Nghệ An: tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi
Kinhtedothi - Theo đánh giá từ cơ quan chức năng, diễn biến dịch tả lợn châu Phi tại Nghệ An đang khá phức tạp với nhiều ổ dịch trên nhiều địa bàn xã. Để kiểm soát tốt dịch bệnh, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác phòng, chống trên nhiều phương diện.
Diễn biến dịch phức tạp
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An thông tin, hiện nay trên địa bàn tỉnh xuất hiện 25 ổ dịch tại 25 xã, tổng số lợn tiêu hủy 1.296 con, trọng lượng 54.432 kg. So với các tháng đầu năm, thời gian gần đây số ổ dịch tả lợn châu Phi có dấu hiệu tăng nhiều tại một số xã như: Văn Kiều, Tân Kỳ, Hải Châu...
Qua xem xét, đánh giá nguyên nhân phát sinh dịch cho thấy: chăn nuôi nhỏ lẻ nông hộ (chiếm 65%) chưa đảm bảo an toàn sinh học, mầm bệnh lưu hành trong đàn vật nuôi và môi trường chăn nuôi cao; chính quyền địa phương chưa thật sự quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, chưa kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật; chưa tổ chức kiểm soát giết mổ triệt để...

Phường Vinh Lộc kịp thời xử lý ổ dịch tả lợn châu Phi tại hộ chăn nuôi với 21 con lợn nhiễm bệnh vào ngày 5/7 vừa qua.
Trước diễn biến dịch phức tạp, Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh Nghệ An đã chủ động tham mưu UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường, đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo hướng dẫn công tác phát triển chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp, huy động các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới. Tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết, chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật.
Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Thành lập các đoàn công tác, tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.
Giám sát chặt chẽ việc buôn bán, sử dụng vaccine tại các cơ sở kinh doanh thuốc thú y, cơ sở chăn nuôi. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ, buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép, không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh làm lây lan dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành.
Tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh tả lợn châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan, các biện pháp phòng dịch bệnh và sử dụng vaccine cho đàn lợn thịt theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong phòng, chống dịch bệnh.
Kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An Trần Võ Ba cho biết, tỉnh Nghệ An hiện có 41 cơ sở giết mổ tập trung được quy hoạch và cấp phép. Một số cơ sở hoạt động gặp nhiều khó khăn nguyên nhân là do số lượng gia súc, gia cầm đưa vào giết mổ ít không đủ chi phí để duy trì hoạt động, thu dịch vụ giết mổ theo quy định quá thấp, chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm chỉ đạo công tác quản lý giết mổ, người dân ý thức chưa cao...
Để kiểm soát tốt công tác giết mổ gia súc, bảo đảm việc phòng, chống dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, thời gian qua ngành Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu UBND tỉnh Nghệ An ban hành văn bản chỉ đạo công tác quản lý kiểm soát giết mổ. Rà soát quy hoạch xây dựng các cơ sở giết mổ.
Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Sau khi chính quyền địa phương hai cấp đi vào hoạt động, với đơn vị cấp xã phường, đơn vị sẽ phối hợp hướng dẫn triển khai các nội dung về phòng, chống dịch tả lợn châu Phi cũng như công tác quản lý giết mổ gia súc gia cầm tập trung.

Cần tăng cường quản lý các cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, xử lý nghiêm các đơn vị hoạt động không bảo đảm và trái quy định.
Xây dựng sản xuất chăn nuôi theo chuỗi, từ chăn nuôi, giết mổ cho đến sản phẩm nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tổ chức rà soát các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn, tăng cường quản lý, kiểm tra chặt chẽ hoạt động giết mổ. Bố trí, chỉ đạo nhân viên thú y thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát giết mổ.
Kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Kiên quyết chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở giết mổ chưa được cấp phép, chưa đủ điều kiện hoạt động, không có nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Thường xuyên phối hợp các đơn vị thanh tra, kiểm tra định kỳ đột xuất các cơ sở giết mổ tập trung, nhỏ lẻ xử lý theo quy định nếu phát hiện sai phạm.
Đề nghị xây dựng kinh phí nâng cấp các cơ sở giết mổ tập trung đạt chuẩn. Đảm bảo nguồn gốc động vật được giết mổ và sản phẩm động vật an toàn khi đến tay người tiêu dùng.

Khó khăn trong triển khai chính quyền 2 cấp được nêu tại Kỳ họp thứ 31 HĐND tỉnh Nghệ An
Kinhtedothi – Tại các tổ thảo luận trong Kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh Nghệ An, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, nhiều đại biểu nêu ý kiến, kiến nghị xem xét, các giải pháp việc vận hành chính quyền địa phương hai cấp bảo đảm thông suốt, hiệu quả.

Nhiều vấn đề "nóng" được nêu tại Kỳ họp thứ 31 HĐND tỉnh Nghệ An
Kinhtedothi – Tại Kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, cử tri và Nhân dân địa phương đã có nhiều ý kiến, kiến nghị "nóng" với mong mỏi được quan tâm giải quyết thấu đáo.

Kỳ họp thứ 31 HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII: xem xét quyết định nhiều nội dung quan trọng
Kinhtedothi – Sáng 9/7, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII (HĐND tỉnh Nghệ An) nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 31 xem xét quyết định nhiều nội dung quan trọng được cử tri địa phương quan tâm.