Agribank sẵn sàng đáp ứng vốn cho “tam nông” và nền kinh tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ảnh minh họa.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang hồi phục, hoạt động tín dụng của Agribank năm 2015 trên đà tăng tốc, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, góp phần tích cực làm khởi sắc “bức tranh” tín dụng năm 2015 của ngành Ngân hàng, tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực của Ngân hàng Thương mại Nhà nước lớn nhất Việt Nam trong đầu tư nguồn vốn phát triển “Tam nông” và nền kinh tế đất nước.


 
Ảnh minh họa.
Kinhtedothi - Ảnh minh họa.
Kinh tế vĩ mô 2015 diễn biến theo hướng tích cực, lạm phát được kiểm soát, tuy nhiên tổng cầu của nền kinh tế tăng còn chậm, tồn kho hàng hóa... tác động đến việc thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế. Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 01/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2015, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, Agribank quán triệt và xây dựng kế hoạch triển khai trên toàn hệ thống phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước; đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm tăng trưởng dư nợ và các văn bản mới về chính sách tín dụng theo hướng đơn giản thủ tục vay vốn để khơi thông dòng tín dụng.

Trong năm 2015, Agribank tiếp tục thực hiện nhất quán chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, tập trung chuyển đổi cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung ưu tiên vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng và điều hành tăng trưởng dư nợ phù hợp với cân đối vốn. Tín dụng Agribank tăng trưởng mạnh từ nửa cuối năm 2015, tập trung vào nhóm khách hàng hộ sản xuất và cá nhân; các lĩnh vực kinh tế thu hút tăng trưởng tín dụng mạnh là cho vay chăn nuôi, trồng trọt; cho vay đáp ứng nhu cầu đời sống; cho vay thu mua, chế biến xuất nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm…

Bên cạnh cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã và đang triển khai có hiệu quả và hiện là Tổ chức tín dụng dẫn đầu chương trình cho vay xây dựng Nông thôn mới, cho vay hỗ trợ phát triển kinh tế 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, chủ lực trong cho vay tái canh cà phê, cho vay tạm trữ lúa gạo, cho vay phát triển thuỷ sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và chuỗi liên kết...

Đến 31/12/2015, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt trên 673.000 tỷ đồng, tăng 16% so với cuối năm 2014. Trong đó, dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank chiếm tỷ trọng 73%. Riêng dư nợ cho vay hộ sản xuất và cá nhân tốc độ tăng trưởng tăng 19,4%, vượt xa mục tiêu đề ra (từ 11- 13%). Nguồn vốn tín dụng từ Agribank đã trực tiếp tạo lực đẩy đối với “Tam nông” và nền kinh tế, góp phần làm khởi sắc bức tranh tín dụng của ngành Ngân hàng năm 2015.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2015 và vượt kế hoạch đề ra, toàn hệ thống Agribank đã dồn lực, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp cụ thể.

Thứ nhất, bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Agribank tích cực chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo Đề án tái cơ cấu, tập trung vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn, lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN: Chương trình cho vay ngành lương thực, thủy sản, cà phê, chăn nuôi, cho vay trồng cây cao su, hồ tiêu, điều; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; cho vay theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP (nay là Nghị định 55/2015/NĐ-CP); cho vay hỗ trợ lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP; chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg; cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 02/NQ-CP; chính sách cho vay đối với chăn nuôi, thủy sản tại Công văn số 1149/TTg-KTN, Quyết định 540/QĐ-TTg về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra, Quyết định 1050/QĐ-NHNN về cho vay thí điểm các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; Một số chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014; chương trình cho vay tái canh cà phê...

Agribank tập trung nguồn vốn để tăng trưởng tín dụng, ưu tiên lĩnh vực, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, đảm bảo đủ nguồn vốn phục vụ kịp thời cho Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngay từ đầu năm 2015, Agribank đã triển khai các biện pháp để tăng cường huy động vốn, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp tiết giảm chi phí hoạt động nhằm tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp và nông dân tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh. Với cách điều hành lãi suất và phí linh hoạt, tuân thủ quy định của NHNN, phù hợp với tình hình thực tế, Agribank vươn lên giữ vai trò dẫn dắt thị trường, giảm mặt bằng lãi suất huy động thông qua 05 đợt giảm lãi suất VND và 02 đợt giảm lãi suất USD.

Nguồn vốn huy động của Agribank tăng trưởng ổn định, đến thời điểm 31/12/2015 đạt 804.259 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cuối năm 2014, hoàn thành vượt mục tiêu tăng trưởng 2015. Cơ cấu tín dụng của Agribank cũng được duy trì hợp lý, dư nợ trung dài hạn chiếm tỷ trọng lớn trên tổng dư nợ tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu đầu tư phát triển của khách hàng. Thời gian tới, Agribank tiếp tục giữ ổn định mặt bằng lãi suất, đồng thời tăng tỷ trọng cho vay trung, dài hạn để đáp ứng nhu cầu hợp lý cho nông nghiệp, nông thôn và các thành phần kinh tế.

Thứ hai, Agribank ban hành đồng bộ các cơ chế, quy định, quy trình, các sản phẩm mới và văn bản chỉ đạo về công tác tín dụng theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn.

Agribank ban hành đồng bộ các cơ chế, quy định, quy trình cho vay; ban hành các sản phẩm cho vay mới đáp ứng được nhu cầu đa dạng về sản phẩm tín dụng của khách hàng, trong đó sản phẩm cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ, sản phẩm cho vay lưu vụ được đông đảo khách hàng đón nhận lựa chọn sử dụng. Agribank ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chi nhánh về mở rộng, nâng cao chất lượng tín dụng hộ sản xuất và cá nhân; Xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro; Phối hợp triển khai việc miễn lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm theo chỉ đạo của NHNN... Agribank xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đó là cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, tiết giảm chi phí để có lãi suất thấp hỗ trợ và mở rộng đầu tư tín dụng cho “Tam nông” thông qua đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như về hạn mức vay vốn, kỳ hạn trả nợ, tài sản thế chấp (từ tháng 11/2013 đến nay, đã ban hành trên 150 văn bản về lĩnh vực tín dụng)…

Đồng thời, Agribank đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích mới đối với khách hàng, nhất là khách hàng khu vực nông thôn như: cho vay lưu vụ đối với hộ nông dân; cho vay chứng minh tài chính; cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất; kinh doanh quy mô nhỏ; cho vay về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg, cho vay đối với khách hàng vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP; cho vay cầm cố giấy tờ có giá/thẻ tiết kiệm… Trong đề án tái cơ cấu, Agribank cũng đang đề xuất Thống đốc NHNN cho triển khai mô hình “điểm giao dịch” và “Ngân hàng lưu động” để đưa vốn đến tay người nông dân được thuận lợi hơn với chi phí thấp hơn.

Thứ ba, xây dựng phương án và thực hiện các cơ chế tài chính khuyến khích tăng trưởng dư nợ với nhiều văn bản hướng dẫn chi nhánh về tăng trưởng và nâng cao chất lượng tín dụng hộ sản xuất và cá nhân, phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu tín dụng; triển khai các chương trình tín dụng của Chính phủ, NHNN; đồng thời tiến hành khảo sát nhu cầu đầu tư tín dụng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2016-2020; dự báo thông tin kinh tế ngành, thị trường, giá cả hàng hóa, thông tin tổng hợp về thực trạng và triển vọng các mặt hàng xem xét cho vay…

Thứ tư, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn và triển khai đồng bộ các biện pháp về xử lý nợ, đẩy mạnh thu hồi nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro.

Agribank xây dựng phương án xử lý nợ xấu, thực hiện các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà khách hàng vay vốn đang gặp phải theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; Tổ chức phân loại dư nợ cho vay theo nhóm khách hàng (khách hàng còn hoạt động, có khả năng phục hồi sản xuất hoặc khách hàng thua lỗ không khắc phục được phải giải thể, phá sản…) để áp dụng các chính sách về cơ cấu nợ, xác định lại thời hạn trả nợ; miễn giảm lãi tiền vay, điều chỉnh lãi suất tiền vay, cho vay bổ sung để hoàn thiện dự án, cho vay vốn lưu động để khách hàng hoạt động tạo nguồn thu trả nợ ngân hàng hoặc xử lý chuyển nhượng dự án, tài sản đảm bảo để thu hồi nợ…

Trong năm 2015, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, Agribank đã chủ động xây dựng mục tiêu đưa nợ xấu về dưới mức 3% trước thời hạn. Tại thời điểm 31/12/2015 với tỷ lệ nợ xấu 2,01%, Agribank góp phần hoàn thành và rút ngắn lộ trình giảm nợ xấu của toàn ngành Ngân hàng. Đây cũng là một năm mà nhiều giải pháp quan trọng trong thực hiện Đề án tái cơ cấu Agribank được triển khai một cách đồng bộ và quyết liệt nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng.

Bước sang năm 2016, dự báo kinh tế thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp hơn, mặc dù có sự cải thiện nhưng còn thiếu chắc chắn, kinh tế trong nước với mục tiêu tăng trưởng 6,7% do Quốc hội đề ra, cùng với việc thực hiện TPP và Cộng đồng ASEAN hoạt động từ đầu năm 2016... đặt ra nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp, trong đó có Agribank. Nhận thức rõ những thuận lợi cùng thách thức phải đối mặt, Agribank xác định cần tăng cường củng cố, ổn định mọi hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn vay phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn cũng như các lĩnh vực sản xuất kinh doanh; cung ứng nhiều sản phẩm dịch vụ chất lượng cao... Trên cơ sở “chắt chiu” những thành quả đạt được, hệ thống Agribank cần tiếp tục có những bước đi cẩn trọng, giữ vững sự ổn định, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tin tưởng giao phó, tiếp tục khẳng định vai trò “đầu tàu” cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn của đất nước.
Năm 2015, hoạt động kinh doanh của Agribank đạt được những kết quả đầy ấn tượng. Agribank tiếp tục dẫn đầu các NHTM với tổng tài sản lớn nhất, đạt trên 874.000 tỷ đồng. Nguồn vốn đạt trên 804.259 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cuối năm 2014. Tổng dư nợ cho vay đạt trên 673.435 tỷ đồng, tăng 16% so với cuối năm 2014, trong đó dư nợ đầu tư cho "Tam nông" chiếm 73%/tổng dư nợ.

Thu dịch vụ tăng 14,6%, đạt mục tiêu theo Đề án tái cơ cấu đề ra. Nợ xấu 2,01%. Agribank kinh doanh hiệu quả với lợi nhuận trước thuế năm 2015 vượt kế hoạch đạt 3.700 tỷ đồng; tiếp tục tiên phong, chủ lực triển khai tín dụng chính sách, tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, khẳng định được vị thế của một ngân hàng lớn, mang tầm vóc quốc gia.

Năm 2015, Agribank là NHTM duy nhất 05 liên tiếp đạt Top 10 VNR500; Hãng xếp hạng quốc tế Fitch Ratings nâng xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) và mức trần hỗ trợ từ Chính phủ (SRF) của Agribank từ B lên B+; được Tạp chí uy tín thế giới The Banker xếp hạng 446/1000 ngân hàng lớn nhất thế giới; Top 10 Thương hiệu nổi tiếng Việt Nam và Thương hiệu nổi tiếng Nhất theo ngành hàng; Ngân hàng vì cộng đồng năm 2015…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần