Ai chịu trách nhiệm?
Kinhtedothi - Một đường dây giết mổ và tiêu thụ thịt lợn nhiễm bệnh quy mô lớn vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra và Công an TP Hà Nội triệt phá. Hàng tấn thịt bệnh được phù phép thành “thịt sạch”, tuồn ra khắp các chợ, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Thủ đô. Câu chuyện không chỉ gây phẫn nộ bởi sự liều lĩnh của nhóm đối tượng, mà còn đặt ra câu hỏi lớn.
Vì sao họ ngang nhiên thu gom, giết mổ, bày bán công khai suốt 3 năm qua mà đến tận bây giờ mới bị phát hiện, vì sao vấn nạn thực phẩm bẩn vẫn nhởn nhơ sống sót và tiếp tục đầu độc cộng đồng? Ai chịu trách nhiệm trước Nhân dân? Câu trả lời không thể đơn giản là thiếu kiểm tra, hay thiếu ý thức. Ở đây, chúng ta đang đối mặt với một hệ thống giám sát an toàn thực phẩm còn nhiều kẽ hở, lực lượng mỏng, chế tài chưa đủ sức răn đe, và trên hết là sự thờ ơ kéo dài của nhiều mắt xích quản lý. Trong khi đó, những kẻ trục lợi không chỉ ngày càng tinh vi, mà còn táo tợn đến mức coi thường cả pháp luật lẫn đạo lý.
Thử hỏi, hàng trăm, hàng nghìn con lợn bệnh từ khâu mua bán, giết mổ, vận chuyển, phân phối và bày bán và lên bàn ăn trên khắp địa bàn Thủ đô mà sao không bị phát hiện? Hàng loạt khâu giám sát - từ thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý thị trường, chính quyền cơ sở đang ở đâu? Lỗi không chỉ ở những kẻ trực tiếp vi phạm, mà còn ở sự lỏng lẻo, thiếu đồng bộ của cả hệ thống quản lý.
Thực phẩm bẩn không còn là vấn đề đạo đức cá nhân, mà là một thách thức xã hội, đe dọa đến sức khỏe cộng đồng, làm bào mòn lòng tin vào thể chế và đẩy người dân vào trạng thái hoang mang thường trực. Khi bữa cơm gia đình không còn là chốn an toàn, mà luôn nơm nớp lo âu, thì đó chính là khủng hoảng lòng tin.
Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh, yêu cầu kiên quyết tuyên chiến với hàng giả, đấu tranh thường xuyên với tinh thần “mỗi ngày đều là cao điểm”, phải quét sạch thuốc giả, thực phẩm giả. Đó là lời hiệu triệu rõ ràng gửi đến các bộ, ngành, địa phương: không thể tiếp tục nương tay, càng không thể thờ ơ trước trách nhiệm với Nhân dân.
Tuy nhiên, để lời hiệu triệu ấy chuyển hóa thành hành động cụ thể và bền vững, cần nhiều hơn là các đợt cao điểm hay chiến dịch ngắn hạn. Cuộc chiến này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ và có hệ thống: từ việc siết chặt quản lý, tăng cường giám sát, đến hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành, nâng cao năng lực cho lực lượng tuyến đầu.
Một điểm không thể thiếu trong chiến lược dài hạn là thay đổi nhận thức xã hội. Mỗi người dân, mỗi người tiêu dùng cần trở thành một chiến sĩ trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn - không chỉ bằng hành động tẩy chay sản phẩm không rõ nguồn gốc, mà còn bằng việc chủ động lên tiếng, tố giác sai phạm, và yêu cầu minh bạch từ nhà cung cấp. Quyền được ăn sạch, sống khỏe là quyền chính đáng, nhưng nếu không bảo vệ, quyền đó sẽ tiếp tục bị xâm phạm mà không ai chịu trách nhiệm.
Cuộc chiến này sẽ không sớm kết thúc. Nhưng không thể vì khó mà buông xuôi, không thể vì thiểu số tiêu cực mà làm ngơ trước đại bộ phận người dân đang ngày đêm chọn lựa từng mớ rau, lạng thịt với niềm hy vọng giản dị có được bữa ăn sạch. Đó không chỉ là mong mỏi, mà là quyền cơ bản mà một xã hội văn minh phải được đảm bảo.

Đại biểu HĐND TP đề xuất giải pháp cho vấn đề chống hàng giả, thực phẩm bẩn
Kinhtedothi - Chiều 8/7, thảo luận tại tổ tại Kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội, các đại biểu đặc biệt quan tâm tới giải pháp quản lý an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng nhái tại Hà Nội.

Hà Nội: phát hiện kho hàng chứa hơn 7 tấn thực phẩm bẩn chuẩn bị tuồn ra thị trường
Kinhtedothi - Tại cơ sở kinh doanh ở xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội; đoàn kiểm tra phát hiện số lượng lớn thực phẩm đông lạnh gồm: trứng non, nầm heo, tràng heo... chưa qua sử dụng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Hà Nội bắt giữ hơn 11 tấn thực phẩm bẩn tại huyện Phú Xuyên
Kinhtedothi- Ngày 29/4, Chi cục Quản lý Thị trường (QLTT) Hà Nội thông tin,nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn ra thị trường, tối ngày 28/4, lực lượng chức năng Hà Nội gồm Đội 7, Phòng PC03 (Công an TP Hà Nội) và Đội QLTT số 17 (Chi cục QLTT TP Hà Nội) qua tiến hành kiểm tra đã phát hiện một lượng lớn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ.