Kinhtedothi - Cận Tết. Sao mà thấy xốn xang, rộn ràng thế. Qua các ngã tư, thấy đào, quất bày lên ngàn ngạt rồi, xúm xít người mua kẻ bán. Thế là lại phải cắm đầu, cắm cổ, guồng hết người nhanh nhanh chóng chóng giải quyết cho xong phần việc năm cũ. Rồi rối rít hối thúc vợ con xem sắm sửa, dọn dẹp tinh tươm chưa. Còn về quê mà đón Tết chứ.
Lại nhớ cái đận này năm ngoái, cả nhà về quê, đi được nửa đường thì nhận được điện thoại, giọng thiết tha: “Ông về quê chưa, cho nhà tôi về với, ở trên này mãi chán quá”. Nghĩ mà thương anh bạn thành phố chính hiệu, mấy đời họ nội họ ngoại đều ở phố cổ cả, thành ra cái khái niệm “về quê” hay “Tết quê” gần như không có, bởi chỉ qua mấy con ngõ là được gặp các cụ, các ông, các bà rồi.
Chia sẻ cảm giác ấy. Cũng có năm việc ngập đầu, nhà tôi phải ở lại ăn Tết ở phố. Thấy cái gì cũng lạ lẫm lắm. Nhất là cái không gian vắng vẻ đến lạ thường, cái cảm giác là lạ khi hôm qua phố phường còn nêm kín người xe, hôm nay vắng ngoe văng ngắt, tịnh chả thấy bóng người. Thích thật, nhưng cũng buồn ngay đấy vì lòng lại thấy nao nao nhớ da diết cái rộn rã từ xóm trong đến làng ngoài. Người thành phố không có thói quen đi chúc Tết sáng mùng Một, nhà nhà đều đóng cửa im ỉm. Thành ra bước khỏi nhà cũng phải mắt trước mắt sau xem có gặp hàng xóm không, nhỡ đâu làm người ta dông cả năm thì mang tiếng chết. Còn ở quê á. Từ tinh mơ đã chúc tụng, cười nói vang vang rồi. Ði hết nhà này, kết nạp thêm gia chủ, đoàn người lại rồng rắn kéo nhau đi chúc nhà khác. Men rượu đầu xuân ngấm nhè nhẹ, lòng người hòa vào không khí xuân khiến cho đôi má thêm ửng hồng, tiếng cười thêm sảng khoái. Xuân ở đây, Tết ở đây chứ ở đâu.
Nhiều lúc tự nhủ, cũng may là ở quê và còn nhiều người yêu quê như mình vẫn còn thèm cái tình làng, nghĩa xóm, chứ nơi phố thị, kinh tế thị trường, cuộc sống bon chen, người người hối hả mưu sinh cứ cuốn người ta đi ào ào. Cũng chẳng phải ở phố không có tình, mà ở phố sinh hoạt khác quê. Mình lại sinh ra ở quê, nên mỗi khi Tết đến Xuân về lại nao nao một nhung nhớ, nơi bến nước, sân đình, các mẹ các chị ríu rít chuyện trò bên chậu nước rửa lá bánh. Rồi vui nhất là đêm trông nồi bánh chưng, cả nhà quây quần tay hơ bên bếp lửa, miệng xuýt xoa vì rét.
Chốc chốc lũ trẻ lại lấy que cời trong bếp than hồng củ khoai nướng, bàn tay đen nhẻm vừa bóc vỏ vừa thổi phù phù vì nóng. Ôi, chỉ cần nhắc thế thôi đã thấy lòng xốn xang muốn chạy ngay về với mẹ. Thế mới thấy thương cho lũ trẻ bây giờ, chúng đầy đủ nên đâu biết cái thời gian khó của ông bà, cha mẹ. Ðêm 30, thời khắc Giao thừa, chúng vẫn say nồng trong chăn ấm. Mà nếu có thức thì cũng lại cắm mặt vào cái máy điện thoại để chơi games. Làm sao chúng biết được cái cảm giác của ngày xưa, sáng mồng Một Tết dậy sớm chờ mẹ mở hàng, rồi được mặc bộ quần áo mới. Cũng chẳng phải lũ trẻ ở phố, mà ngay cả trẻ ở quê bây giờ cũng chẳng tìm được cái vui sướng ngày xưa. Nói vậy thôi, nhưng những người muôn năm cũ cứ vào dịp này lại hối hả thúc giục con cháu về quê để gói bánh chưng, để đụng lợn, gói giò. Ăn chả mấy đâu, nhưng là để tìm lại truyền thống, tìm lại cái cảm giác của một thời vui như Tết ngày xưa.