Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ai Cập: Nền kinh tế có nguy cơ phải trả giá đắt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sự bất ổn chính trị đã khiến cho rất nhiều du khách rời bỏ nước này và có thể sẽ làm cho các nhà đầu tư nước ngoài ngoảnh mặt với Ai Cập.

KTĐT - Sự bất ổn chính trị đã khiến cho rất nhiều du khách rời bỏ nước này và có thể sẽ làm cho các nhà đầu tư nước ngoài ngoảnh mặt với Ai Cập.

Các cuộc biểu tình tại Ai Cập từ hai tuần qua có nguy cơ làm cho nền kinh tế của quốc gia đông dân nhất khu vực Trung Đông phải trả một cái giá rất đắt.

Sự bất ổn chính trị đã khiến cho rất nhiều du khách rời bỏ nước này và có thể sẽ làm cho các nhà đầu tư nước ngoài ngoảnh mặt với Ai Cập.

Theo một báo cáo mới nhất của Ngân hàng Credit Agricole (Pháp), cuộc khủng hoảng chính trị tại Ai Cập đang làm nước này thiệt hại 310 triệu USD mỗi ngày do nhà máy đóng cửa và khách tham quan hủy các chuyến du lịch. Credit Agricole cũng hạ thấp mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ai Cập từ 5,3% xuống 3,7% trong năm nay.

Với hơn 80 triệu dân, Ai Cập đã phải đối mặt với rất nhiều thách lớn về kinh tế-xã hội như tỷ lệ thất nghiệp và đói nghèo cao, trước khi bùng nổ các cuộc biểu tình chống chính phủ.

Trong những năm qua, chính phủ Ai Cập đã thực hiện một chương trình tự do hóa nền kinh tế để tạo sự tăng trưởng. Nhưng bước đi này không làm giảm sự bất bình đẳng tại một quốc gia có tới 40% dân số sống ở mức nghèo khổ với thu nhập 2 USD mỗi ngày.

Các cuộc biểu tình chống chính phủ bùng nổ từ ngày 25/1 khiến các ngân hàng, nhà máy đã phải tạm dừng hoạt động trong 10 ngày, kéo theo xuất khẩu của nước này trong tháng Giêng giảm tới 60%. Thị trường chứng khoán Cairo mở cửa trở lại trong ngày 6/2 và đã bị thiệt hại tới 12 tỷ USD chỉ trong hai ngày. 

Về du lịch, có hàng chục nghìn du khách đã rời khỏi đất nước này vào đúng mùa cao điểm, trong khi ngành du lịch chiếm 6% GDP. Du lịch đem lại doanh thu 13 tỷ USD cho Ai Cập trong năm 2010, với lượng khách kỷ lục là 14,7 triệu.

Ông Elliott Frisby, người phát ngôn Hội đồng Du lịch Thế giới (WTTC) cho rằng, nếu mùa du lịch cao điểm này tiếp tục bị thất thu, hậu quả sẽ còn lớn hơn vì khách đã đặt chỗ trong kỳ nghỉ Hè sẽ có nguy cơ thay đổi kế hoạch của họ.

Một hậu quả khác cũng rất lớn đối với Ai Cập, một quốc gia phụ thuộc nhiều vào ngoại tệ, là sự lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong những ngày biểu tình vừa qua, chính phủ đã quyết định cắt Internet trong 5 ngày, làm gián đoạn công việc kinh doanh của rất nhiều người.

Nhiều công ty nước ngoài đã tạm dừng hoạt động tại Ai Cập như hãng khai thác dầu mỏ A.P.Moeller-Maersk (Đan Mạch), các công ty sản xuất ximăng Lafarge (Pháp) và Italcementi (Italy), hãng sản xuất ôtô Nissan (Nhật Bản).

Nhiều tập đoàn, trong đó France Télécom (Pháp), hãng dầu mỏ Loukoïl (Nga) hoặc tập đoàn năng lượng RWE (Đức) đã rút toàn bộ hay một phần cán bộ của mình về nước.

Giáo sư kinh tế Rashad Abdou, thuộc Đại học tổng hợp Cairo, cho rằng sẽ không dễ dàng gì để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư. Đối với những tập đoàn chưa đầu tư tại Ai Cập, họ sẽ phải suy nghĩ rất cẩn trọng trước khi đưa ra quyết định.

Một mối lo ngại khác trên thị trường làm giá dầu tăng cao, đó là bóng ma đóng cửa kênh đào Suez, một địa điểm chiến lược đối với vận tải biển nối liên giữa Địa Trung Hải và biển Đỏ mà không cần qua châu Phi.

Năm 2009, thu nhập từ kênh đào này của Ai Cập lên tới 4,7 tỷ USD. Nhưng kịch bản đó cho đến lúc này chưa xảy ra. Dầu mỏ và kênh đào Suez tiếp tục là những thế mạnh của Ai Cập./.