70 năm giải phóng Thủ đô

90% đất công được sử dụng “đúng mục đích”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - “Trên 90% doanh nghiệp và tổng số đất thực hiện đúng theo Luật Đất đai, và được sử dụng nghiêm túc, còn lại gần 10% là vi phạm”.

KTĐT - “Trên 90% doanh nghiệp và tổng số đất thực hiện đúng theo Luật Đất đai, và được sử dụng nghiêm túc, còn lại gần 10% là vi phạm”.

Đó là khẳng định của ông Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong cuộc phỏng vấn với chúng tôi xung quanh vấn đề quản lý đất công hiện nay.

Sau khi kiểm tra tình hình sử dụng đất của các tổ chức được giao đất, cho thuê đất nhằm xác định diện tích đất mà các tổ chức đang quản lý, sử dụng; diện tích lấn chiếm, diện tích bị lấn chiếm; diện tích sử dụng sai mục đích; diện tích đất chuyển nhượng, cho thuê trái phép; diện tích đất chưa đưa vào sử dụng... Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thu được các con số cụ thể thế nào, thưa ông?

Tổng diện tích đất của các tổ chức đang quản lý, sử dụng trên toàn quốc là 7.833.142,70 ha, trong đó chủ yếu là diện tích đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp 6.687.695,59 ha (chiếm 85,38%), sử dụng mục đích phi nông nghiệp 845.727,62 ha (chiếm 10,80%), diện tích đất chưa sử dụng 299.719,49 ha (chiếm 3,83%), đất mặt nước ven biển được giao, cho thuê là 0,23%.

Trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 6.687.695,59 ha, trong đó hầu hết các loại hình tổ chức đều có diện tích đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp (trừ các tổ chức ngoại giao).

Tổng số diện tích đất phi nông nghiệp của các tổ chức đang quản lý, sử dụng là 845.727,62 ha, các loại hình tổ chức đều có diện tích đất phi nông nghiệp, tập trung nhiều nhất là các tổ chức sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh (34,92%), tổ chức kinh tế (24,79%), nông, lâm trường (18,13%), ủy ban nhân dân cấp xã (13,79%), tổ chức sự nghiệp công (6,62%)...

Diện tích đất chưa sử dụng của các tổ chức có 299.719,49 ha, chiếm 3,83% diện tích đất của các tổ chức đang quản lý, sử dụng, phần lớn là diện tích đất đã giao nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc đã sử dụng nhưng hiện còn để hoang hoá.

Diện tích đất chưa sử dụng tập trung chủ yếu ở nông, lâm trường (51,36%), tổ chức sự nghiệp công (40,15%), các tổ chức kinh tế (6,88%), ủy ban nhân dân cấp xã (0,87%).

Sau khi có các con số cụ thể trên thì ông có thể đưa ra kết luận gì để giải toả cho nỗi bức xúc của dư luận trong thời gian qua về tình trạng lãng phí trong sử dụng đất công không?

Kết luận về tình hình quản lý, sử dụng đất của các tổ chức thì cả nước có 141.812 tổ chức sử dụng đúng mục đích được giao, được thuê với diện tích 7.148.536,47 ha, chiếm 91,26%.  

Nhìn chung, các loại hình tổ chức sử dụng đất đúng mục đích, đạt hiệu quả trong sử dụng, tỷ lệ sử dụng đúng mục đích trên tổng diện tích theo hình thức sử dụng của toàn quốc đạt trên 90%...

Trả lời trước Quốc hội trong Kỳ họp thứ 5, ông đã từng gọi đất công là một miền đất khó khăn nhất trong quản lý và thu hồi lại đất công sai phạm là rất khó khăn, phức tạp. Với con số gần 10% sai phạm này đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xác định được hướng xử lý chưa, thưa ông?

Đúng đây là một miền đất khó khăn và thu hồi được đất công sai phạm là rất khó khăn. Khó khăn vì nó “vướng” ở chỗ muốn giải quyết thì phải phụ thuộc vào chính quyền địa phương, lãnh đạo cấp tỉnh, bởi lãnh đạo cấp tỉnh quản lý toàn bộ đất đai trên địa bàn của mình.

Trước đây cũng đã tiến hành thu hồi một số, nhưng thường là bị can thiệp. Nhưng lần này chúng tôi nghĩ rằng sẽ phải quyết tâm, quyết tâm hơn những giai đoạn trước đây. Đây là vấn đề lâu dài và phải làm từng bước.

Hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Tờ trình Chính phủ về kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức đang quản lý, sử dụng được nhà nước giao đất, cho thuê đất, trình kèm theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức đang quản lý, sử dụng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến và ban hành Chỉ thị, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì hoặc phối hợp với các bộ ngành để thực hiện và đôn đốc, chỉ đạo các địa phương nghiêm túc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, chúng tôi có các đề xuất như nếu nơi nào sử dụng đất không có hiệu quả thì dứt khoát kiến nghị là thu hồi lại, thái độ của Bộ Tài nguyên và Môi trường là kiên quyết xử lý những trường hợp như thế này. Bởi vì Nhà nước giao đất không lấy tiền, nhưng “anh” đã dùng đất này cho thuê để lấy tiền và cho tổ chức, cá nhân riêng, lấy đất này làm liên doanh, liên kết làm tất cả những điều không đúng với luật định thì dứt khoát phần này phải xử lý.

Những chỗ đất hoang hóa hiện nay để hoang khoảng độ hơn 3% thì cũng phải thu hồi lại, bởi vì quỹ đất chúng ta hiện nay đang rất thiếu và đây toàn là những đất có hiệu quả.

Thưa ông, việc xác định giá đất công sau khi thu hồi để chuyển giao cho những doanh nghiệp khác sử dụng có hiệu quả hơn sẽ được xác định thế nào?

Chính phủ đã quyết định giao định giá đất về cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong định giá đất có 3 việc lớn phải làm.

Một là, xác định khung giá đất. Hai là, xác định bảng giá đất. Ba là, xác định định giá đất cụ thể cho từng thửa đất và từng miếng đất. Trong định giá đất có hai việc là định giá để bồi thường cho dân và định giá để cho thuê, giao đất và cho giá chuyển nhượng...

Hiện nay Bộ Tài chính đang phối hợp chuyển giao, từ đầu năm 2009 chúng tôi nhận nhiệm vụ này. 59 sở tài nguyên và môi trường đã nhận bàn giao công việc này của các sở tài chính sang. Trong thời gian tới với mong muốn làm sao những loại đất giao cho các tổ chức không thu tiền thì thời gian tới này thu hồi lại, có thể sẽ đấu giá hoặc chuyển mục đích sử dụng. Chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt việc này.