Đắk Lắk: xã vùng sâu nỗ lực vận hành mô hình chính quyền 2 cấp
Kinhtedothi - Hơn một tuần kể từ khi tỉnh Đắk Lắk chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã) từ ngày 1/7/2025, những hiệu quả bước đầu đã bắt đầu được ghi nhận tại các xã vùng sâu.
Tại Đắk Lắk, một tỉnh có diện tích rộng lớn và đặc thù đa dạng về địa lý, văn hóa, việc vận hành mô hình chính quyền 2 cấp sau sáp nhập đang mở ra những cơ hội chưa từng có để phát triển. Đánh dấu một bước ngoặt trong hành trình cải cách hành chính, mang theo kỳ vọng về một bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu quả và thực sự phục vụ Nhân dân.
Quyết định lịch sử này đã mạnh dạn xóa bỏ cấp trung gian (cấp huyện) rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền cấp tỉnh và cơ sở, hướng đến mục tiêu cốt lõi là xây dựng một nền hành chính kiến tạo, nơi người dân và DN giữ vị trí trung tâm.
Với các xã vùng sâu, vùng xa như Ea Riêng và Krông Á, nơi cuộc sống của người dân còn đối diện với không ít khó khăn về kinh tế - xã hội và hạ tầng, việc triển khai mô hình chính quyền 2 cấp thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Giữa những thách thức đặc thù, những tín hiệu tích cực ban đầu đã thể hiện niềm tin về một bộ máy hành chính mới mẻ, gần gũi và hiệu quả hơn bao giờ hết.
Những ghi nhận thực tế từ phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị trong những ngày đầu tháng 7/2025 tại Trung tâm phục vụ hành chính công (TTPVHCC) của các xã Ea Riêng và Krông Á cho thấy không khí làm việc nghiêm túc và khẩn trương. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, sau quá trình sắp xếp và tổ chức lại, đã nhanh chóng ổn định và bắt tay vào công việc, nỗ lực đảm bảo quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân diễn ra thông suốt, không để xảy ra tình trạng gián đoạn.
Ghi nhận hoạt động tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Ea Riêng
Quyết tâm tinh gọn bộ máy hành chính và tập trung nguồn lực cho phát triển là động lực chính của bước chuyển mình này. Dù trong giai đoạn đầu, việc thay đổi có thể tạo ra những xáo trộn nhất định trong thói quen đi lại và làm việc của người dân khi tiếp cận trụ sở mới, song đa số người dân địa phương đều bày tỏ sự ủng hộ và kỳ vọng vào những chuyển biến tích cực mà mô hình mới hứa hẹn mang lại trong tương lai.
Chị Nguyễn Thị Ngoan, một người dân sinh sống tại xã Ea Riêng, chia sẻ: “Ban đầu, chúng tôi cũng có chút bỡ ngỡ khi xã mình giờ đây rộng lớn hơn, trung tâm hành chính cũng thay đổi. Tuy nhiên, các cán bộ xã đã chủ động thông báo và hướng dẫn rất tận tình. Chúng tôi tin rằng với bộ máy mới này, các thủ tục hành chính sẽ được giải quyết nhanh gọn hơn và cán bộ sẽ có điều kiện gần gũi, lắng nghe người dân hơn để kịp thời nắm bắt và giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà chúng tôi gặp phải”.
Chia sẻ với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND xã Ea Riêng Phan Đức Thọ cho biết: “Cơ sở vật chất, hạ tầng của xã vẫn còn nhiều thiếu thốn, đặc biệt là trang thiết bị phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Đường truyền internet tại một số khu vực cũng chưa ổn định, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chuyển đổi số trong công tác quản lý và điều hành”.
Bên cạnh đó, một thách thức không nhỏ khác là việc thay đổi thói quen của người dân, đặc biệt là người lớn tuổi, trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. “Chúng tôi đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân về quy trình làm việc mới. Tuy nhiên, để thay đổi nhận thức và thói quen của người dân, đặc biệt là những người lớn tuổi chưa quen với môi trường số, cần có thời gian và sự kiên trì” - Chủ tịch xã Ea Riêng chia sẻ thêm.
Đồng thời ông Phan Đức Thọ thể hiện quyết tâm: “Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tập thể lãnh đạo và cán bộ xã Ea Riêng quyết tâm vượt qua, từng bước khắc phục những hạn chế để hướng đến mục tiêu cuối cùng là giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn và hiệu quả nhất cho người dân”.
Chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Ea Riêng Phan Đức Thọ.
Tương tự, tại xã Krông Á, một xã vùng sâu, vùng xa khác của tỉnh Đắk Lắk với diện tích tự nhiên rộng lớn và dân cư thưa thớt, những khó khăn ban đầu cũng không ít. Chủ tịch UBND xã Trần Mạnh Quân, bày tỏ sự kỳ vọng vào mô hình chính quyền 2 cấp sẽ mang lại những đổi mới tích cực cho địa phương. “Chúng tôi kỳ vọng mô hình này sẽ giúp nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền xã, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và DN trong các giao dịch hành chính” - ông Trần Mạnh Quân nói.
Tuy nhiên, ông Trần Mạnh Quân cũng thẳng thắn nhìn nhận những thách thức trước mắt: “Cũng giống như nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa khác, Krông Á đang đối mặt với những khó khăn về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, trình độ dân trí và khả năng tiếp cận công nghệ của một bộ phận người dân còn hạn chế. Tuy nhiên, với quyết tâm vượt khó vươn lên, chúng tôi tin rằng xã nhà sẽ từng bước phát triển về mọi mặt, sớm thoát khỏi diện nghèo”.
Chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Krông Á Trần Mạnh Quân
Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Giám đốc TTPVHCC xã Krông Á Nguyễn Đình Thiện đã có những trao đổi thẳng thắn về những ngày đầu vận hành. “Những ngày đầu hoạt động của trung tâm gặp không ít khó khăn. Cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đường truyền internet chưa ổn định gây ảnh hưởng đến việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ trực tuyến. Đội ngũ cán bộ, nhân viên của trung tâm cũng đang trong quá trình làm quen với quy trình làm việc mới” - Phó Chủ tịch Nguyễn Đình Thiện chia sẻ.
Mặc dù vậy, Phó Chủ tịch Nguyễn Đình Thiện cũng khẳng định sự quyết tâm của tập thể cán bộ, nhân viên TTPVHCC: “Chúng tôi nhận thức rõ những khó khăn trước mắt và sẽ cố gắng hết mình để vượt qua. Chúng tôi sẽ tích cực tham mưu cho cấp trên để từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đồng thời tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên, nhằm hướng tới mục tiêu phục vụ tốt nhất cho bà con Nhân dân”.
Ghi nhận hoạt động tại Trung tâm PVHCC xã Krông Á
Những khó khăn ban đầu trong quá trình triển khai mô hình chính quyền 2 cấp tại các xã vùng sâu, vùng xa như Ea Riêng và Krông Á là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, nỗ lực khắc phục khó khăn từ chính quyền địa phương và sự đồng hành, ủng hộ của người dân, kỳ vọng rằng trong thời gian tới, các xã vùng sâu, vùng xa này sẽ từng bước vươn lên, mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác phục vụ cộng đồng, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Đắk Lắk.
Mô hình chính quyền 2 cấp sau một thời gian ngắn vận hành đã có những tín hiệu tích cực; những nỗ lực và kết quả ban đầu tại các xã vùng sâu của Đắk Lắk là rất đáng ghi nhận. Có thể thấy sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc của đội ngũ cán bộ cơ sở và sự đồng thuận, kỳ vọng của người dân là những yếu tố nền tảng quan trọng tạo nên những thành công bước đầu. Đây hứa hẹn một bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác quản lý Nhà nước tại địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội các xã vùng sâu, vùng xa ngày càng phát triển.
Trích dẫn
Xã Ea Riêng mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Ea H’Mlay, Ea M’Doal và Ea Riêng cũ.
Xã Ea Riêng có diện tích tự nhiên 167,56 km² (đạt 167,56% so với tiêu chuẩn); quy mô dân số 15.719 người (đạt 314,38% so với tiêu chuẩn).
Nơi đặt trụ sở làm việc xã Ea Riêng: tại xã Ea Riêng (UBND xã Ea Riêng cũ).
Xã Krông Á mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Krông Á và xã Cư San cũ. Xã Krông Á có diện tích tự nhiên 291,60 km² (đạt 291,6% so với tiêu chuẩn); Quy mô dân số 12.900 người (đạt 258% so với tiêu chuẩn).
Nơi đặt trụ sở làm việc của xã Krông Á: tại xã Cư San (UBND xã Cư San cũ).

Đắk Lắk: quyết tâm tạo đột phá từ khoa học công nghệ và chuyển đổi số
Kinhtedothi- Chiều 10/7, Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk tổ chức Phiên họp thứ nhất và công bố 4 nền tảng số phục vụ chính quyền địa phương 2 cấp.

Phường Ea Kao (tỉnh Đắk Lắk) sau sáp nhập: xây dựng nền hành chính hiện đại, thân thiện
Kinhtedothi - Sau khi chính thức được thành lập trên cơ sở sáp nhập phường Ea Tam và xã Ea Kao, phường Ea Kao (tỉnh Đắk Lắk) đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt trong công tác cải cách hành chính.

Người dân phấn khởi trong ngày đầu vận hành chính quyền hai cấp tại Đắk Lắk
Kinhtedothi - Ngày 1/7, các đơn vị hành chính cấp xã, phường mới tại tỉnh Đắk Lắk chính thức đi vào hoạt động. Bộ máy hành chính mới đã vận hành một cách nhịp nhàng, chuyên nghiệp ngay từ những giờ làm việc đầu tiên.