6 tháng thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây: Đúng hướng nhưng vẫn vướng

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 6 tháng triển khai Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận TP Hà Nội” đã có tới 55% cửa hàng kinh doanh trái cây được cấp biển nhận diện (logo). Tuy nhiên, để 100% cửa hàng được cấp logo theo đúng kế hoạch TP đặt ra vẫn còn nhiều việc phải làm.

 Người tiêu dùng mua hoa quả tại cửa hàng Luôn tươi sạch 72 Trần Thái Tông. Ảnh: Lê Nam
Không ít bất cập 
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, tính đến hết tháng 3/2018, tại 12 quận có 941 cửa hàng kinh doanh trái cây, trong đó có 817 cửa hàng có trang thiết bị bảo quản; 657 cửa hàng có trang thiết bị giám sát chất lượng; 712 cửa hàng trang bị thiết bị vận chuyển, 625 cửa hàng dán tem truy xuất nguồn gốc trái cây… Đặc biệt, UBND các quận, huyện đã cấp logo cho 520 cửa hàng kinh doanh trái cây (đạt 55% yêu cầu của đề án).

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên trong quá trình triển khai đề án, UBND các quận, huyện, lực lượng chức năng đã gặp nhiều khó khăn. Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Công San cho biết, theo quy định, chỉ tổ chức hoặc cá nhân trực tiếp nhập khẩu hàng hóa mới có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp.
Đối với các hộ kinh doanh, khi mua lại hàng từ cơ sở nhập khẩu, chỉ cần hóa đơn mua hàng và sản phẩm có tem, nhãn là đủ điều kiện lưu thông trên thị trường. Vì vậy, khi kiểm tra các cơ sở kinh doanh hàng nhập ngoại, lực lượng chức năng rất khó xác minh xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa.

Chia sẻ những khó khăn trong quá trình triển khai đề án, Phó trưởng Phòng Kinh tế quận Long Biên Nguyễn Ngọc Vĩnh nêu rõ: Dù 44/71 cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn quận đã được cấp logo nhưng DN chưa ý thức việc được cấp logo đã nâng tầm giá trị thương hiệu cửa hàng nên có cửa hàng dù đạt tiêu chuẩn cấp logo, song lại từ chối. Trong khi đó, nhiều cửa hàng nhỏ lẻ có mong muốn được cấp logo nhưng cơ sở vật chất không đáp ứng quy định.

Song hành kiểm tra, tuyên truyền

Tại hội nghị sơ kết triển khai giai đoạn 1 đề án do Sở Công Thương Hà Nội vừa tổ chức, Giám đốc Điều hành hệ thống cửa hàng hoa quả Luôn tươi sạch Bùi Thế Dũng nêu ý kiến: Việc cửa hàng kinh doanh trái cây được cấp logo đã mang lại hiệu quả kinh doanh rõ rệt, doanh thu cửa hàng tăng cao hơn so với trước.
Vì vậy, trong thời gian tới Sở Công Thương Hà Nội nên đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng nhận diện được logo cửa hàng trái cây an toàn như một thương hiệu. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra quá trình sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh trái cây và giám sát chất lượng ATTP trái cây tại các chợ đầu mối, cơ sở chuyên doanh.

Trước những ý kiến của các DN, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn theo quy định của Bộ NN&PTNT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trái cây thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp quản lý.
Đồng thời duy trì, phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội. Đặc biệt, phối hợp với Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam triển khai quy trình xác thực “Chống hàng giả” để quản lý, truy xuất nguồn gốc trái cây kinh doanh trên địa bàn Hà Nội.

Ý kiến của DN và cơ quan quản lý cho thấy để hoàn thành việc thực hiện đề án Quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây đòi hỏi lực lượng chức năng và UBND các quận huyện phải đẩy mạnh tuyên truyền đề án tới người tiêu dùng, đồng thời tăng cường truy xuất nguồn gốc trái cây, qua đó ngăn chặn tình trạng kinh doanh trái cây không đảm bảo VSATTP. UBND các quận, huyện rà soát quỹ đất còn trống để bố trí các hộ kinh doanh trên lòng đường, vỉa hè vào kinh doanh theo đúng quy định.
Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận TP Hà Nội”, trong thời gian tới Sở Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh trái cây, xử lý nghiêm vi phạm để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Giao lực lượng quản lý thị trường kiểm soát chặt việc vận chuyển trái cây vào TP, đồng thời phối hợp với UBND quận, huyện xử lý hoạt động kinh doanh, buôn bán trái cây trên vỉa hè, lòng đường.

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng