Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank)đã cùng ngành ngân hàng tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi nạn tín dụng đen, cụ thể như: phát triển dịch vụ ngân hàng lưu động mang đồng vốn đến với đông đảo bà con vùng sâu vùng xa, triển khai mạnh mẽ hình thức cho vay qua tổ nhóm để tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của người dân, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để giúp người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng…
Tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân từ chương trình tín dụng chính sách
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, định hướng của NHNN tăng cường mở rộng mạng lưới hoạt động của hệ thống ngân hàng, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, phát triển tài chính vi mô cũng như mở rộng mạng lưới của ngân hàng chính sách xã hội. Đây là kênh tín dụng đối với người dân nghèo, người thu nhập thấp và ở vùng sâu vùng xa. Trong điều hành hằng năm, NHNN luôn có chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải thực hiện, chấn chỉnh các hoạt động cho vay tiêu dùng. Với cách thức, giải pháp như thế này cũng sẽ góp phần hạn chế được tín dụng đen.
Có thể nói, tín dụng đen đã thực sự trở thành một nỗi lo ngại đối với toàn xã hội. Là ngân hàng chủ lực cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, thực hiện chủ trương của NHNN bằng nhiều biện pháp mở rộng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của người dân, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, Agribank đã tập trung phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích, hiện đại.Trong số 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện có, Agribank phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ vay tiêu dùng, vay tín chấp…, phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng, đồng thời triển khai các gói ưu đãi lãi suất thu hút khách hàng.
Mỗi năm bằng nguồn tài chính của ngân hàng, Agribank vẫn dành hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp. Agribank cũng có rất nhiều gói lãi suất ở mức ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ sản xuất nông nghiệp, thậm chí có mức lãi suất còn thấp hơn mức phí điều vốn nội bộ trong Agribank. Trong tổng quy mô tín dụng hơn 1 triệu tỷ đồng có tới trên 70% dư nợ của Agribank nằm ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chiếm 50% thị phần tín dụng toàn ngành ngân hàng đầu tư cho “tam nông”. Trong khi đó, số liệu của NHNN tại “Hội nghị triển khai Nghị định 116/2018/NĐ – CP của Chính phủ về tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp của ngành ngân hàng góp phần hạn chế tín dụng đen” tổ chức ngày 26/12/2018, dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng đối với nông nghiệp, nông thôn hiện chiếm tỷ trọng 24% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế.
Mô hình ngân hàng lưu động, tổ vay vốn: mang đồng vốn đến từng hộ dân vùng sâu vùng xa
Một trong những giải pháp quan trọng để đẩy lùi nạn tín dụng đen đó là phải giải quyết tận gốc vấn đề khát vốn của người dân. Do đó tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân là một cách hữu hiệu để giảm tín dụng đen.
Nếu như trước đây khách hàng phải tìm đến ngân hàng để được vay vốn thì giờ đây, Agribank triển khai mạnh mẽ dịch vụ ngân hàng lưu động trên toàn quốc, để những khách hàng vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cũng có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Những giải pháp trên của Agribank đã đem lại những hiệu quả rõ rệt, khách hàng những vùng xa xôi nhất cũng có thể đến với Agribank, những khách hàng khát vốn để kinh doanh cũng đã được đáp ứng. Khách hàng vùng sâu vùng xa, trước đây, có khi phải vượt cả hơn 60km mới đến được trụ sở ngân hàng thì giờ đây họ chỉ cần đi vài km là có thể đến được điểm giao dịch lưu động của Agribank. Những điểm giao dịch lưu động ở những vùng xa xôi như: Mộc Châu (Sơn La), Ngọc Lặc (Thanh Hóa), Quảng Trạch (Quảng Bình), Quảng Sơn (huyện Đăk Glong - Đăk Nông), Xuân Lộc (Đồng Nai)… thực sự đã đem đến những tiện ích, những niềm vui khôn tả xiết cho khách hàng nơi đây.
Triển khai thí điểm từ cuối năm 2017, đến nay điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng của Agribank đã có mặt tại những xã vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh, từ bắc đến nam để phục vụ khách hàng. Đợt 1 giai đoạn 1, Agribank triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đến 30 chi nhánh, đợt 2 giai đoạn 1 triển khai 38 điểm giao dịch lưu động tại 37 chi nhánh.. Tính đến 31/10/2018, đối với 30 chi nhánh triển khai đợt 1 đề án điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đã tổ chức được 2.045 phiên giao dịch, phục vụ cho 225.288 lượt khách hàng tại 236 xã trong cả nước.
Dịch vụ ngân hàng lưu động của Agribank đã được người dân hưởng ứng, được NHNN đánh giá cao và mới đây, NHNN đã truyền đi thông điệp khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới ở khu vực nông thôn, thí điểm mô hình ngân hàng lưu động của Agribank, phát triển hệ thống tài chính vi mô, các công ty tài chính tiêu dùng… để đẩy lùi nạn tín dụng đen.
Ngân hàng lưu động Agribank giúp tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng ở những vùng xa xôi hẻo lánh |
Agribank có mạng lưới rộng khắp trên cả nước gồm 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch có mặt khắp mọi vùng miền, vùng sâu vùng xa, huyện đảo… và tiên phong, chủ lực trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước. Khách hàng tại khắp các vùng miền của cả nước khi có nhu cầu và có phương án giải ngân phù hợp đều có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay từ Agribank.
Không chỉ dừng lại ở đó, Agribank còn đẩy mạnh cho vay qua tổ nhóm. Agribank triển khai cho khách hàng vay vốn qua tổ nhóm thông qua việc phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Hội Nông dân, Hội phụ nữ… Agribank triển khai ký Thỏa thuận liên ngành với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đồng thời ban hành các văn bản có liên quan về hướng dẫn cho vay thông qua tổ vay vốn và được các Chi nhánh trong toàn hệ thống triển khai áp dụng. Việc cho vay qua tổ nhóm là một trong những giải pháp hữu hiệu để Agribank giúp đông đảo người dân tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng một cách thuận tiện, nhanh chóng, qua đó giảm nạn tín dụng đen. Việc cho vay qua các tổ hội là một kênh dẫn vốn rất hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế cho hộ nông dân, cho các hoạt động của tổ chức đoàn thể Hội các cấp…
Agribank ký thỏa thuận liên ngành về việc thực hiện các chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn |
Tổ vay vốn sẽ đem đến cho người dân nhiều thuận tiện khi tiết kiệm được thời gian đi lại, công sức... Bên cạnh đó, việc tham gia tổ vay vốn, khách hàng còn giải tỏa được tâm lý e ngại trong việc vay vốn Ngân hàng.
Qua nhiều năm triển khai, tổ vay vốn thực sự là cánh tay nối dài, là trợ thủ đắc lực cho các chi nhánh Agribank trên cả nước. Nhiều địa phương thực hiện tốt mô hình cho vay qua tổ nhóm như: Phú Thọ, Tuyên Quang, Nam Định, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An… Đến 31/12/2017, Agribank đã triển khai cho vay qua hơn 52 nghìn tổ vay vốn với 1.261.847 thành viên trên địa bàn 75 chi nhánh. Đến nay, Agribank có dư nợ cho vay qua tổ đạt 110 ngàn tỷ đồng với hơn 57 nghìn tổ vay vốn và hơn 1,3 triệu tổ viên, tỷ lệ nợ xấu rất thấp (0,3% tổng dư nợ).
Khôngchỉ cải tiến quy trình,Agribank cònlà NHTM Nhà nước luôn đi đầu trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách giúp đông đảo người dân tiếp cận vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi.Tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hạn mức vay vốn, kỳ hạn trả nợ, tài sản thế chấp… Hiện tại Agribank triển khai 7 chương trình tín dụng chính sách và 02 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, khách hàng nhận được nhiều ưu đãi từ những gói tín dụng trên… Hàng năm, Agribank chấp nhận giảm thu hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất vay cho khách hàng.
Khi có cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng đáp ứng nhu cầu sản xuất, khách hàng sẽ hạn chế việc tìm đến tín dụng đen. Tuy vậy, việc đáp ứng tối đa nhu cầu vốn cho người dân là điều căn bản nhưng chưa phải là tất cả để hạn chế tối đa tín dụng đen. Việc đẩy lùi tận gốc tín dụng đen còn cần sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành. Ngoài việc tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của người dân cần phát triển hệ thống tài chính vi mô, các công ty tài chính tiêu dùng… Đồng thời, các chế tài để xử lý tín dụng đen cũng cần có tính răn đe hơn nữa. Người dân cũng cần được tuyên truyền để nâng cao nhận thức về những hệ lụy khôn lường mà tín dụng đen mang lại…