70 năm giải phóng Thủ đô

ACV - cổ phiếu “khủng” ngành hàng không

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/11, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) và Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) đã tổ chức hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu ACV.

Việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thời gian tới của ACV - một trong những trụ cột của ngành hàng không được đánh giá là một thương vụ lớn, hấp dẫn nhà đầu tư (NĐT).

Giá khởi điểm 11.800 đồng/cổ phần

Theo kế hoạch, ngày 10/12, ACV sẽ IPO theo phương thức đấu giá công khai tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh, với  77,804 triệu cổ phần (tương ứng 3,47% vốn điều lệ) với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, giá bán khởi điểm 11.800 đồng/cổ phần.
Quầy làm thủ tục tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV). Ảnh: Phạm Hùng
Quầy làm thủ tục tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV). Ảnh: Phạm Hùng
Giải thích về mức giá khởi điểm 11.800 đồng/cổ phần - cao hơn 700 đồng/cổ phần so với phương án cổ phần hóa trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 4/2015, đại diện ACV cho biết, mức này dựa trên việc đánh giá xu hướng vận động của thị trường, dự báo kết quả kinh doanh trong 3 năm tới, kỳ vọng của NĐT cũng như các thông số được cập nhật liên tục và những so sánh với các DN có quy mô, loại hình kinh doanh tương đương. Theo Quyết định số 1710/QĐ/-TTg ngày 6/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ, ACV có vốn điều lệ khoảng 22.431 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm 75% vốn điều lệ; 448,6 triệu cổ phần, tương đương 20% vốn điều lệ chào bán cho NĐT chiến lược; bán đấu giá công khai 77,8 triệu cổ phần (3,47%), còn lại bán ưu đãi cho cán bộ nhân viên.

ACV hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, hiện đang quản lý 22 sân bay trên cả nước. Năng lực khai thác các sân bay của ACV tăng từ 45,15 triệu hành khách năm 2011 lên gần 70 triệu hành khách năm 2015 (dự kiến). Trong 3 năm từ 2012 - 2014, ACV đã phục vụ trên 132,6 triệu lượt hành khách, tăng trung bình khoảng 16%/năm; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trên 1 triệu chuyến bay, tăng trung bình 9,97%/năm...

Đợt IPO được chờ đợi

Giới đầu tư đánh giá, đây là một trong những đợt IPO lớn và được chờ đợi nhất trong năm 2015. Ông Trần Thăng Long - Giám đốc khối Phân tích - Công ty BSC cho rằng, điểm nhấn để ACV hấp dẫn NĐT nằm ở 4 yếu tố: Tiềm năng tăng trưởng nhanh, năng lực đầu tư hệ thống cảng hàng không, năng lực khai thác các dịch vụ hàng không, phi hàng không của ACV và nền tảng tài chính vững chắc.

Cụ thể, ngành hàng không Việt Nam tăng trưởng nhanh và khá bền vững trong giai đoạn 2012 - 2014. Động lực tăng trưởng chủ yếu bắt nguồn từ sự phục hồi kinh tế, dân số đông và tầng lớp trung lưu tăng nhanh, sự tăng trưởng của các hãng hàng không giá rẻ và hội nhập kinh tế quốc tế. Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), ngành hàng không Việt Nam kỳ vọng tăng trưởng nhanh nhất khu vực trong giai đoạn 20 năm tới. Dự kiến lưu lượng khách quốc tế sẽ tăng trưởng với tốc độ 5,3%/năm, khách quốc nội tăng trưởng với tốc độ 8,2%/năm. Từ năm 2012 đến tháng 6/2015, hệ thống cảng hàng không và các dịch vụ khác liên tục được ACV mở rộng đầu tư.

Tổng Công ty này cũng là DN có nền tảng tài chính vững chắc với dòng tiền hoạt động sản xuất, kinh doanh mạnh. Tổng doanh thu trong 3 năm (2012 - 2014) đạt 28.114 tỷ đồng, tăng trung bình 14,86%/năm; lợi nhuận sau thuế 3 năm đạt 6.342 tỷ đồng, tăng trung bình 29,75%/năm. Riêng vốn chủ sở hữu của công ty mẹ - Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam đã tăng từ 14.805 tỷ đồng (khi hợp nhất năm 2012) lên 19.833 tỷ đồng (năm 2014), tăng 33,96%. Kết quả kinh doanh của ACV được dự báo sẽ tăng trưởng bền vững trong giai đoạn 2015 - 2020.

Việc cổ phần hóa, chuyển đổi mô hình từ DN 100% vốn Nhà nước sang công ty cổ phần được đánh giá là cơ hội cho các NĐT trong và ngoài nước tham gia quản lý, nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh… của ACV. Điều này sẽ giúp DN ngày càng phát triển mạnh mẽ và thành công hơn nữa trong sản xuất, kinh doanh.