Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Ấn Độ - Pakistan bên bờ vực chiến tranh 

Kinhtedothi - Căng thẳng quân sự tồi tệ nhất giữa Ấn Độ và Pakistan sau 2 thập kỷ đang đẩy hai quốc gia láng giềng ở khu vực Nam Á này đến bờ vực của một cuộc chiến toàn diện.

Ngày 7/5, Ấn Độ tiến hành một loạt cuộc không kích quy mô lớn vào lãnh thổ Pakistan, nhắm vào các địa điểm bị cáo buộc là cơ sở hạ tầng khủng bố. Hành động này là đòn trả đũa cho một vụ tấn công khủng bố đẫm máu vào ngày 22/4 tại vùng Kashmir, khiến 26 người thiệt mạng, chủ yếu là khách du lịch Ấn Độ. 

Pakistan đã trả đũa mạnh mẽ, khi tuyên bố bắn hạ một số máy bay Ấn Độ và tiến hành các cuộc không kích qua Đường Kiểm soát (ranh giới quân sự tạm thời, chia vùng Kashmir thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát). Cuộc đối đầu hiện tại không chỉ làm lung lay lệnh ngừng bắn mong manh được duy trì từ năm 2021 mà còn đánh dấu giai đoạn giao tranh tồi tệ nhất giữa hai nước trong hơn 20 năm qua. 

Với lịch sử xung đột kéo dài hàng thập kỷ, những diễn biến mới đây đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai láng giềng kình địch.

Cuộc đối đầu mới đây giữa Ấn Độ và Pakistan đánh dấu giai đoạn giao tranh tồi tệ nhất giữa hai nước trong hơn 2 thập kỷ. Ảnh: Farooq Khan/EPA-EFE

"Tấn bi kịch" Kashmir

Khu vực Kashmir, nằm giữa dãy núi Himalaya, từ lâu đã là tâm điểm tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan. Khi tiểu lục địa Ấn Độ giành độc lập từ Anh vào năm 1947, sự phân chia thành hai quốc gia – Ấn Độ với đa số người theo đạo Hindu và Pakistan với đa số người theo đạo Hồi  – đã gieo mầm cho xung đột.

Kashmir, với dân số chủ yếu theo đạo Hồi nhưng được cai trị bởi một quốc vương đạo Hindu. Quốc vương Hari Singh quyết định sáp nhập Kashmir vào Ấn Độ thông qua Văn bản Gia nhập, dẫn đến cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pakistan lần thứ nhất kéo dài từ 1947 đến 1948. 

Tình trạng giao tranh chỉ kết thúc thông qua một lệnh ngừng bắn do Liên Hợp Quốc làm trung gian vào năm 1949, chia cắt Kashmir thành 2 phần, với Ấn Độ kiểm soát khoảng 2/3 lãnh thổ Kashmir và Pakistan kiểm soát phần còn lại. Đường phân giới giữa hai nước ở Kashmir, được gọi là Đường Kiểm soát, trở thành biên giới tạm thời nhưng không bên nào từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ khu vực này.

Trong những thập kỷ tiếp theo, Kashmir tiếp tục là ngòi nổ cho 2 cuộc chiến tranh lớn giữa Ấn Độ và Pakistan vào các năm 1965 và 1999, cùng vô số vụ đụng độ nhỏ hơn. Cuộc nổi dậy bạo lực tại Kashmir vào những năm 1990, được thúc đẩy bởi sự bất mãn với Chính phủ New Dehli và sự hỗ trợ từ các nhóm phiến quân do Pakistan hậu thuẫn, đã biến khu vực này thành một chiến trường đẫm máu.

Đỉnh điểm của những bất ổn gần đây là quyết định của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào năm 2019, khi ông thu hồi quy chế tự trị của Kashmir, hạ cấp khu vực này thành lãnh thổ liên bang trực thuộc New Delhi. Động thái này không chỉ làm dấy lên làn sóng phản đối trong nước mà còn khiến Pakistan cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Ấn Độ.

Và vụ tấn công khủng bố mới đây tại Pahalgam, một điểm du lịch nổi tiếng ở Kashmir, đã phá tan viễn cảnh về sự ổn định mà Ấn Độ từng tuyên truyền, đẩy hai nước vào vòng xoáy đối đầu mới.

Nền hòa bình sụp đổ

Rạng sáng ngày 7/5, bầu trời Pakistan rung chuyển bởi các máy bay chiến đấu từ Ấn Độ khi tấn công 9 địa điểm ở nước này, từ tỉnh Punjab đến các khu vực ở Kashmir do Pakistan kiểm soát. Ấn Độ gọi đây là “Chiến dịch Sindoor”, lấy tên từ một loại bột màu đỏ son tượng trưng cho những người phụ nữ theo đạo Hindu mất chồng trong vụ tấn công khủng bố tại Pahalgam. 

New Delhi tuyên bố các cuộc không kích nhắm vào cơ sở hạ tầng của các nhóm khủng bố, đặc biệt là Lashkar-e-Taiba - tổ chức bị cáo buộc đứng sau vụ thảm sát tháng 4. Tuy nhiên, Pakistan bác bỏ cáo buộc, khẳng định các địa điểm bị tấn công là khu dân sự, khiến ít nhất 21 thường dân thiệt mạng, trong đó có 2 trẻ em.

Islamabad cũng đáp trả bằng cách bắn hạ 5 máy bay của Ấn Độ, bao gồm cả chiến đấu cơ Rafale do Pháp sản xuất, và tiến hành các cuộc không kích vào lãnh thổ nước láng giềng.

 ĐỌC NGAY: Ấn Độ bắn loạt tên lửa vào Pakistan sau vụ tấn công khủng bố ở Kashmir

Cuộc giao tranh này đánh dấu bước leo thang nghiêm trọng so với vụ đụng độ năm 2019, khi Ấn Độ cũng không kích Pakistan để trả đũa một vụ đánh bom liều chết giết chết 40 cảnh sát bán quân sự ở Kashmir. Lần này, quy mô và cường độ của các cuộc tấn công lớn hơn nhiều, với việc cả hai bên sử dụng tên lửa và pháo kích dọc Đường Kiểm soát.

Hậu quả là hơn 40 người ở cả hai phía thiệt mạng, không phận bị đóng cửa, và các hiệp định song phương lâu đời như Hiệp ước về nguồn nước sông Ấn năm 1960 bị Ấn Độ đơn phương hủy bỏ. Pakistan cũng tuyên bố đình chỉ Hiệp định Simla năm 1972, vốn xác định Đường Kiểm soát và đóng vai trò như một hiệp định hòa bình không chính thức.

Những động thái này không chỉ làm gia tăng căng thẳng quân sự mà còn đẩy quan hệ ngoại giao giữa hai nước xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

"Bóng ma" hạt nhân

Điều khiến cuộc khủng hoảng hiện tại trở nên đặc biệt đáng lo ngại nằm ở kho vũ khí hạt nhân của cả hai quốc gia. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Ấn Độ và Pakistan mỗi nước sở hữu khoảng 170 đầu đạn hạt nhân, đủ để gây ra thảm họa không chỉ cho khu vực mà còn cho toàn cầu.

Trong khi Ấn Độ cam kết chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên, Pakistan không đưa ra cam kết tương tự, làm gia tăng rủi ro trong trường hợp xung đột leo thang. Các nhà phân tích cho rằng sự hiện diện của vũ khí hạt nhân đã ngăn chặn chiến tranh toàn diện trong quá khứ. Song tình hình hiện tại, với sự sụp đổ của các hiệp định song phương và sự gia tăng các hoạt động giao tranh, đang thử thách giới hạn của sự kiềm chế này.

Cộng đồng quốc tế, từ Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đến các nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc và Nga, đã kêu gọi hai bên kiềm chế và tìm kiếm giải pháp ngoại giao. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn có mối quan hệ với cả Ấn Độ và Pakistan, đã thúc giục New Delhi và Islamabad hạ nhiệt, và nhấn mạnh một cuộc chiến tranh sẽ gây ra hậu quả thảm khốc.

Tuy nhiên, với niềm tin ngày càng giảm sút giữa các bên và sự gia tăng của các nhóm phiến quân như Mặt trận Kháng chiến ở Kashmir, con đường dẫn đến hòa giải dường như xa vời. Các cuộc tấn công liên tục vào dân thường và lực lượng an ninh, cùng với quá trình quân sự hóa diễn ra ồ ạt ở cả hai nước, đang làm xói mòn hy vọng về một giải pháp hòa bình trong ngắn hạn.

Lịch sử xung đột Ấn Độ - Pakistan cho thấy mỗi lần leo thang đều để lại những vết thương sâu sắc hơn, từ cuộc xung đột Kargil năm 1999 đến vụ tấn công khủng bố tại Mumbai năm 2008. Cuộc khủng hoảng hiện tại, với sự kết hợp của vũ khí hạt nhân, tranh chấp lãnh thổ, và sự bất mãn chính trị ở Kashmir, đang đặt ra câu hỏi liệu hai quốc gia này có thể tránh được một cuộc chiến tranh toàn diện hay không.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Châu Âu đối mặt khủng hoảng thiếu hụt y tá nghiêm trọng

Châu Âu đối mặt khủng hoảng thiếu hụt y tá nghiêm trọng

08 May, 07:55 AM

Kinhtedothi - Châu Âu đang đối diện cuộc khủng hoảng thiếu hụt nhân lực y tế khi hàng triệu y tá nghỉ hưu, trong khi người trẻ không muốn gia nhập ngành. Bulgaria là điểm nóng với tỷ lệ y tá giảm mạnh, đe dọa toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ