Amazon – rừng mưa lớn nhất thế giới, đang bị tàn phá vô tội vạ, đe dọa đến đa dạng sinh học và gây mất cân bằng sinh thái của khu dự trữ sinh quyển thế giới rộng 5 triệu km2.
Nghiêm trọng hơn, sản xuất cocaine, khai thác vàng bất hợp pháp và phá rừng để phục vụ sản xuất đã làm mất đi nhiều loại gỗ quý hiếm, khiến nguồn nước bị ô nhiễm và diện tích rừng giảm mạnh thời gian qua.
Trải rộng trên 9 quốc gia ở Nam Mỹ, chủ yếu qua Brazil, Peru và Colombia, Amazon còn được gọi là "bể chứa" carbon của Trái đất khi hấp thụ nhiều CO2 hơn lượng thải ra. Theo ước tính, nó hấp thu khoảng 90 - 140 tỷ tấn CO2, giúp kiểm soát đáng kể hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Thậm chí những kẻ buôn bán ma túy còn lợi dụng rừng Amazon để tăng cường hoạt động. Chẳng hạn, nhiều trùm ma túy ở Colombia đã ký hợp đồng với các công ty gỗ địa phương để giấu ma túy trong vỏ thuyền và vận chuyển đến các cảng qua Brazil, Guyana, Suriname và Venezuela.
Từ năm 2017 đến 2021, cảnh sát liên bang Brazil đã phát hiện 16 vụ giấu cocaine trong các lô hàng gỗ. Khi bị phát hiện, những kẻ buôn ma túy đã vô cùng manh động tấn công lực lượng điều tra.
Các băng đảng đã mở những con đường bí mật để vận chuyển bất hợp pháp lâm sản quý ra khỏi rừng. Chỉ riêng vùng Amazon thuộc Brazil đã có hơn 25.000 đường băng tư nhân, với hơn một nửa là bất hợp pháp. Đặc biêt, một phần tư trong đó cắt qua các khu vực được bảo vệ hoặc nơi có người bản địa sinh sống.
Số cảng sông tạm thời cũng tăng nhanh nhằm tạo điều kiện cho việc mở rộng thị trường buôn bán gỗ và ma túy bất hợp pháp. Theo Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC), mỗi năm, thông qua khoảng 900 tuyến đường vận chuyển, hơn 1.000 tấn cocaine trên thế giới khởi hành từ lưu vực sông Amazon được trung chuyển và tiêu thụ ở 65 quốc gia.
Ngoài ra, bạo lực, tranh chấp giữa các băng đảng và cộng đồng địa phương khiến số người thiệt mạng tăng kỷ lục. Tỷ lệ người thiệt mạng tại các khu vực gần Amazon, Brazil vào năm 2020 cao nhất cả nước với 30 vụ giết người so với mức trung bình toàn quốc là 24.
Nạn khai thác và xuất khẩu vàng bất hợp pháp diễn ra liên miên. Việc sử dụng thủy ngân để tách vàng khỏi trầm tích đang làm ô nhiễm hệ sinh thái trầm trọng, khiến nguồn cung thực phẩm bị nhiễm độc.
Chỉ riêng ở Brazil có hơn 320 mỏ vàng bất hợp pháp hoạt động, chưa kể tình trạng khai thác vàng bất hợp tràn lan của các nhóm du kích ở Colombia hay việc rửa tiền thông qua khai thác vàng ở Peru.
Có thể nói sự vô trách nhiệm giám sát và lòng tham không đáy từ chính các các cơ quan chuyên trách bảo vệ rừng Amazon đang tạo điều kiện cho nạn phá rừng ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, công tác thực thi pháp luật yếu kém và thiếu các giải pháp kinh tế hiệu quả cho cư dân địa phương khiến cho nạn phá rừng nguyên sinh diễn ra tràn lan. Đồng thời tình trạng khai thác gỗ và kim loại trái phép sẽ không có hồi kết.
Một số giải pháp
Brazil và Colombia lên kế hoạch thành lập các trung tâm chỉ huy cảnh sát đa quốc gia hoạt động ngoài Manaus, Brazil và Leticia, Colombia. Quan chức Brazil cũng đang kêu gọi hành động quyết liệt hơn để trấn áp việc chiếm đất, khai thác gỗ trái phép và các hoạt động tội phạm.
Cảnh sát liên bang Brazil đã thành lập một đơn vị chuyên biệt về tội phạm môi trường và cài đặt công cụ viễn thám tinh vi để theo dõi các điểm nóng phá rừng. Cả cơ quan bảo vệ môi trường của Brazil, cảnh sát liên bang và tiểu bang cũng đang sử dụng một loạt phần mềm giám sát vệ tinh được kết nối với Viện Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Brazil.
Trong khi đó, Colombia và Peru cũng đã tăng cường lực lượng cảnh sát, các đơn vị chuyên trách về tội phạm tài chính, môi trường và tòa án đặc biệt. Nhiều quốc gia khác cũng thành lập lực lượng đặc biệt chống tội phạm xâm hại rừng, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học Amazon.