Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ADB nâng dự báo tăng trưởng của châu Á

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hôm 15/12/2009, Ngân hàng Phát triển châu Á(ADB) công bố bản báo cáo nâng mức dự báo tăng trưởng của khu vực châu Á.

KTĐT - Hôm 15/12/2009, Ngân hàng Phát triển châu Á(ADB) công bố bản báo cáo nâng mức dự báo tăng trưởng của khu vực châu Á.

Dựa trên kết quả phục hồi kinh tế của quý III, ADB dự báo trong năm nay, mức tăng trưởng của khu vực châu Á sẽ là 4,5% và năm tới sẽ lên tới 6,6%.
 
Theo Jong-Wha Lee, phụ trách nhóm chuyên gia kinh tế của ADB, tác giả của báo cáo, triển vọng của nhiều nước trong vùng có vẻ sáng hơn so với tình hình hồi tháng 9, khi ngân hàng công bố nghiên cứu tình hình kinh tế toàn khu vực. Vào thời điểm đó, ADB dự báo là trong năm 2009, châu Á chỉ đạt mức tăng trưởng 3,9%, sang năm 2010 là 6,4%.
 
Giải thích về mức tăng trưởng có thể cao hơn, kinh tế gia Lee cho biết, sự phục hồi kinh tế hình chữ V của châu Á là do các biện pháp đối phó nhanh chóng của một số quốc gia, cùng với khả năng chống chọi với khủng hoảng của nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ.
 
Trong năm 2009, Ấn Độ sẽ có mức tăng trưởng 7%, cao hơn 1 điểm so với dự báo trước đây. Trong khi đó, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ không thay đổi:  8,2% cho năm 2009 và 8,9% cho năm tới. Từ cuối năm ngoái, thông qua các kế hoạch chấn hưng kinh tế, đối phó với khủng hoảng, nhiều nước châu Á đã bơm tiền kích thích kinh tế, dẫn đầu là Trung Quốc với kế hoạch gần 600 tỷ USD.
 
Bên cạnh đó, mức độ phụ thuộc “vừa phải” vào các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản cũng giúp các nền kinh tế châu Á phục hồi nhanh. Mặc dù kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển trong năm tới nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Báo cáo của ADB lần này không đề cập đến riêng từng nước trong khu vực Đông Nam Á. Trong bản báo cáo hồi tháng 9, ADB đã nhận định là kinh tế Việt Nam dường như đã thoát điểm đáy trong đầu năm 2009. Trong giả thuyết chính phủ Việt Nam không đưa ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế từ nay đến cuối năm cũng như sang năm tới và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ một cách hợp lý, tăng trưởng của Việt Nam sẽ ở mức 4,7% trong năm nay và năm tới có thể là 6,5%.

Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế của ngân hàng nhận định, trong năm nay và năm tới, châu Á tiếp tục đạt mức tăng trưởng khả quan, tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều rủi ro. Trong thời gian tới, theo các chuyên gia ADB, sự phục hồi của nhóm G 3, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, chưa vững chắc và vẫn còn nhiều bất trắc là những rủi ro đối với sự tăng trưởng của châu Á, nơi mà các nền kinh tế có định hướng xuất khẩu. Do vậy, mặc dù châu Á hiện nay đi đầu trong quá trình phục hồi kinh tế thế giới nhưng vấn đề lớn nhất là liệu đà phát triển này có thể tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng một cách mạnh mẽ vào năm tới hay không?
 
ABD cho rằng chính phủ các nước trong khu vực cần tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng thông qua các gói kích thích kinh tế đã đề ra. Vấn đề quan trọng là thời điểm, bởi vì nếu tính toán sai thời điểm áp dụng các biện pháp hỗ trợ, thì tăng trưởng sẽ bị khựng lại, thậm chí đi xuống, làm gia tăng nguy cơ lạm phát và thâm hụt nghiêm trọng các khoản thu ngân sách.
 
Các chuyên gia ADB cũng cảnh báo, triển vọng đầu tư nước ngoài quay trở lại châu Á một cách ồ ạt có thể làm chao đảo các nền kinh tế. Do vậy, một trong những biện pháp ngăn chặn khả năng này là các nước cần có một sự hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực tỷ giá. Kinh tế gia Jong-Wha Lee khuyến cáo: “Khi phối hợp làm việc chặt chẽ với nhau, các nước châu Á sẽ tạo ra những nền móng vững chắc cho sự phát triển, mở rộng kinh tế và đảm bảo cho khu vực này có một vai trò trong việc kiến tạo lại nền kinh tế tài chính thế giới.”.