Công điện nêu: Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ ngày 13 - 16/7, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xảy ra mưa, lượng mưa phổ biến từ 50 - 100mm, có nơi đến hơn 250 mm (khu vực phía Nam của tỉnh Nam Định); hơn 150mm (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh). Mưa lớn đã gây ngập cho khoảng 9.800ha cây trồng tại các tỉnh Nam Định 4.900ha, Ninh Bình 3.000ha, Thái Bình 1.400ha, Thanh Hóa 450ha.
Theo thông tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp áp thấp nhiệt đới trên khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, dự báo từ ngày 17 - 18/7 ở khu vực Bắc bộ có mưa vừa, mưa to, riêng khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa rất to, sau đó vùng mưa to có khả năng mở rộng lên các tỉnh vùng núi phía Bắc và khu Tây Bắc Bắc Bộ trong ngày 19 - 20/7/2018.Hiện nay, ở các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, diện tích gieo trồng vụ Hè Thu, vụ Mùa hầu hết mới gieo cấy nên dễ bị thiệt hại nặng nếu bị ngập lụt, úng và có nhiều công trình thủy lợi đang bị xuống cấp, nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa, lũ. Để bảo vệ an toàn công trình thủy lợi và sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra, Tổng cục Thủy lợi đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, TP tổ chức vận hành khẩn cấp công trình thủy lợi để tiêu nước đệm trong hệ thống kênh mương; tiêu úng cho các diện tích đang bị ngập, đặc biệt ở các diện tích lúa Mùa, Hè Thu mới gieo cấy; chưa xuống giống các diện tích lúa Mùa, Hè Thu, nhất là các diện tích lúa gieo sạ, ở các khu vực khả năng xảy ngập lụt, úng, chỉ xuống giống sau khi đợt mưa kết thúc; tăng cường kiểm tra an toàn công trình thủy lợi, đặc biệt các hồ chứa nước xung yếu, chủ động hạ thấp mực nước nếu công trình có nguy cơ xảy ra sự cố khi có mưa, lũ.Triển khai phương án bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi, đặc biệt là các hồ chứa nước, phương án phòng, chống lũ, lụt vùng hạ du hồ chứa, đặc biệt quan tâm an toàn của các công trình đang thi công xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp.Bên cạnh đó, cần cập nhật thường xuyên dự báo mưa, lũ của các cơ quan khí tượng thủy văn và chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền; kịp thời điều chỉnh phương án vận hành hệ thống công trình thủy lợi phù hợp; Tổ chức trực ban tại công trình 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ; theo dõi chặt chẽ mực nước và lưu lượng nước đến hồ chứa nước để có phương án vận hành phù hợp.