Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

5 vụ hành hung nhân viên y tế gây bức xúc dư luận

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù có nhiều biện pháp đã được đưa ra áp dụng, nhưng tình trạng nhân viên y tế bị hành hung vẫn đang diễn ra ngày một nghiêm trọng. Vấn nạn này đã làm ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và tinh thần làm việc của cán bộ, nhân viên y tế cũng như chất lượng khám chữa bệnh.

Những vụ bạo hành nhân viên y tế gây bức xúc dư luận xã hội thời gian qua
Nhức nhối nạn bạo hành nhân viên y tế
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 5 vụ hành hung nhân viên y tế, bác sĩ tại các bệnh viện (BV) trong cả nước.

Cụ thể: Ngày 14/2/2018 (ngày 29 Tết), chiếc xe cấp cứu của BV Hùng Vương (Phú Thọ) chở 1 bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng xin đường nhưng xe 4 chỗ do anh K (làm việc tại Hà Nội) điều khiển không cho vượt. Khi xe cấp cứu vượt qua, người đàn ông này đã đuổi theo và tấn công tài xế xe cấp cứu ngay tại khuôn viên BV.

Tiếp đó, ngày 17/2 (ngày mùng 2 Tết), khoa Cấp cứu, BV đa khoa Trung ương Thái Nguyên tiếp nhận 1 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, ngừng hô hấp. Trong lúc các y bác sĩ đang cấp cứu thì anh trai bệnh nhân quay phim, chụp ảnh, đe dọa, chửi bới.

Khi nhân viên y tế mời người nhà bệnh nhân ra ngoài, người nhà bệnh nhân đã đập phá khoa Cấp cứu. Toàn bộ cánh cửa của khoa Cấp cứu bị đạp vỡ nát, kính bị vỡ tung, các y bác sĩ và bệnh nhân khác hoảng loạn.

Đến ngày 20/2 (ngày mùng 5 Tết), tại BV Sản nhi Yên Bái, anh Lê Hồng Nam là chồng của 1 sản phụ đang được mổ trong khoa đã trèo lên lan can để quay phim, chụp ảnh. Khi được nhắc nhở thì anh này đã lăng mạ và chửi bới.

Sau đó, Lê Hồng Nam và 15 đối tượng khác do người đàn ông này gọi đến dùng đèn pin đập vào đầu, hành hung bác sĩ Phạm Hải Ninh và bác sĩ Hoàng Đức Trung (2 bác sĩ vừa mổ cho vợ của Nam, khiến 1 bác sĩ đã bị khâu hơn 20 mũi ở mặt và đầu.

Đặc biệt, ngày 25/2, BV đa khoa huyện Bố Trạch (Quảng Bình) tiếp nhận 2 nạn nhân bị tai nạn giao thông. 2 nạn nhân này đã tử vong trước khi nhập viện. Khi các bác sĩ thông báo tin này thì nhóm bạn của 2 nạn nhân đã la hét, đập vỡ các cửa kính của BV. Họ chửi bới, đánh đuổi các bác sĩ, đe dọa những bệnh nhân khác có mặt tại khoa cấp cứu...

Gần đây nhất là vụ hành hung bác sĩ Vũ Hồng Chiến - khoa Phẫu thuật tạo hình, BV Xanh Pôn vào ngày 13/4. Trước đó, năm 2017, tại các BV trong cả nước cũng đã xảy ra nhiều vụ hành hung nhân viên y tế và y bác sĩ khi đang làm việc, khám chữa bệnh.
 Ảnh minh họa
Hãy tự bảo vệ mình trước tiên

Có thể thấy, vấn nạn bạo hành nhân viên y tế đang diễn ra là một nỗi đau mang tới tâm lý bất an và những hậu quả nặng nề không chỉ những người trực tiếp khám chữa bệnh, bản thân người bệnh mà còn ảnh hưởng tới toàn thể ngành y nói chung.

Nhiều giải pháp đã được đưa ra, tuy nhiên tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều. Sau vụ người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ BV Xanh Pôn, đích thân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề nghị ngành công an vào cuộc, "cắm chốt" trong BV để bảo vệ các y bác sĩ, nhân viên y tế.

Theo nhận định, hầu hết các vụ tấn công nhân viên y tế thường là khi các y, bác sĩ đang làm nhiệm vụ khám chữa bệnh hoặc cấp cứu và họ ở trong tình thế bị động. Để có thể bảo vệ bản thân trước những tình huống như vậy, mới đây PGS TS Nguyễn Lân Hiếu - Phó Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội đã đưa ra 1 giải pháp.

PGS TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết, “Khoảng cách một cánh tay” là nguyên tắc mà các nước phương Tây đã áp dụng từ rất lâu, đây là khoảng cách riêng tư, hay là khoảng cách an toàn cho mỗi người thầy thuốc khi giao tiếp với người nhà bệnh nhân.

Với độ dài 1 cánh tay, trong trường hợp bị tấn công, người bác sĩ có thể lùi lại, hoặc tránh được. Qua phân tích, nếu trong bán kính một cánh tay người bị đánh sẽ giảm tỷ lệ bị thương xuống 50% - 50%, còn vào trong khu vực thân mật dưới 60cm thì khi đối phương ra tay tỷ lệ đánh trúng 100%.

Vậy nên Phó Giám đốc Bệnh viện ĐH Y khuyến cáo, các y bác sĩ cần giữ khoảng cách an toàn một cánh tay. Trong trường hợp có ai tiến vào khu vực an toàn thì đề nghị họ giữ khoảng cách.

Tuy nhiên, mọi giải pháp đều là để giải quyết tình thế, nếu mỗi người thầy thuốc phải làm việc trong tình trạng luôn phải đề phòng thì đối tượng thua thiệt hơn ai hết và đầu tiên chính là người bệnh. Giải pháp căn cơ nhất vẫn cần 1 môi trường BV an toàn, văn minh.