Ấn Độ "tự tin" đạt mục tiêu năng lượng xanh 2030

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ấn Độ dự kiến sẽ phát triển công suất năng lượng tái tạo cao kỷ lục 35 gigawatt (GW) vào mạng lưới điện quốc gia tính đến cuối Quý 1 năm 2025, theo một quan chức cấp cao.

Công viên Năng lượng Mặt trời Charanka, ở Gujarat, Ấn Độ. Ảnh: Amit Dave.
Công viên Năng lượng Mặt trời Charanka, ở Gujarat, Ấn Độ. Ảnh: Amit Dave.

Động thái này nhằm giúp quốc gia đạt mục tiêu năng lượng sạch vào năm 2030.

Nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới đã ưu tiên sử dụng than để đáp ứng nhu cầu điện tăng cao trong những năm gần đây. Sản lượng điện than dự kiến sẽ vượt qua sản lượng năng lượng tái tạo trong năm 2024.

Việc triển khai các trang trại năng lượng mặt trời lớn đã chậm lại trong những năm qua, dẫn đến sản lượng năng lượng mặt trời trong nửa năm 2024 tăng trưởng ở mức chậm nhất trong vòng 6 năm gần đây.

Tuy nhiên, Ấn Độ, nhà sản xuất năng lượng mặt trời lớn thứ ba thế giới, dự kiến điều này sẽ thay đổi với việc bổ sung 30 GW công suất năng lượng mặt trời mới, theo ông Bhupinder Singh Bhalla, quan chức cao cấp tại Bộ Năng lượng Mới và Tái tạo của Ấn Độ.

Ngoài ra, Ấn Độ sẽ tăng thêm khoảng 5 GW công suất điện gió mới trong năm nay. Trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 8, Ấn Độ đã bổ sung tổng cộng 10 GW công suất năng lượng tái tạo, nâng tổng công suất năng lượng tái tạo lên khoảng 153 GW.

Ông Bhalla cũng cho biết nhu cầu thị trường đối với các dự án lưu trữ pin là rất lớn, sẽ có nhiều dự án đấu thầu cho các dự án này sẽ được tiến hành trong tương lai.

Ấn Độ còn thiếu khoảng 13% so với cam kết của Thủ tướng Narendra Modi tại Hội nghị khí hậu Liên Hợp Quốc năm 2015 về việc tăng công suất năng lượng tái tạo lên 175 GW vào năm 2022, nhưng quốc gia này đang tăng tốc để đạt mục tiêu dài hạn.

Theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu tăng công suất năng lượng tái tạo lên 500 GW vào cuối năm 2030, Ấn Độ cần bổ sung thêm 30% công suất sạch mỗi năm so với mức tăng hiện tại.