi còn phân công giáo viên môn khác kiêm nhiệm dạy môn Sử. Phương pháp dạy Sử nhàm chán, cũ kỹ khiến HS càng ngày càng muốn rời xa môn Sử.
Thêm nữa, chương trình SGK Sử vẫn dài; phương pháp dạy Sử chưa lôi cuốn. Lịch sử là câu chuyện kể về quá khứ. Nếu chỉ kể đơn thuần, cũ kỹ và dài dòng kiểu nhồi nhét kiến thức thì không ai muốn nghe, muốn học; nhưng nếu người dạy đổi mới phương pháp, đưa công nghệ, đưa hình ảnh vào tiết Sử thì sẽ gây hứng thú, truyền cảm hứng cho HS. Ví như, dạy Lịch sử Đảng, nếu chỉ dạy Nghị quyết, Điều lệ, Cương lĩnh, … khô cứng thì có lẽ HS chỉ ngồi… ngáp. Ngược lại, người dạy đưa hình ảnh sinh động vào sẽ làm buổi học trở nên hấp dẫn, thú vị, HS cũng dễ tiếp thu hơn.
“Trong các yếu tố trên thì HS và giáo viên đóng vai trò quan trọng hơn mà tiên quyết nằm ở đội ngũ giáo viên. Giáo viên có tốt thì HS mới tốt, chất lượng tiếp thu môn Sử mới tốt và điểm số môn Sử mới cao…”- PGS.TS Nguyễn Quang Liệu bày tỏ.
Luận giải điều này, PGS. TS Nguyễn Quang Liệu cho hay: “Đã từng có câu hỏi đặt ra, đó là điểm Sử thấp có phải do đề khó hay không? Hoàn toàn không phải bởi đề thi Lịch sử rất cơ bản, bám sát nội dung SGK; nhất là đề thi tốt nghiệp năm 2019, 2020 cực sát nội dung SGK. Vấn đề nằm ở việc HS học qua loa, không nắm được sự kiện, không liên lục theo mạch, không biết được phân kỳ lịch sử... Phía sau đó, chính là do các thầy cô chưa có cách truyền đạt tốt cho HS”.
Đặt trong bối cảnh, chương trình như hiện nay, liệu điểm Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2022 có nâng lên nhiều không, theo PGS. TS Nguyễn Quang Liệu, điều đó rất khó khả thi bởi vấn đề này mang tính hệ thống. Muốn để điểm Sử cải thiện, phải có giải pháp đồng bộ: Giáo viên, HS, phụ huynh, nhà trường kết hợp SGK, phương pháp dạy… Chỉ có giải pháp đồng bộ mới giúp chất lượng học Lịch sử, điểm thi Lịch sử được nâng lên.
Học Sử theo logic
Chia sẻ cách thức dễ dàng học để thi Sử cho điểm số tốt, Nguyễn Vũ Thái, HS trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, giải Ba môn Lịch sử- Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2021 cho biết: Lịch sử là môn học có tính logic rất cao; vì vậy chọn cách học theo logic sẽ thuộc bài nhanh, nhớ nhanh và cực dễ “ăn” điểm. Nhớ các sự kiện theo một dòng thời gian và có tính logic giúp HS hiểu được bản chất của sự kiện; từ đó lưu lại kiến thức trong đầu dài lâu hơn.
Hiện thi Sử bằng hình thức trắc nghiệm, thông tin cơ bản, ngắn gọn nên các bạn  dành thời gian “cày” 3 quyển SGK Lịch sử (10, 11, 12) là đầy đủ kiến thức và dễ dàng chinh phục các bài thi. Các bạn không cần đi học thêm, đến lớp chú ý nghe cô giảng, cố gắng nhớ bài luôn tại lớp. Về nhà, dành chút thời gian củng cố lại. Ngoài ra, HS cũng cần làm các dạng bài trắc nghiệm trên hệ thống trực tuyến. Mỗi tối cố gắng dành khoảng 30 phút đọc và học Sử để đủ độ ngấm. Như vậy, Lịch sử không còn là “nỗi sợ hãi” nữa.