Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Albania cấm TikTok 1 năm vì cổ xúy bạo lực ở giới trẻ

Việt Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Albania cho rằng mạng xã hội, trong đó có TikTok, là một trong những nguyên nhân cổ xúy bạo lực trong giới trẻ.

Ngày 21/12, Thủ tướng Albania Edi Rama tuyên bố chính phủ nước này sẽ đóng cửa ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok trong 1 năm, với cáo buộc nền tảng này kích động các hành vi bạo lực và bắt nạt, đặc biệt là trong giới trẻ.

"Trong một năm, TikTok sẽ bị đóng cửa hoàn toàn đối với mọi người. Sẽ không có TikTok ở Albania",  ông Rama phát biểu sau cuộc họp với các nhóm phụ huynh và giáo viên trên khắp cả nước. 

"Tại Trung Quốc, TikTok thúc đẩy việc học sinh tham gia các khóa học, bảo vệ thiên nhiên, gìn giữ truyền thống. Nhưng ở TikTok bên ngoài Trung Quốc, chúng ta chỉ thấy những thứ bẩn thỉu nhơ nhớp", nhà lãnh đạo Albania đề cập đến các phiên bản nội địa và quốc tế của TikTok nhằm bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng tiêu cực của ứng dụng này. "Vấn đề ngày nay không nằm ở con em chúng ta, nhưng nằm ở chúng ta, ở xã hội, ở TikTok và tất cả những thứ khác đang bắt con em chúng ta làm con tin".

Ảnh minh họa: Mashable
Ảnh minh họa: Mashable

Theo kênh DW, lệnh cấm TikTok là một phần của một kế hoạch lớn hơn của chính phủ Albania nhằm giúp các trường học trở nên an toàn hơn, và sẽ có hiệu lực trong 6 đến 8 tuần sau khi các "chuẩn bị kỹ thuật" cần thiết được thực hiện.

Quyết định này được đưa ra chưa đầy 1 tháng sau khi một học sinh 14 tuổi thiệt mạng và một học sinh khác bị thương trong một cuộc ẩu đả gần một trường học ở thủ đô Tirana (Albania) .Cuộc ẩu đả bị cho là bùng phát từ một vụ cãi vã trên TikTok.

Phản ứng trước động thái trên, phía TikTok đã yêu cầu chính phủ Albania "khẩn cấp làm rõ" nguyên nhân cuộc ẩu đả giữa các học sinh, đồng thời bác bỏ một số tuyên bố rằng vụ việc bị châm ngòi thông qua nền tảng của mình.

"Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy thủ phạm hoặc nạn nhân có tài khoản TikTok," một người phát ngôn của TikTok tuyên bố. "Trên thực tế, nhiều báo cáo đã xác nhận các video dẫn đến sự cố này đã được đăng trên một nền tảng khác, không phải TikTok".

Không chí Albania, một số quốc gia châu Âu như Pháp, Đức và Bỉ đã và đang áp dụng nhiều hạn chế lên việc sử dụng mạng xã hội đối với trẻ em. Một số nước láng giềng của Albania như Kosovo, Bắc Macedonia và Serbia gần đây cáo buộc TikTok gây những tác động tiêu cực đến người dân, đặc biệt là giới trẻ.

Ít nhất 22 trường hợp tự gây thương tích trong số các nữ sinh từ các trường học khác nhau ở Kosovo được ghi nhận trong 2 tháng qua bị cho là đến từ một thử thách trên TikTok. Trong khi đó, truyền thông Bắc Macedonia cách đây 2 tuần có đưa tin một bệnh viện của nước này phải điều trị cho hàng chục thiếu niên bị thương do cố gắng thực hiện thử thách "siêu nhân" cũng bị cho là bắt nguồn từ nền tảng này .

TikTok cũng phải đối mặt với cáo buộc gián điệp tại Mỹ, đồng thời bị Liên minh châu Âu điều tra về cáo buộc gây tác động để đảo lộn kết quả bầu cử tổng thống ở Romania.