Nhằm tìm kiến những giải pháp phù hợp cho sự phát triển bền vững của ngành điện tử Việt Nam, ngày 15/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức diễn đàn “Việc làm thỏa đáng và tương lai của chuỗi cung ứng điện tử tại Việt Nam”.
Thông tin từ diễn đàn, Việt Nam đã ghi nhận giá trị xuất khẩu hàng điện tử tăng liên tục hằng năm, hiện chiếm 1/3 tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Và, cũng là một trong những nước xuất khẩu hàng điện tử lớn nhất thế giới, lên tới hơn 108 tỷ USD trong năm 2021 với lực lượng lao động ước tính trên 1 triệu người.
Tuy nhiên, ngành điện tử chủ yếu tập trung vào các hoạt động gia công, lắp ráp có giá trị gia tăng thấp và thâm dụng lao động. “Một trong những khó khăn lớn nhất mà các DN đang phải đối mặt là những biến động lớn về lao động, trong đó có sự suy giảm và thiếu hụt lao động, việc thu hút người lao động trở lại làm việc, tạo ra việc làm thỏa đáng đang là một bài toán khó được đặt ra” – Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết.
Kết quả khảo sát DN mới nhất của VCCI với sự hỗ trợ của ILO cho thấy: Khoảng 60% số DN được hỏi cho rằng tình trạng thiếu lao động có kỹ năng là một thách thức từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng trong lĩnh vực điện tử. Khoảng 50% số DN cũng coi kỹ năng chuyên môn của đội ngũ giám sát và quản lý là một thách thức lớn.
Vì vậy, trong bối cảnh phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19, việc đảm bảo lực lượng lao động gắn bó, năng suất ổn định và sự phát triển bền vững của các DN sản xuất cần phải được coi là ưu tiên hàng đầu.
Trong khi đó, Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam Ingrid Christensen cho rằng, cần chú ý tới việc làm thỏa đáng để có thể tăng khả năng cạnh tranh bền vững của ngành công nghiệp điện tử trên thị trường toàn cầu và đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Điều này cũng phù hợp với Lời kêu gọi hành động toàn cầu vì công cuộc phục hồi lấy con người làm trung tâm của ILO, trong đó tập trung vào bốn trụ cột có mối liên hệ qua lại mật thiết bao gồm: Tăng trưởng toàn diện và việc làm, bảo vệ người lao động, an sinh xã hội toàn dân và đối thoại xã hội.
Theo bà Ingrid Christensen, Việt Nam có thể phát triển bền vững ngành điện tử thông qua đầu tư hợp lý vào cải thiện điều kiện làm việc thỏa đáng, gồm thúc đẩy đối thoại xã hội, tham gia vào các chương trình tăng cường tuân thủ pháp luật tại nơi làm việc.
Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti cho rằng, đối thoại xã hội sẽ đóng một vai trò chủ đạo giúp đảm bảo các chuỗi cung ứng bền vững. Cần thúc đẩy việc làm thỏa đáng để có được một ngành công nghiệp điện tử bao trùm, bền vững và có khả năng chống chịu tại Việt Nam.
Ông Giorgio Aliberti cũng nhấn mạnh đến việc hiện nay các nhà đầu tư, người tiêu dùng và các nhà lập pháp trên khắp thế giới ngày càng đặt yêu cầu cao hơn đối với nhiệm vụ thúc đẩy việc làm bền vững trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.