Agribank - ngân hàng của nhà nông

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luôn gắn bó sâu sắc với tam nông và góp phần quan trọng vào sự đổi thay của nền nông nghiệp nước nhà, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) được ví như “ngân hàng của nhà nông”.

Thời gian qua Agribank luôn nỗ lực đưa dịch vụ tài chính ngân hàng đến với từng thôn xã, từng gia đình ở địa bàn nông thôn, cùng ngành ngân hàng hiện thực hóa Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Mang dịch vụ ngân hàng đến từng nhà

Với phương châm “Nông thôn là thị trường, nông nghiệp là đối tượng cho vay, nông dân là khách hàng chính”, hoạt động của Agribank thực sự gắn với làng bản, xóm thôn và gần gũi với bà con nông dân. Dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của Agribank luôn chiếm tỷ trọng khoảng 70% dư nợ cho vay nền kinh tế, chiếm 40% thị phần cho vay nông nghiệp nông thôn của toàn hệ thống ngân hàng. Riêng cho vay xây dựng nông thôn mới, tín dụng Agribank “phủ kín” đến 100% số xã trên cả nước.
Khách hàng giao dịch tại Agribank. Ảnh: Việt Dũng
Agribank tập trung cho vay thu mua và xuất khẩu lúa gạo, trồng cà phê, chế biến và xuất khẩu nông sản, thủy hải sản… Giai đoạn 2016 - 2020, doanh số cho vay ngành lúa gạo của Agribank đạt gần 250.000 tỷ đồng, dư nợ tăng đều qua các năm, đóng góp tích cực vào hoạt động sản xuất và xuất khẩu gạo của cả nước. Dư nợ cho vay lúa gạo đến 2020 đạt 23.651 tỷ đồng với trên 52.000 khách hàng, chiếm tỷ trọng 2,81% trên dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn, tốc độ tăng trưởng bình quân gần 10%; cho vay cà phê dư nợ đến 2020 là 24.048 tỷ đồng với trên 70.000 khách hàng, chiếm tỷ trọng 4,68% trên dư nợ nông nghiệp nông thôn, bình quân tăng trưởng trên 11,8%/năm, trong đó 84,7% dư nợ cho vay cà phê tập trung trong lĩnh vực trồng, chăm sóc cây cà phê…
Agribank còn được biết đến là tổ chức tín dụng luôn phát huy vai trò tích cực trong phát triển kinh tế biển, là ngân hàng duy nhất có phòng giao dịch tại 9/13 huyện đảo, hỗ trợ cho 24.000 tàu cá ở 28 địa phương ven biển, phát triển đội tàu công suất lớn hiện đại đánh bắt xa bờ…

Từ nguồn vốn Agribank, các dự án điện, đường, trường, trạm được triển khai; các hộ gia đình chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, từng bước nâng cao năng suất, thu nhập, ổn định cuộc sống. Đồng vốn của Agribank đã tạo thêm nghề mới, khôi phục các làng nghề truyền thống, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển hàng hóa, công nghiệp, dịch vụ…

Để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay và dịch vụ tài chính, Agribank tăng cường cải tiến, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục cho vay, đơn giản hóa hồ sơ vay vốn, niêm yết công khai minh bạch chính sách tín dụng.
Bên cạnh đó, từ năm 2017, Agribank đã triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng; đem vốn đến từng cá nhân, hộ sản xuất ở nông thôn qua con đường điện tử như: Agribank E-Mobile Banking, A Transfer Service, A PayBill…, rút ngắn được thời gian giao dịch, tiếp cận khách hàng tốt hơn.

Đồng hành cùng nông nghiệp 4.0

Đón đầu làn sóng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, Agribank đang tích cực đổi mới công nghệ, gia tăng tiện ích, sẵn sàng rót vốn cho lĩnh vực này, hỗ trợ đắc lực cho công cuộc tái cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam. Hiện Agribank đang triển khai gói tín dụng khuyến khích phát triển công nghệ cao với quy mô lớn theo các mô hình trồng rau, hoa ở Lâm Đồng; cánh đồng mẫu lớn ở Cần Thơ; chăn nuôi ở Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nam; đầu tư máy móc thiết bị nông nghiệp ở Tiền Giang, Long An; nuôi tôm giống ở Kiên Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận; trồng hoa lan, nuôi bò sữa ở Củ Chi, Kon Tum; hoa quả và rau an toàn ở các tỉnh Tây Nguyên; trồng Thanh Long ở Bình Thuận; vải thiều Bắc Giang... rất hiệu quả.
Cũng từ nguồn vốn Agribank, những vùng chuyên canh sản xuất nông sản được hình thành và mang đến diện mạo mới cho nền nông nghiệp nước nhà: Vùng cây ăn quả ở Bắc Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, vùng lúa xuất khẩu ở Đồng bằng sông Cửu Long, vùng cây cà phê ở Tây Nguyên…

Anh Nguyễn Đức Huy (35 tuổi, TP Đà Lạt) là chủ trang trại trồng các loại cà chua, rau thủy canh tại thung lũng trên đèo Mimosa kể, tốt nghiệp thạc sĩ sinh học thực vật tại TP Hồ Chí Minh, anh Huy trở về Đà Lạt và nhận thấy nông nghiệp Đà Lạt đang có cơ hội để những người trẻ thử sức. Sau những lần thất bại vì sản xuất phụ thuộc quá lớn vào điều kiện tự nhiên, anh Huy quyết định viết phần mềm điều khiển riêng cho khu vườn của mình, có kết nối với smartphone, máy tính, công cụ đọc, hiểu diễn biến sinh thái thực tế trong vườn. Anh vay vốn Agribank Lâm Đồng 1 tỷ đồng và bắt đầu khởi nghiệp lại.

Bà Lê Thị Thủy ở Ấp Chánh Hội, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, Long An cho biết: Công ty của bà hiện đang có rất nhiều đối tác cùng các hợp đồng lớn và không ngừng mở rộng quy mô. Bà xúc động: Thành quả có được hôm nay của gia đình tôi là những tháng ngày đồng cam cộng khổ của Agribank Đức Hòa, Long An. Họ thực sự là “bệ đỡ” vững chắc trong hành trình vươn xa hơn của những nông hộ Việt. Nhiều nông hộ - những người bạn đồng hành của Agribank ngày càng trưởng thành, biết tự vươn lên nghèo đói và vươn tới làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Hỗ trợ khách hàng vượt qua Covid-19, quyết tâm đạt “mục tiêu kép”

Đến cuối năm 2020, tổng tài sản của Agribank đạt trên 1,56 triệu tỷ đồng, nguồn vốn đạt trên 1,45 triệu tỷ đồng là ngân hàng lớn nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng tại Việt Nam; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,21 triệu tỷ đồng; lợi nhuận đạt 12.869 tỷ đồng, vượt 369 tỷ (xấp xỉ 3%) so với kế hoạch đề ra, bảo toàn vốn chủ sở hữu, nộp NSNN tăng.
6 tháng 2021, nhiều chỉ tiêu kinh doanh đã đạt và vượt tiến độ kế hoạch năm 2021 đề ra (tổng tài sản, nguồn vốn, tài chính, thu dịch vụ, thu hồi nợ, trích lập DPRR...). Bảo đảm công ăn việc làm, thu nhập cho trên 40.000 người lao động. Agribank hiện là đối tác tin cậy của 30.000 DN và trên 11 triệu khách hàng thuộc mọi thành phần kinh tế; thiết lập quan hệ với gần 1.000 ngân hàng tại 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong gần 2 năm qua, dịch Covid-19 đã có những diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước. Ngay từ những ngày đầu bùng phát dịch đến nay, Agribank là một trong những ngân hàng lớn luôn chủ động và tích cực trong các hoạt động hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn ổn định và phát triển sản xuất.

Agribank đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, như: Tăng gấp đôi hạn mức chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với quy mô 100.000 tỷ đồng, mức lãi suất, phí hỗ trợ tối đa 2,5%/năm; cho vay ưu đãi đối với DN nhỏ và vừa quy mô 30.000 tỷ đồng, hỗ trợ mức phí tối đa 2%; cho vay ưu đãi đối với khách hàng xuất nhập khẩu quy mô 15.000 tỷ đồng và 300 triệu USD; cho vay khách hàng lớn quy mô 15.000 tỷ đồng; Cho vay khách hàng tiêu dùng quy mô 20.000 tỷ đồng. 11 tháng 2021, Agribank là một trong những ngân hàng thực hiện hỗ trợ (lãi, phí) nhiều nhất cho khách hàng.

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank Phạm Đức Ấn cho hay, trong thời gian tới, Agribank tăng sức cạnh tranh và giữ vững thị phần trên thị trường tài chính tín dụng nông nghiệp, nông thôn, lan tỏa giá trị thương hiệu, tạo nền tảng vững chắc bước sang giai đoạn phát triển mới. Agribank tiếp tục phấn đấu để hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2021, chung tay cùng Đảng, Chính phủ, ngành Ngân hàng và Nhân dân cả nước chiến thắng đẩy lùi dịch bệnh, ổn định sản xuất kinh doanh, thực hiện thành công "mục tiêu kép".

Là ngân hàng thương mại 100% vốn nhà nước, có quy mô về tổng tài sản trên 1,56 triệu tỷ đồng, nguồn vốn đạt trên 1,45 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,21 triệu tỷ đồng với mạng lưới 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch, Agribank đang thực hiện đồng thời hai mục tiêu, vừa làm nhiệm vụ chính trị theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; vừa phải tạo ra lợi nhuận đóng góp cho NSNN, chăm lo đời sống, đảm bảo tiền lương cho người lao động và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần