Ngày 25/10, Chính phủ Ấn Độ đã chính thức phê chuẩn Chính sách Chế tạo quốc gia, theo đó đẩy mạnh phát triển lĩnh vực chế tạo nhằm tăng tỷ trọng của lĩnh vực chế tạo trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tạo nhiều việc làm trong lĩnh vực này. Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, Chính sách Chế tạo quốc gia hướng tới mục tiêu tăng tỷ trọng của lĩnh vực chế tạo trong GDP từ mức 16% hiện nay lên mức 25% vào năm 2022, qua đó tạo thêm 100 triệu việc làm. Bên cạnh đó, Chính sách Chế tạo quốc gia Ấn Độ cũng hướng tới việc tăng năng lực cạnh tranh toàn cầu, gia tăng giá trị sản phẩm chế tạo trong nước, phát triển dựa trên chiều sâu công nghệ và tăng trưởng bền vững, thân thiện với môi trường. Để thực hiện các mục tiêu trên, Chính sách Chế tạo quốc gia đề xuất thành lập các thành phố công nghiệp tiên tiến có quy mô lớn như các Khu Đầu tư và Chế tạo quốc gia với cơ sở hạ tầng hiện đại, áp dụng công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và cơ sở xã hội đồng bộ. Ngoài ra, Chính sách Chế tạo quốc gia Ấn Độ cũng đề xuất đơn giản hóa, hợp lý hóa vấn đề thủ tục pháp lý. Chính phủ Ấn Độ hy vọng việc áp dụng Chính sách Chế tạo quốc gia sẽ tạo ra nhiều việc làm nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu việc làm trong nước. Ước tính trong 10 năm tới, Ấn Độ sẽ có hơn 220 triệu người đến tuổi lao động.