Ngày 27/5, vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Trustbank được tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư đại diện cho quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân liên quan vụ án.
Bán cổ phần… khống!Khi được chủ tọa gọi, bị án Phạm Công Danh (tại phiên tòa này là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan), khẳng định: “Các tài liệu cho rằng bị cáo Hứa Thị Phấn sở hữa 84,92% cổ phần của Trustbank là không đúng, vì không có chứng từ nào thể hiện điều này và thực chất toàn là vốn khống. Việc chuyển giao Trustbank thực tế trước đó đã chuyển cho ông Hà Văn Thắm. Tại phiên tòa xử ông Thắm cũng khai trong số 84,92% cổ phần của bà Phấn tại Trustbank chỉ tương đương 4 triệu đồng! Bà Phấn chuyển nhượng Trustbank cho tôi chỉ là thủ tục. Để có ngân hàng này, tôi cũng chuyển cho ông Thắm 2 lần tiền với tổng số 800 tỷ đồng”.Luật sư Trần Minh Hải (bảo vệ quyền lợi của bị án Danh), tranh luận: “Ông Danh bị bà Phấn che dấu thông tin dẫn đến tiếp nhận ngân hàng rỗng ruột. Khi chuyển giao, hoàn toàn không có một văn bản lẫn giải thích nào từ bà Phấn cũng như các cán bộ Trustbank về thực trạng Trustbank để ông Danh biết sự thật giá trị ngân hàng. Ngoài ra, cũng từ kết luận thanh tra liên quan nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3 bị nâng khống trên 1.105 tỷ đồng, dẫn đến ông Danh đã lầm tưởng. Khi tiếp nhận Trustbank, đến tháng 8/2014 ông Danh cho định giá lại và qua thẩm vấn tại tòa hôm nay mới biết căn nhà nêu trên có giá 154 tỷ đồng, bằng một phần tám giá trị thật, dẫn đến tiền vay của ngân hàng lại đầu tư vào tài sản cố định (TSCĐ) bán thì lỗ và không thể bù đắp được thanh khoản”.Cũng theo luật sư Minh Hải, 1 tài sản nữa khá quan trọng là khoản vay của Công ty CP Đầu tư Phương Trang (nhóm Phương Trang). Theo hồ sơ công khai tại tòa khoản vay này là 9.437 tỷ đồng thể hiện trên hồ sơ vay, tài liệu chuyển giao giữa các bên, phương án tái cơ cấu (PATCC) Trustbank. Khi đầu tư vào Trustbank, chỉ có trên mười mấy ngàn tỷ nhưng quá nửa là nợ của nhóm Phương Trang. Trong khi tài sản đảm bảo (TSĐB) của nhóm này “thể hiện” rất tốt nên khi ông Danh đưa ra PATCC đều dựa vào TSĐB của nhóm Phương Trang. Nhưng tại tòa này nhóm Phương Trang cho rằng chỉ vay trên 3.936 tỷ đồng! Chính vì vậy sau khi tiếp nhận Trustbank rồi đổi thành VNCB thì VNCB phá sản nên ông Danh trở thành bị án với mức 30 năm tù.
Bị án đề nghị khởi tố thêm tội đối với bị cáo PhấnCòn bị án Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB), nêu ý kiến trước tòa: “Khi nhận chuyển giao Trustbank từ Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), lúc đó số cổ phần 84,92% của bà Phấn là dưới 0 đồng. Khi đưa Trustbank vào PATCC, tổng số tiền được chuyển giao trên sổ sách là 4.484 tỷ đồng, nợ gốc 3.581 tỷ đồng cộng khoản đầu tư 902 tỷ đồng (tương đương 2.252.000 cổ phần). Lúc đó Tập đoàn Thiên Thanh và tôi xây dựng hợp đồng chính thức với tổng số tiền là 4.619 tỷ đồng nhưng thực chất là con số khống”.Bị án Mai cũng mong HĐXX và các cơ quan chức năng xem xét chuỗi hành vi lừa dối mang tính hệ thống và tiếp tục khởi tố bị cáo Hứa Thị Phấn thêm tội lừa đảo, vì liên quan hành vi lừa 3.600 tỷ đồng trong việc mua 114 BĐS nêu trên. Bị án Mai dẫn chứng: “Số tiền 3.581 tỷ đồng có dấu hiệu vi phạm pháp luật vì nó là con số khống. Tại văn bản số 414 ngày 21/4/2015 của Viện KSND TP Hồ Chí Minh gửi Công an TP đã nói rõ toàn bộ 29 khoản vay của nhóm Phú Mỹ là đứng tên khống, TSĐB có giá trị thấp nhưng sau khi các khoản vay được giải ngân thì lại được dùng để tăng vốn điều lệ Trustbank từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng, như vậy con số này là khống”.“Thời điểm ông Danh nhận Trustbank, có 2 nhóm nợ chính đều có TSĐB. Đối với nhóm Phú Mỹ có 6.000 tỷ đồng nợ trên sổ sách; nhóm Phương Trang có TSĐB và nợ trên 11.000 tỷ đồng, tài sản cố định (TSCĐ) của Trustbank tương đương 3.200 tỷ đồng. Lúc đó PATCC đưa ra là phải lấy được 114 BĐS để bán nhằm ít nhất có 2.000 tỷ đồng từ bên ngoài đầu tư tái cơ cấu (TCC). Đối với TSĐB của nhóm Phương Trang, trong PATCC chúng tôi đưa ra là phải bán tất cả tài sản đó cho các tổ chức tín dụng (TCTD) của Nhà nước hoặc các TCTD khác để ngân hàng có thanh khoản và để có 3.600 tỷ đồng đề phòng rủi ro và giảm lỗ. Tuy nhiên thực tế qua phiên tòa này, chúng tôi mới thấy PATCC của chúng tôi đã bị phá sản ngay từ trong trứng nước vì bị rút ruột 12.000 tỷ đồng. Tại thời điểm đó tôi đã nhận thấy Trustbank không phải lỗ lũy kế 6.000 tỷ đồng mà lỗ 18.000 tỷ đồng (thông qua số nợ của nhóm Phú Mỹ và nhóm Phương Trang). Khi nhận Trustbank, chúng tôi cũng rất bất nhờ về sự tranh chấp số tiền 9.437 tỷ đồng giữa nhóm Phương Trang và bà Phấn. Lúc đó tôi đã đề xuất với VNCB yêu cầu NHNN vào cuộc. Sau đó lãnh đạo cao cấp của NHNN có làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Hữu Luận (Chủ tịch HĐQT Công ty Phương Trang) và ông Danh để triển khai đối chiếu toàn bộ số liệu. Ngày 14/4/2014, NHNN có văn bản số 14 gửi Thủ tướng Chính phủ, sau đó Văn phòng Chính phủ có văn bản trả lời các bên liên quan, nhưng gánh nặng tiếp tục đè lên vai chúng tôi vì nếu chúng tôi không xử lý được nợ xấu của nhóm Phương Trang thì PATCC chấm dứt”, bị án Phan Thành Mai nói trước tòa.Bị án Phan Thành Mai cho rằng khoản nợ 9.437 tỷ của nhóm Phương Trang gây ảnh hưởng khủng khiếp đến VNCB. “Năm đầu tiên, VNCB phải huy động 2.000 tỷ - 2.500 tỷ đồng để trả lãi ít nhất số tiền 50% (dân gửi vào) cho con số 9.437 tỷ. Năm thứ hai không có khoản trả lãi nào từ 9.437 tỷ đồng, nên VNCB phải huy động thêm 9.400 tỷ đồng từ các nguồn để đảm bảo an toàn. Vì số tiền 9.437 tỷ nêu trên mà VNCB phải huy động thêm 25.000 tỷ đồng, dẫn đến phá sản.
Đề nghị HĐXX không giải tỏa kê biên 114 BĐSLuật sư Minh Hải cũng đề nghị HĐXX công bố nguyên nhân đổ vỡ của VNCB từ thực tiễn vụ án này vì tại KLĐT đã nêu tình trạng Trustbank rất xấu, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xếp hạng Trustbank là 1 trong 9 ngân hàng yếu kém. Tính đến 29/2/2012, tổng tài sản của Trustbank là 20.864 tỷ, vốn chủ sở hữu bị âm 2.854 tỷ, lỗ lũy kế hơn 6.061 tỷ, gấp 2 lần vốn điều lệ và quỹ dự trữ. Tại tòa, cả bị án Phạm Công Danh và các luật sư bảo vệ đều có yêu cầu HĐXX tuyên giữ nguyên hiện trạng, không giải tỏa 114 bất động sản (BĐS) đã kê biên, để sau này phát mãi đảm bảo tối đa quyền lợi khắc phục hậu quả vụ án mà bị án Danh cùng đồng phạm bị xét xử trước đó.Một tình tiết liên quan 114 BĐS mà nhóm Hứa Thị Phấn không thể chuyển giao cho nhóm cổ đông Phạm Công Danh, cũng được luật sư Hà Hải (bảo vệ quyền lợi bị án Phạm Công Danh), tiết lộ: “vì các BĐS đó bị nâng khống giá trị, nhiều BĐS chưa chuyển được mục đích sử dụng, nhiều hợp đồng tín dụng không có TSĐB, thậm chí có hợp đồng mượn tiền nhưng không có TSĐB, nhiều tài sản đã đem cầm cố tại ngân hàng khác. Vì không nhận được số tài sản trên nên VNCB không thể bán để trả nợ rồi phá sản”.