Từng học ngành khoa học máy tính ở nước ngoài cách đây nhiều năm, ông Đức cho biết lý do đi học không phải để lấy bằng, mà chủ yếu là bổ sung, cập nhật kiến thức mới trong lĩnh vực công nghệ. Ông tự nhận, với kinh nghiệm làm việc trong ngành hơn 30 năm, nhiều kiến thức ông nắm rất chắc. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực rất rộng, mỗi người chuyên sâu một khía cạnh, nên ông vẫn muốn đi học đại học. Bản thân có thể tự rèn luyện, nhưng để đưa mình vào khuôn khổ, đồng thời có tương tác tốt hơn trong việc học, ông đã chọn đại học trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam để tiếp nhận thêm kiến thức. "Trước đây, khi còn đi làm, tôi chỉ ước mình có thể nghỉ 5 - 6 tháng để dành thời gian cho bản thân. Nhưng gần 2 năm nay, khi quyết định về hưu an hưởng tuổi già, suốt ngày quanh quẩn ở nhà, tôi lại bắt đầu thấy buồn chán", ông Đức trải lòng. Nói về việc học online, người đàn ông ở tuổi 63 cho rằng, đây là cách để chủ động thời gian, tiết kiệm công sức đi lại. "Hồi xưa tôi đi học rất vất vả khi ngày nào cũng phải cắp sách tới trường. Có những ngày vào mùa đông, thời tiết âm dưới 20 độ C, những lúc đó tôi chỉ ước mình ngồi trong phòng, đắp chăn lại mà vẫn có thể học bài. Do đó, khi thấy mô hình học đại học trực tuyến, tôi đã đăng ký ngay", học viên cao tuổi nhất của trường chia sẻ. Chọn học đại học khi chuẩn bị bước sang tuổi 50 cũng là quyết định táo bạo của ông Hoàng Thái Đại. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội thời còn chiến tranh, loạn lạc. Cha mẹ là cán bộ viên chức nhà nước, dù lương không cao nhưng anh chị em trong nhà đều được đi học. Năm 1977, ông theo học Đại học Thủy lợi và tốt nghiệp năm 1982. Hồi đó, máy tính còn khá xa lạ nên ông chỉ đầu tư nhiều vào học tiếng Anh. Tuy nhiên khi bắt đầu làm luận án và xử lý số liệu, ông gặp không ít khó khăn vì kém tin học. "Tôi không có máy tính cá nhân, khi cần phải đến phòng máy tính của trường để học. Chỉ có mỗi việc soạn thảo văn bản mà cứ phải dò dẫm, có khi đánh máy vài tiếng nhưng vô tình xóa đi mà không biết nên mất công đánh lại", ông nhớ lại. Dù nhận thức tầm quan trọng của tin học từ lâu nhưng do bận rộn với công việc, gia đình, khi đã gần tuổi 50, ông mới quyết định phổ cập kiến thức tin học. "Có thể, sau khi nghỉ hưu, tôi sẽ tiếp tục công tác nên việc bổ sung kiến thức tin học sẽ giúp tôi hoàn thành tốt công việc. Ngoài ra, khi xã hội phát triển, công nghệ được ứng dụng khắp lĩnh vực thì việc cập nhật kiến thức tin học giúp tôi không bị lạc hậu so với con cháu", ông Đại chia sẻ. Nam giảng viên này cũng cho rằng, việc đi học ở tuổi quá tứ tuần sẽ giúp đầu óc không bị lão hóa, khai thác các nguồn tài liệu trên mạng. Đặc biệt, ông coi việc đi học là để làm gương cho con cháu. Tham gia công tác, học tập, tham dự hội thảo ở nhiều quốc gia, ông cho rằng tin học và ngoại ngữ là hai kỹ năng cần thiết cho công việc của nhiều người ở xã hội hiện đại. Do vậy, với ông, việc đi học không bao giờ là muộn ở bất cứ độ tuổi nào, đây cũng là lý do để ông đăng ký học ở FUNiX. Không e ngại tuổi tác, học viên U50 này cho biết sẽ cắp sách đi học kiến thức ở những mentor trẻ. "Ngoài đi học, tôi còn có công việc và gia đình, việc học online sẽ giúp tôi tiết kiệm và chủ động được thời gian", ông nói. Còn ông Lê Anh Tuấn (47 tuổi, TP.HCM) cho biết đã từng thi đậu vào khoa Toán - Tin của Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM nhưng sau đó vì hoàn cảnh gia đình nên không thể hoàn thành chương trình học. Sau đó, ông tốt nghiệp ngành kinh tế và làm việc ở nhiều lĩnh vực như tiếp thị bán hàng vật liệu xây dựng, chào hàng mẫu in lụa, gia sư… Khi đã gần bước sang tuổi 50, đam mê với ngành lập trình, người đàn ông này mới tiếp nối giấc mơ dở dang thời trai trẻ. "Nhiều người cho rằng tuổi cao không còn khả năng viết code nhưng tôi nghĩ tùy người. Nếu có lòng đam mê thì tuổi nào cũng có thể lập trình được", học viên gốc Sài thành chia sẻ. Chọn hình thức học trực tuyến, ông Tuấn cho biết sẽ vừa học vừa làm, với hy vọng khi hoàn thành khóa học có thể viết các chương trình phần mềm về lĩnh vực kinh tế như quản lý, các website về thương mại điện tử...