KTĐT - Cuộc họp toàn thể lần thứ hai trong khuôn khổ Hội nghị thường niên ADB lần 44 với sự tham gia của Hội đồng Thống đốc các nước thành viên ADB diễn ra ngày 6/5, tại Hà Nội.
Cuộc họp xoay quanh vấn đề về những nguồn tài chính mới cho ADB để vai trò của Ngân hàng này đối với sự phát triển của châu Á ngày càng thiết thực hơn.
Phát biểu tại đây, các Thống đốc đều đánh giá cao vai trò của ADB trong việc giúp các nước thoát khỏi khủng hoảng và trở thành động lực phát triển kinh tế thời kỳ hậu khủng hoảng. Tuy nhiên trong bối cảnh giá cả lương thực leo thang, lạm phát đang là vấn đề nan giải và việc 2/3 dân số nghèo của thế giới lại thuộc về châu Á. Các Thống đốc kỳ vọng ADB sẽ phát huy sứ mệnh xóa đói giảm nghèo của mình thiết thực hơn trong thời gian tới.
Nhìn về hoạt động của ADB trong năm qua, các Thống đốc đều đánh giá cao vai trò của ADB, coi ADB là các đối tác tin cậy trong việc giúp các đối tác khu vực vượt qua khủng hoảng tài chính, lấy lại đà tăng trưởng ổn định hơn.
Các thành quả về phát triển kinh tế qua hợp tác khu vực cũng được các Thống đốc đánh giá cao tại cuộc họp. Tuy nhiên, đánh giá về thách thức đối với châu Á, các ý kiến đều nhận định, lạm phát trong bối cảnh giá lương thực và giá dầu gia tăng đang là vấn đề cấp bách mà các khu vực cần giải quyết.
Theo Thống đốc ngân hàng Bào Đào Nha, năm 2010 là một năm chuyển giao của ADB, trong đó, ADB đã thực hiện một số cam kết và cải cách. Điều này diễn ra trong bối cảnh tăng vốn và các công cụ về tài chính đã được đưa vào các chương trình hỗ trợ cho thương mại, cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo…và đã có những thành công.
Trong tương lai, tăng vốn của ADF có tính tới yếu tố là ngân sách cũng tương đối khó khăn ở các nước tài trợ như khủng hoảng nợ công. Trong bối cảnh đó cần có nguồn thay thế như cần huy động có hiệu quả hơn các nguồn lực ADB, tăng đóng góp của các nước lớn hơn trong khu vực, nâng cao chất lượng tăng trưởng cho tất cả các đối tượng.
Các đại biểu tại Hội nghị cũng cho rằng, nguồn vốn nóng vào châu Á đang khiến nhiều nền kinh tế tại đây tăng trưởng quá nóng. Về trung và dài hạn, một loạt vấn đề như khí hậu, bất bình đẳng giới, chênh lệch giàu nghèo tuy đã đạt được những thành quả trong thời gian qua nhưng vẫn là những vấn đề lớn cuả châu Á.
Các Thống đốc cũng đề xuất ADB cần tiếp tục nâng cao khả năng quản lý, đa dạng tính đại diện trong bộ máy điều hành để quản lý hiệu quả dòng vốn từ các nước thành viên.
Cũng tại cuộc họp, đại diện các nước cung cấp nguồn vốn chính của ADB cũng khẳng định sẽ tiếp tục cung cấp vốn để ADB có thể tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ khu vực của mình.
Kết luận phiên họp toàn thể lần hai, Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda cho rằng, trong thời gian qua thế giới đã chịu nhiều tác động của thiên tai, vì vậy cần tập trung nguồn lực để giải quyết vấn đề này. Làm sao để người dân hưởng lợi được từ quá trình phát triển, nếu làm được điều này có thể tăng khả năng ứng khó với khủng hoảng.
Theo ông Kuroda, để làm được điều này các nước cần có sự quản trị tốt. Bên cạnh đó cần kích thích sự tham gia của tư nhân và quá trình này. Các nước châu Á có thể hợp tác với nhau nhiều hơn nữa để có một tương lại sáng hơn cho khu vực. Tất nhiên chúng ta cũng cần tăng trách nhiệm của mình để gánh vác những nhiệm vụ lớn hơn.
“Chúng tôi cam kết sẽ tìm mọi cách để nâng cao tính hiệu quả trong hoạt động và sớm hoàn thiện các cơ chế của mình, với sự đóng góp của các quốc gia thành viên”, ông Kuroda khẳng định như vậy.
ADB cũng mong nâng cao sản lượng nông nghiệp, nâng cao khả năng liên kết, tiếp tục hợp tác nâng cao cơ sở hạ tầng, giúp xử lý các vấn đề thiên tai. ADB cũng sẽ ưu tiên, xem xét một cách cẩn thận những thách thức mà các quốc gia thành viên ADB đang phải đối mặt như là biến đổi khí hậu, xây dựng cơ sở hạ tầng, vấn đề bất bình đẳng trong thu nhập.
Cuối cùng ông Kuroda nhấn mạnh: "Tôi mong muốn các quốc gia tài trợ cho ADB sẽ tiếp tục cung cấp những nguồn lực tài chính mới, cảm ơn sự ủng hộ của các bạn dành cho ADB, cho phép chúng tôi nhấn mạnh sự cam kết của chúng tôi là khu vực không có đói nghèo"./.