Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

70% tai nạn giao thông xảy ra ở ngoại thành

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Không thể phủ nhận việc tai nạn giao thông hiện nay vẫn diễn ra phức tạp. Theo thống kê của lực lượng giao thông, số vụ tai nạn giao thông xảy ra ở ngoại thành chiếm trên 70%. Lý do bởi khu vực này hạ tầng giao thông chưa tốt; có nhiều tuyến đường Quốc lộ chạy qua, ý thức tham gia giao thông chưa cao...

Theo Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hà Nội, tình hình trật tự an toàn giao thông đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các vụ tai nạn nghiêm trọng đã giảm hẳn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, những tháng cuối năm 2012 sẽ có nhiều khó khăn trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông cũng đang xây dựng các phương án, xử lý theo từng chuyên đề nhằm vào nhiều đối tượng tham gia giao thông như: chuyên đề về xử lý học sinh đi xe máy đến trường, xử lý các vi phạm về nồng độ cồn; đi vào đường cấm, đường ngược chiều; kiểm tra xe khách đáp ứng đủ điều kiện an toàn mới được xuất bến; truy tố các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trước pháp luật…

Cùng với việc xử lý nghiêm khắc, tất cả những trường hợp vi phạm nếu nằm trong Thông tư 02 của Bộ Công an đều phải học, thi lại Luật Giao thông để đảm bảo kiến thức.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại tá Ngọc về vấn đề này.

Có nhiều chuyên đề xử lý vi phạm

- Hà Nội là một trong những thành phố được Thủ tướng Chính phủ khen ngợi trong vấn đề cải thiện tai nạn và ùn tắc giao thông trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên những tháng cuối năm lưu lượng phương tiện tham gia giao thông sẽ ngày một tăng, tình hình giao thông vì thế mà sẽ thêm phần phức tạp. Phòng Cảnh sát giao thông có đánh giá gì về nhận định này?

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc:
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, gắt gao của ban lãnh đạo Công an Hà Nội, thời gian qua lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã có nhiều hoạt động dẫn đến tình hình giao thông được cải thiện khá nhiều.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm đã có hơn 11.000 trường hợp vi phạm giao thông được lực lượng xử lý. Qua các trường hợp này, Cảnh sát giao thông cũng đã phối hợp với các lực lượng kiểm tra, phát hiện và bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội đang trên đường tẩu tán đồng thời giao nộp cho các đơn vị chức năng chuyên môn.

70% tai nạn giao thông xảy ra ở ngoại thành - Ảnh 1
 
Cảnh sát giao thông tiến hành xử phạt người điều khiển phương tiện vi phạm. (Ảnh: Vietnam+)

Tuy nhiên, tình hình an toàn giao thông từ nay đến cuối năm còn nhiều phức tạp bởi, theo chu kỳ mọi năm, việc học sinh, sinh viên quay vào năm học mới, tình hình giao thông trên các tuyến đường sẽ đông trở lại, nhất là khu vực có trường học.

Ngoài ra, do thời tiết chuyển mùa, đêm dài hơn ngày, có hiện tượng sương mù, chuẩn bị thu hoạch vụ lúa mùa, việc đốt rơm rạ tạo lên mù trời… cũng sẽ có tác động rất nhiều đến vấn đề an toàn giao thông.

- Hiện nay, tình trạng vi phạm giao thông vẫn diễn ra phổ biến. Vậy, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ có những biện pháp và kế hoạch gì để đảm bảo trật tự an toàn giao thông?

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc: Phòng Cảnh sát giao thông phối hợp với công an các quận huyện, phường bố trí lực lượng phù hợp để chỉ huy giao thông trong các tình huống phát sinh;  tổ chức nghiên cứu đưa ra các chuyên đề xử lý các lỗi là nguyên nhân gây ùn tắc, tai nạn như học sinh sinh viên chưa đến tuổi cấp bằng lái xe mà vẫn điều khiển xe; đèo ba, bốn không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang trên đường; trường hợp đi vào đường cấm, đi sai giờ quy định, không đảm bảo an toàn …. trong đó lưu ý đối với những xe khách sẽ xử lý trên nhiều tuyến đường, nhiều khung giờ.

- Mức xử phạt chưa cao nên dẫn đến thực trạng người vi phạm giao thông tỏ ra “nhờn” luật. Ông nghĩ như thế nào về quan điểm này?

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc: Thực tế thì lực lượng cảnh sát giao thông và các lực lượng khác thông qua số liệu xử phạt của mỗi tháng đều cho thấy số lượng người vi phạm giao thông bị xử phạt rất nhiều.

Bên cạnh việc xử lý nghiêm khắc theo Luật giao thông được Nhà nước quy định thì tất cả những trường hợp vi phạm nếu nằm trong Thông tư 02 của Bộ Công an đều phải học, thi lại Luật Giao thông để đảm bảo kiến thức giao thông sau khi học lại.

70% tai nạn xảy ra ở ngoại thành

- Tai nạn giao thông đã được kiềm chế, song vẫn diễn biến phức tạp ở khu vực ngoại thành. Trưởng phòng có thể cho biết rõ hơn về tỷ lệ tai nạn ở khu vực này và biện pháp hạn chế?

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc: Không thể phủ nhận việc tai nạn giao thông hiện nay vẫn diễn ra phức tạp. Theo thống kê của lực lượng giao thông, số vụ tai nạn giao thông xảy ra ở ngoại thành chiếm trên 70%. Lý do bởi khu vực này hạ tầng giao thông chưa tốt; có nhiều tuyến đường Quốc lộ chạy qua, ý thức tham gia giao thông chưa cao...

Những tháng vừa qua, Phòng Cảnh sát giao thông đã liên tiếp chỉ đạo các đơn vị ở huyện ngoại thành, tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông cả công cụ, phương tiện để xử lý theo chuyên đề, cùng với việc kiến nghị Sở Giao thông Vận tải bổ sung biển báo, điều chỉnh tốc độ, nâng cấp hạ tầng giao thông, giải tỏa hành lang an toàn giao thông… từng bước đã có kết quả cải thiện song thực tế tình hình tai nạn vẫn ở mức cao.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp để kéo giảm ùn tắc.

- Hà Nội bắt đầu vào mùa mưa. Những trận mưa lớn, cục bộ sẽ  lại xuất hiện những điểm úng ngập và ùn tắc. Phòng Cảnh sát giao thông đã chuẩn bị những gì cho những đợt mưa sắp tới, nhằm cải thiện tình trạng ùn tắc kéo dài?

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc: Theo thống kê trên địa bàn Hà Nội, nếu mưa lớn liên tục sẽ có khoảng 29 điểm có nguy cơ úng ngập, gây cản trở người tham gia giao thông tại khu vực và tuyến đường.

Lưu lượng mưa tăng hơn nhiều so với năm ngoái nếu tính từ đầu năm tới giờ. Gần đây nhất là cơn mưa 23 giờ đêm ngày 7/8 nếu rơi vào đúng giờ cao điểm thì khả năng gây úng ngập và ùn tắc sẽ rất cao.

Sau khi thống kê cùng công ty thoát nước các điểm úng ngập, chúng tôi đã có kế hoach giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị đóng trên địa bàn đó, phối hợp với các lực lượng khác cùng công an các quận, phường, bảo vệ dân phố, bố trí lực lượng điều hành giao thông ở các khu vực đó cho phù hợp, hạn chế thấp nhất ùn tắc tại các khu vực có mưa lớn. Và kinh nghiệm này đã được triển khai qua nhiều đợt mưa từ đầu năm đến nay.

- Có ý kiến cho rằng, vào những lúc mưa lớn, người tham gia giao thông vi phạm luật rất nhiều song cảnh sát giao thông không thấy xử lý. Đại tá nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc:
Vào thời điểm mưa lớn, đứng trước nguy cơ úng ngập và ùn tắc thì nhiệm vụ đầu tiên của người cảnh sát giao thông là phải đứng ra điều tiết, hướng dẫn giao thông giúp người dân lưu thông tốt chứ không phải chăm chăm xử phạt.

Do đó, để tránh tình trạng giao thông thêm phần phức tạp, tôi kêu gọi người dân nâng cao ý thức chấp hành đúng luật giao thông, không lên vị vội vã hay bất ký lý do nào mà cố tình biết sai luật nhưng vẫn vi phạm.

- Xin cảm ơn Đại tá./.