Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ảm đạm thị trường bánh Trung thu

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn 15 ngày nữa là đến Tết Trung thu, tuy nhiên năm nay do dịch Covid-19, nhiều tỉnh thành đang giãn cách xã hội, kinh tế khó khăn nên thị trường bánh Trung thu trở nên ảm đạm, doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, thậm chí dừng sản xuất.

Doanh nghiệp hoạt động cầm chừng
Thông tin từ các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo cho thấy, hiện sức tiêu thụ bánh Trung thu rất thấp nên nhiều doanh nghiệp đã giảm sản lượng, thậm chí dừng sản xuất mặt hàng này.
Chuỗi cửa hàng bánh ngọt ABC Bakery và Tập đoàn Kido đã ra thông báo năm nay không sản xuất bánh Trung thu cung ứng cho thị trường. Lý giải nguyên nhân, đại diện tập đoàn Kido nêu rõ, dịch Covid-19 nên chi phí sản xuất bánh Trung thu tăng cao kéo theo giá bán tăng tương ứng, nếu sản xuất thì doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng sẽ chịu thiệt, vì vậy phải tạm ngưng sản xuất.
Tương tự nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bánh Trung thu quy mô lớn như Hữu Nghị, Hải Hà… cũng thông tin, chỉ sản xuất cầm chừng để bảo vệ thương hiệu.
Đại diện Công ty CP Bánh kẹo Hải Hà Đào Tiến Thành chia sẻ, năm nay doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu từ rất sớm nhưng  hiện phải liên tục điều chỉnh do diễn biến của dịch Covid-19. “Doanh nghiệp hiện đã lên bảng giá cho các loại sản phẩm nhưng vẫn đang theo dõi sát sao diễn biến của dịch bệnh để có phương án sản xuất phù hợp. Nhìn chung mọi kế hoạch sản xuất đều đang phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh cũng như đơn đặt hàng của đối tác”, ông Thành nói.
Dự báo thị trường tiêu thụ bánh Trung thu trong thời gian tới, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú nêu rõ, năm nay sản lượng bán hàng sẽ giảm khoảng 30%, doanh nghiệp cần chủ động có kế hoạch kinh doanh phù hợp. “Doanh số bán lẻ bánh Trung thu chắc chắn suy giảm do Covid-19. Người tiêu dùng phải hạn chế đi lại và tập trung sử dụng tiền cho các mặt hàng thiết yếu khác nên nhu cầu mua để sử dụng, tặng biếu giảm" - ông Phú phân tích.
 Bánh Trung thu

Cẩn trọng mua bánh online
Thực tế cho thấy, hầu hết doanh nghiệp sản xuất bánh Trung thu đều duy trì giá bán tương đương năm trước, mặc dù nguồn nguyên liệu đầu vào tăng đáng kể. Cụ thể, mức giá bánh trung bình dao động từ 50.000 - 80.000 đồng/chiếc, các dòng bánh cao cấp dao động từ 300.000 - 750.000 đồng/chiếc. Với các combo hộp bánh Trung thu 2021, giá bán dao động từ 150.000 đồng đến dưới 1 triệu đồng/hộp.
Để tiêu thụ sản phẩm và tạo thuận lợi cho người tiêu dùng mua hàng, các DN sản xuất đẩy mạnh việc bán hàng online, đưa lên các sàn thương mại điện tử  Lazada, Tiki, Shopee cũng như các ứng dụng giao hàng Grab, Gojek, và Baemin. Với các tiểu thương sản xuất bánh handmade cũng tận dụng mạng xã hội Zalo, Facebook, các nhóm mua bán online, cộng đồng khu dân cư để tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên Cục Thương mại Điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã cảnh báo, nhiều đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các loại bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Thương mại Điện tử & Kinh tế số khuyến cáo khi lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu, người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, có tên, địa chỉ nhà sản xuất, hướng dẫn sử dụng, bảo quản.
Ngoài ra người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin về chủ sở hữu website gồm tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế; Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, thông tin về các chính sách đổi trả hàng, hoàn tiền, giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng. Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm.