Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III năm 2024 được phát động từ tháng 7/2024 hướng đến Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Sau hơn 3 tháng phát động, Cuộc thi đã thu hút đông đảo tác giả với hơn 700 tác phẩm dự thi. Trong đó, các tác phẩm đoạt giải đã thể hiện một bức tranh sống động về Thủ đô qua những cảm xúc, hồi ức và kỷ niệm của người viết.
Những câu chuyện phong phú không chỉ khắc họa không khí sinh hoạt đặc trưng của Hà Nội mà còn phản ánh sâu sắc văn hóa, lịch sử, cảnh quan, kiến trúc và di sản quý giá… của TP nghìn năm văn hiến.
Với nỗi nhớ về quá khứ, kiến trúc sư Nguyễn Trần Đức Anh, tác giả đoạt giải Ba với tác phẩm “Ngã ba cầu thang chung cư tập thể thời bao cấp, nơi chẳng của riêng ai” đã khắc họa lại một không gian đậm chất Hà Nội. Tác phẩm không chỉ đơn thuần mô tả cầu thang chung cư như một nơi sinh hoạt, mà còn là không gian sẻ chia, nơi hội tụ những mảnh ghép cuộc sống trong thời kỳ bao cấp đầy khó khăn.
“Ngã ba hành lang đó như một không gian cộng đồng thân thiết, là sân chơi cuốn hút của những đứa trẻ như tôi thời ấy. Hình ảnh đó vẫn luôn sống động và là những kỷ niệm quý giá trong ký ức của tôi” - kiến trúc sư Nguyễn Trần Đức chia sẻ.
Cùng với những kỷ niệm ngọt ngào về Hà Nội, Á hậu Nguyễn Trần Huyền My, chủ nhân tác phẩm “Ngõ nhỏ cổ kính len lỏi trong phố cổ Hà thành” đoạt giải Khuyến khích chia sẻ: “Là một người đam mê ẩm thực, tôi tin rằng con đường ẩm thực là một trong những cách nhanh nhất để chạm đến trái tim mọi người. Chính vì vậy, tôi đã chọn viết về phở, món ăn biểu tượng của Hà Nội”.
Theo đánh giá của Ban Giám khảo, nhiều bài dự thi năm nay có chất lượng tốt, đồng đều hơn, ghi lại vẻ đẹp của Hà Nội ở nhiều góc cạnh khác nhau. Ban Tổ chức đã chọn được 11 tác phẩm chất lượng để trao giải, gồm: 1 giải Nhất (20 triệu đồng), 2 giải Nhì (10 triệu đồng/giải), 3 giải Ba (7 triệu đồng/giải), 5 giải Khuyến khích (5 triệu đồng/giải).
Trong đó, giải Nhất thuộc về PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Thanh Hương - nguyên giảng viên cao cấp Đại học Sư phạm Hà Nội với tác phẩm “Câu chuyện nạn đói năm 1945 và giây phút chạm má vào huy chương Ngày Giải phóng Thủ đô”.
"Tôi còn nhớ như in hình ảnh ngày Thủ đô giải phóng, các anh bộ đội với cờ đỏ sao vàng, mũ cối xanh, dáng đi rắn giỏi, ngẩng cao đầu hiên ngang khi tiến quân về tiếp quản Thủ đô. Từ thời khắc lịch sử đó, Hà Nội thay đổi vượt bậc như hiện nay" - PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hương nghẹn ngào hồi tưởng về những ký ức sống động trong bài viết của mình.