Thiếu bản vẽ, quy hoạch chưa thể triển khai vào thực tiễn
Sau 10 năm triển khai thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, việc vướng mắc, phức tạp hơn cả chính là phê duyệt các quy hoạch phân khu nội đô lịch sử. Quy hoạch này đã được nghiên cứu đề cập đến từ cách đây khoảng 15 - 20 năm như quy hoạch khu vực Hồ Gươm, khu phố cổ, khu phố cũ,… nhưng đều chậm được phê duyệt do khó khăn theo định hướng mới của Quy hoạch chung Thủ đô năm 2011. Nhưng với sự quyết tâm của Thành ủy, UBND TP Hà Nội, cuối tháng 3/2021 vừa qua, 6 bản quy hoạch bao trùm 4 quận nội đô lịch sử gồm: Quận Hoàn Kiếm H1-1 (A,B,C); quận Ba Đình H1-2; quận Đống Đa H1-3; quận Hai Bà Trưng H1-4 đã được ký quyết định phê duyệt.
Sự kiện đã đáp ứng mong mỏi của Nhân dân và giới chuyên môn. Tuy nhiên, điều nhiều người chờ đợi chính là các bản vẽ quy hoạch sẽ được bàn giao cho từng địa phương trong khu vực quy hoạch để có công cụ trực tiếp quản lý và triển khai quy hoạch chi tiết tiếp theo, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Đồng nghĩa, 6 quy hoạch phân khu nội đô vẫn chưa thể triển khai vào thực tiễn cuộc sống.
Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KTS Đào Ngọc Nghiêm, cấu trúc của một đồ án quy hoạch thường bao gồm phần thuyết minh, quyết định phê duyệt và đặc biệt quan trọng để người dân tiếp cận được với quy hoạch là phần hồ sơ bản vẽ. Đây là nội dung được quy định rất rõ trong Luật Quy hoạch đô thị và trong các văn bản hướng dẫn.
Đặc biệt, trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kiến trúc mới đây cũng đặt ra vấn đề định hướng quy hoạch phải được thể hiện trong hệ thống bản vẽ. Vì vậy, bên cạnh quyết định phê duyệt quy hoạch với định hướng lớn, điều các quận luôn mong muốn là sớm được bàn giao đồng bộ hồ sơ bản vẽ để từ đó có công cụ quản lý, triển khai theo quy hoạch.
Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Nam cho biết, hiện quy hoạch phân khu H1-4 thuộc địa bàn quận đã được TP phê duyệt, nhưng do chưa được bàn giao bản vẽ nên trong quá trình đầu tư xây dựng các dự án trên địa bàn còn có những vướng mắc phải xin ý kiến Viện Quy hoạch, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội. Do đó, để tạo điều kiện cho địa phương quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng, sử dụng đất đai, thiết kế chỉnh trang đô thị, xây dựng quy chế quản lý kiến trúc… cần sớm bàn giao bản vẽ quy hoạch phân khu cho các quận.
Sớm công khai đến người dân
Hà Nội đang tích cực triển khai thực hiện Chương trình 03 của Thành ủy với nhiệm vụ trọng tâm là chỉnh trang đô thị, trong đó xác định 4 quận nội đô lịch sử là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng là những quận chủ lực thực hiện nhiệm vụ này.
Lãnh đạo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội trình bày tóm tắt các bản Quy hoạch phân nội đô lịch sử diễn ra sáng 22/3/2021. |
Với các quy hoạch phân khu nội đô đã được phê duyệt bao trùm 4 quận có định hướng chính là bổ sung hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, trường đại học, trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô; cải tạo các không gian ở hiện có; cải tạo, tái thiết các khu chung cư cũ; phát triển giao thông công cộng, đường sắt đô thị; bảo tồn di tích; hình thành hành lang xanh, không gian công cộng dọc theo sông Hồng; phát triển các trục chính đô thị, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan khu trung tâm.
Đây cũng là những nhiệm vụ chính mà Chương trình 03 đặt ra đối với 4 quận lõi nội đô. Cụ thể, tăng cường chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị. Tiếp tục cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực đô thị; chỉnh trang 180 tuyến phố sau khi hạ ngầm sắp xếp đường dây, cáp đi nổi; đầu tư cải tạo, nâng cấp khoảng 45 công viên, vườn hoa. Chỉnh trang khu vực đô thị cũ; cải tạo, xây mới các khu chung cư, tập thể cũ; lập quy hoạch, thiết kế đô thị tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng;…
Do đó, để các quận có thể triển khai các nhiệm vụ trên của Chương trình 03, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU Dương Đức Tuấn yêu cầu Viện Quy hoạch xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cần nhanh chóng hoàn thành xác nhận, bàn giao bản vẽ 6 quy hoạch phân khu nội đô cho các quận vận hành, quản lý đô thị.
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, một nội dung quan trọng nữa cần quan tâm, là sau khi được bàn giao bản vẽ, chính quyền địa phương cần trưng bày, triển lãm để toàn thể người dân được biết, tham gia góp ý. Đây là dịp quy hoạch đến với người dân, người dân hiểu về quy hoạch để đồng thuận, tuân thủ và tích cực tham gia giám sát việc triển khai thực hiện. Đặc biệt, với 6 quy hoạch phân khu nội đô, việc này càng có ý nghĩa quan trọng. Bài học trong những năm vừa qua, khi một số các đồ án quy hoạch tại khu vực Hồ Gươm được trưng bày đã nhận được sự hưởng ứng của người dân.
“Nếu được, chính quyền có thể in ấn những bản vẽ quy hoạch để tuyên truyền tới từng khu dân. Khi người dân nắm rõ được hồ sơ bản vẽ quy hoạch sẽ không nảy sinh những vấn đề tồn tại một số dự án vừa qua như dự án mở rộng đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục là ví dụ điển hình” - KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu.
Sau gần 10 năm chờ đợi, Hà Nội đã có quy hoạch phân khu tại khu vực 4 quận trung tâm để tiến hành công tác đầu tư, xây dựng, phát triển kinh tế, đô thị, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân… Do đó, việc cần làm ngay là cơ quan chức năng nhanh chóng hoàn thiện phần việc còn lại để các đồ án quy hoạch sớm phát huy hiệu quả trong tiễn cuộc sống.
Ngày 19/3/2021, UBND TP Hà Nội ban hành các quyết định phê duyệt 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị tại 4 quận nội đô lịch sử nhằm triển khai định hướng Quy hoạch xây dựng chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là cơ sở pháp lý để xác định các dự án đầu tư xây dựng và triển khai tổ chức lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phục vụ kiểm soát phát triển, quản lý đô thị, bảo tồn và phát huy giá trị khu vực phổ cổ, phố cũ và làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần phát triển bền vững Thủ đô. |