Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Agribank đồng hành cùng doanh nghiệp Thủ đô

Nguyệt Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Agribank có hơn 3 triệu khách hàng là hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp vay vốn với tổng dư nợ gần 1,5 triệu tỷ đồng. Dư nợ cho vay của Agribank tại khu vực Hà Nội đạt 134.000 tỷ đồng.

Những tháng đầu năm tăng trưởng của TP Hà Nội ở mức cao so với các tỉnh, thành trên cả nước, tỷ lệ vốn FDI, tăng trưởng tín dụng đạt kết quả tích cực. Đồng hành trên chặng đường phát triển của Thủ đô Hà Nội, Agribank nói chung và các chi nhánh Agribank trên địa bàn Hà Nội tự hào với sự đóng góp không nhỏ trong vai trò cung cấp tài chính tiếp sức dòng vốn cho phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô.

Đối tượng khách hàng của Agribank trên địa bàn chủ yếu là khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô hoạt động không lớn, do đó, chịu nhiều tác động, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh những tháng vừa qua. Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều hoạt động cầm chừng, rất hạn chế mở rộng quy mô, hoạt động giảm hiệu quả...

Trên cơ sở bám sát định hướng chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, trong thời gian qua, Agribank đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp hỗ trợ nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô nói riêng. Chủ động giảm lãi suất huy động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất với tổng quy mô hơn 60.000 tỷ đồng dành cho nhiều đối tượng khách hàng: doanh nghiệp nhỏ và vừa, lĩnh vực lâm thủy sản, khách hàng xuất nhập khẩu, bất động sản… Lãi suất cho vay của Agribank hiện nay ở mức cạnh tranh và thấp nhất trên thị trường. Đối với nhu cầu vay mới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn chỉ từ 6,7%/năm.

Dù đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhưng tín dụng của Agribank vẫn tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm trước, Giám đốc Agribank Chi nhánh Hà Nội Đinh Việt Đông cho rằng, ngoài các giải pháp, chính sách từ ngành Ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ chính sách của các bộ, ngành, địa phương nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; kích thích tổng cầu…

Đồng thời, kiến nghị các cấp có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương cần đẩy mạnh việc cấp các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án đầu tư trong đó có các dự án kinh doanh bất động sản như hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đất đai, giấy phép xây dựng... để ngân hàng có cơ sở cấp tín dụng đối với dự án đã hoàn thiện xong các thủ tục pháp lý, có tính khả thi triển khai; Tiếp tục triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa quy trình đầu tư và thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho hoạt động của người dân, doanh nghiệp, các giải pháp tăng cường minh bạch hóa tài chính của doanh nghiệp từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng trong công tác thẩm định tín dụng.

Về phía các doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi; tăng cường quản lý thanh khoản, dòng tiền, minh bạch tình hình tài chính; chủ động tiếp cận, đề xuất để ngân hàng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay.