Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã dẫn tới sự ra đời của Nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới - Liên Xô (Liên bang Cộng hòa XHCN Xô Viết), đất nước vĩ đại gồm 15 nước cộng hòa.
Đặt chân tới Liên Xô khi đó, điều mà ta cảm nhận rõ nhất là tình người, là sự bình đẳng, bác ái và tình đoàn kết giữa các dân tộc. Người dân Nga hay các nước cộng hòa khác đều hiền lành, tốt bụng, nhiệt tình giúp đỡ người khác và đặc biệt yêu quý Việt Nam.
Những năm tháng tuổi trẻ của chúng tôi đã gắn bó với đất nước ấy sâu nặng như quê hương thứ hai của mình. Ký ức về tình thầy trò, tình bạn và tình cảm của những người dân Liên Xô đã mãi theo chúng tôi. Lý tưởng cao đẹp và những giá trị nhân văn mà Cách Mạng Tháng Mười đã xây dựng được còn tồn tại mãi.
Tháng 2/1989, tôi đến Yerevan, Thủ đô nước Cộng hòa XHCN Xô viết Armenia làm nghiên cứu sinh. Đó là những năm tháng khi đất nước khổng lồ đó đang trong cơn sốt của cuộc cải tổ, kinh tế vô cùng khó khăn. Đặc biệt là mùa Đông năm 1992, sau khi Liên Xô tan rã và Armenia trở thành nước độc lập chưa đầy một năm. Từ “Thiên đường chủ nghĩa xã hội”, với nền kinh tế tập trung và được hỗ trợ, đất nước nhỏ bé chưa đến ba triệu dân ấy phải “tự xoay sở”. Trục giao thông hàng hóa chủ yếu của đất nước không có biển này là đường tàu hỏa bị chặn từ nước cộng hòa bên cạnh, hệ thống dẫn khí ga từ Liên Xô rộng lớn trước đây bị đóng. Người dân không đủ ăn, mỗi người chỉ được cung cấp hai trăm gram bánh mỳ mỗi ngày. Giữa mùa Đông lạnh giá -20 độ C, thành phố không điện, không hệ thống sưởi ấm, không nước nóng. Để sưởi ấm cho trẻ nhỏ, họ phải chặt cây và bóc cả ghế gỗ công viên để đốt…
Thầy giáo của tôi, Chủ nhiệm khoa của Trường đại học Tổng hợp Yerevan và gia đình cũng phải sống trong tình cảnh ấy. Vậy mà, thầy vẫn luôn lo lắng cho tôi, cô học trò Việt Nam duy nhất ở khoa. Mỗi khi tôi đến lớp, thầy đều hỏi han, dặn dò mặc ấm. Vợ thầy gửi cho tôi những chiếc bánh quy ít ỏi để dành từ mùa hè và luôn nhắn tôi đến nhà để ăn món súp thịt bà chỉ dám nấu tuần một lần. Hơn thế, thầy còn luôn truyền cho chúng tôi tinh thần lạc quan. Tôi rời Yerevan khi đất nước Armenia vẫn còn muôn vàn khó khăn. Liên lạc rất khó. Bức thư cuối tôi nhận là từ vợ thầy, tháng 4 năm 2003. Bà thông báo thầy đã mất năm 2000.
Năm 2015, cùng đoàn cựu sinh viên, tôi trở lại Yerevan thăm trường cũ và không quên tìm đến nhà thầy giáo. Tôi vẫn nhớ, nhà thầy ở tòa nhà số 38, phố Sarian. Vậy mà khi đi trên con phố ấy, tôi không thể tìm được tòa nhà. Đó là buổi sáng cuối cùng đoàn chúng tôi ở Yerevan, tôi phải có mặt tại khách sạn lúc 11 giờ để ra sân bay. Nhìn đồng hồ đã 10 giờ 15, thất vọng, tôi đành vẫy taxi về khách sạn. Trên xe, tôi kể cho người lái taxi, một người đàn ông trung tuổi, râu quai nón rậm rì, câu chuyện tìm nhà thầy của mình. Thực bất ngờ, ông ta nói biết địa chỉ đó. Ông ta nhìn tôi qua gương chiếu hậu và hỏi: “Bây giờ chị đi đâu? Về khách sạn hay đến tòa nhà 38, nhà đó không xa đây đâu”. “Vậy anh làm ơn cho tôi đến nhà 38”.
Căn hộ của gia đình thầy trên tầng 10. Mấy người đứng trong sân đã cảnh báo chúng tôi về cái thang máy cũ rất khó vận hành bởi tòa nhà đã xây dựng từ những năm 1970. Không bỏ tôi một mình, người lái taxi đi cùng và động viên tôi, ông biết cách xử trí loại thang này. Quả nhiên, chiếc thang không đi nếu không đủ khỏe để đóng mạnh hai cánh cửa sắt lại. Đứng trước căn hộ gia đình thầy, tôi bấm cả chục hồi chuông nhưng không có tiếng trả lời. Người lái taxi quyết định gõ cửa căn hộ bên cạnh. Chủ căn hộ đó cho biết vợ thầy giáo cũng đã mất hồi đầu năm 2015. Con trai thầy đang sống tại một căn hộ không xa tòa nhà này. Tôi lại nhờ và ông tiếp tục đưa tôi đến gặp con trai thầy. Lúc chia tay, tôi đưa tiền nhưng ông chỉ cầm đúng số tiền xe đã chạy.
Chuyến trở về Yerevan, dù không còn được gặp vợ chồng người thầy kính yêu, nhưng tôi vẫn cảm nhận được tình cảm ấm áp trong sự giúp đỡ của những người dân Liên Xô cũ tốt bụng, chân thành.