Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ẩm thực là “mỏ vàng” cho ngành du lịch hút khách quốc tế

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua ẩm thực Việt Nam được nhiều chuyên trang du lịch và cẩm nang ẩm thực nổi tiếng vinh danh. Điều này cho thấy ẩm thực là “mỏ vàng” lớn để thu hút du khách quốc tế. Nhưng để làm được điều này đòi hỏi ngành du lịch xây dựng "bản đồ ẩm thực".

Nhiều lợi thế thu hút khách

Ngày 6/6 vừa qua, cẩm nang ẩm thực nổi tiếng thế giới Michelin Guide đã gắn sao cho 4 nhà hàng Việt Nam, trong đó TP Hà Nội có đến 3 nhà hàng.

Trước đó, độc giả của nền tảng du lịch lớn nhất thế giới Tripadvisor bình chọn Hà Nội là một trong 20 điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới năm 2023. Mới đây, chuyên trang du lịch Travel and Leisure của Mỹ đã vinh danh Việt Nam là điểm đến có nền ẩm thực nhất châu Á trong danh sách Bucket List Places in Asia năm 2023. 

Thực tế cho thấy, ẩm thực Hà thành không chỉ thu hút du khách mà cả những chính khách quốc tế thưởng thức. Điển hình như hình ảnh cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ăn bún chả Hà Nội vào năm 2016; Cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và phu nhân thưởng thức món phở bò ở Hà Nội vào năm 2018. Những ngày gần đây dư luận xôn xao trước sự kiện ngày 3/6, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã đến một quán bia hơi trên phố Đường Thành (quận Hoàn Kiếm) để thưởng thức đồ uống “đặc sản” và món ăn dân dã Hà Nội.

Giới thiệu ẩm thực Hà Nội tới du khách tại Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam
Giới thiệu ẩm thực Hà Nội tới du khách tại Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam
 

Thời gian tới ngành du lịch thông qua các hội chợ quốc tế sẽ đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến ẩm thực Việt Nam ra thế giới, trong đó chú trọng quảng bá những nhà hàng, khách sạn đã được Michelin Guide gắn sao. Đồng thời tổ chức hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp lữ hành với các nhà hàng đã được Michelin Guide gắn sao tổ chức tour du lịch ẩm thực”

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh

Đánh giá về giá trị ẩm thực trong phát triển du lịch, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng: Việc Michelin Guide gắn sao cho 4 nhà hàng đã tạo ra thương hiệu cho du lịch ẩm thực Việt Nam thu hút du khách quốc tế lựa chọn nước ta làm điểm đến.

“Michelin Guide gắn sao và Tripadvisor bình chọn ẩm thực Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng là điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới năm 2023 cho thấy ẩm thực Việt Nam đang dần có chỗ đứng trên “bản đồ ẩm thực” thế giới. Đây chính là tiềm năng lớn để thu hút du khách quốc tế” - ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam Nguyễn Quốc Kỳ, với nền văn hóa ẩm thực đa dạng và có nét đặc trưng riêng, Việt Nam có thể xây dựng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn từ ẩm thực để tăng thêm tính trải nghiệm, tạo sức hút du khách lưu trú lâu hơn.

Cần một quy hoạch tổng thể

Theo ước tính của Tổ chức du lịch ẩm thực thế giới World Food Tourism Association (WFTA), du khách quốc tế dành khoảng 25 - 35% ngân sách du lịch cho các khoản chi tiêu liên quan đến thực phẩm và đồ uống trong suốt hành trình du lịch. Tuy nhiên để khai thác được “mỏ vàng” này đòi hỏi ngành du lịch xây dựng một "bản đồ ẩm thực" để thu hút du khách tham gia tou.

Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho biết, thời gian qua nhiều công ty du lịch như Vietrantour, Hanoi Tourist, TransViet… đã tổ chức các tour du lịch ẩm thực quanh Hà Nội. Tuy nhiên hoạt động này mới chỉ dừng ở quy mô nhỏ lẻ, chưa tạo được hiệu ứng thu hút khách. Để triển khai được tour ẩm thực chuyên đề ở Hà Nội, trước hết phải xác định được hai yếu tố “điểm nhấn” và “chuẩn”.

Giới thiệu ẩm thực Hà Nội tới du khách tại Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam
Giới thiệu ẩm thực Hà Nội tới du khách tại Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam

Cụ thể, phải tìm được món ăn điểm nhấn để quảng bá, xây dựng hệ thống nhà hàng chuyên nghiệp về ẩm thực Việt Nam. “Du khách tham gia một tour ẩm thực không chỉ để ăn, mà còn muốn khám phá và tham gia quá trình chuẩn bị, chế biến thực phẩm, trải nghiệm phong vị Hà thành...” - ông Phùng Quang Thắng phân tích.

Ở góc độ doanh nghiệp, Tổng giám đốc Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho rằng, du lịch ẩm thực là ngành dịch vụ mang tính văn hóa, nghệ thuật cao. Vì vậy, Hà Nội cần có quy hoạch tổng thể kinh doanh ẩm thực để phát triển ổn định, khuyến khích cả nhà hàng sang trọng và ẩm thực đường phố cùng phát triển.

“Nhưng để làm được điều này TP Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu, phát triển những nhà hàng được quốc tế công nhận từ đó nâng tầm của ẩm thực Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung” - ông Nguyễn Công Hoan kiến nghị.

Để phát triển loại hình du lịch ẩm thực, thời gian qua TP Hà Nội đã triển khai nhiều tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, như phố ẩm thực Tống Duy Tân (quận Hoàn Kiếm), Khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã (quận Ba Đình)… từ đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp du lịch xây dựng tour ẩm thực.

Giới thiệu ẩm thực Hà Nội tới du khách tại Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam
Giới thiệu ẩm thực Hà Nội tới du khách tại Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam

Thông tin về việc du lịch Hà Nội xây dựng "bản đồ foodtour" sau khi nhiều nhà hàng được Michelin vinh danh, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, theo định hướng phát triển du lịch TP Hà Nội đến năm 2030, sản phẩm dịch vụ ẩm thực sẽ được phát triển đa dạng. Trong đó tập trung vào các loại hình mang tính chất độc đáo như phố ẩm thực đêm, làng nghề ẩm thực cùng hệ thống nhà hàng đáp ứng nhu cầu của nhân dân và khách du lịch.

Để khai thác, phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực trở thành thế mạnh của du lịch Thủ đô, trong thời gian tới Sở Du lịch Hà Nội sẽ đẩy mạnh quảng bá hệ thống nhà hàng được gắn sao Michelin bên cạnh những nhà hàng, quán ăn uy tín khác của Hà Nội trên sóng của các kênh truyền thông, trang mạng xã hội và các sự kiện xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Sở Du lịch có chủ trương xây dựng "bản đồ foodtour" để du khách có thể tự mình khám phá, trải nghiệm ẩm thực địa phương.