Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

6 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trên phạm vi cả nước, theo báo cáo của 63 tỉnh/thành phố, đến tháng 5/2013 đã có 8.030/10.761 xã (đạt 72,2% đơn vị cấp xã), có 298/698 đơn vị cấp huyện (đạt 42,69%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết, đến nay toàn quốc đã có 6 tỉnh gồm Bắc Ninh, Hòa Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Bình được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

 
6 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non - Ảnh 1
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.

Không chỉ trẻ 5 tuổi, tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường ở tất cả các độ tuổi đều tăng so với năm học trước. Trong đó, trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đạt tỷ lệ 23% (tăng 0,3%), trẻ mẫu giáo đạt tỉ lệ 86,5% (tăng 2,1%), riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt tỷ lệ 99,7% (tăng 1,1%).

Tổng số trẻ mầm non đến trường là trên 4 triệu cháu, tăng 217.247 cháu so với năm 2012.

Cùng với việc huy động trẻ đến trường, công tác chăm, nuôi dưỡng và bảo vệ sức khỏe trẻ mầm non được quan tâm đúng mức. Tỷ lệ trẻ mẫu giáo được học chương trình giáo dục mầm non là 97,2%, trong đó mẫu giáo 5 tuổi là 98,8% (tăng 4,9%). Tỷ lệ trẻ được ăn bán trú tại trường, lớp mầm non đạt 73,89%, tăng 3% so với năm học trước.

Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010. Đề án nhằm bảo đảm hầu hết trẻ em 5 tuổi ở mọi vùng miền được đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, đủ một năm học, nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để trẻ em vào lớp 1.

Mục tiêu cụ thể là đến năm 2015, 100% các tỉnh đều hoàn thành phổ cập, 95% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày. Đề án có tổng kinh phí 14.660 tỷ đồng.