Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

An toàn cho người đi bộ chưa được coi trọng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với sự phát triển của các đô thị lớn, hệ thống giao thông công cộng ở các nước trên thế giới đã và đang được chú trọng quan tâm đầu tư phát triển.

Xây dựng cầu vượt cho người đi bộ để đảm bảo ATGT.  	Ảnh: Thanh Hải
Xây dựng cầu vượt cho người đi bộ để đảm bảo ATGT. Ảnh: Thanh Hải
Đây cũng là hình mẫu giao thông tương lai, an toàn, thân thiện, hiệu quả. Trong loại hình giao thông này, người đi bộ là một mắt xích vô cùng quan trọng, đối tượng chủ yếu sử dụng dịch vụ này. Tuy nhiên, ở Việt Nam thành phần này chưa thực sự được chú trọng đầu tư phục vụ.

Nhiều bất cập

Ở các TP lớn của nước ta như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng đã triển khai các dịch vụ giao thông công cộng và chủ yếu là xe buýt. Thậm chí, để bắt kịp xu thế của tương lai, các tuyến Metro thí điểm như tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), hay tuyến Bến Thành - Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh) cũng đã được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, với đặc thù của một đất nước đang phát triển thì phương tiện cá nhân vẫn sẽ là loại hình giao thông chủ yếu trong trong một vài thập niên tới. Đây là nguyên nhân chính, hàng đầu dẫn đến việc mất ATGT, tai nạn, UTGT trong đô thị.

Theo số liệu thống kê của Phòng CSGT Hà Nội, trong năm 2014, địa bàn TP đã xảy ra 97 vụ TNGT liên quan đến người đi bộ, làm 97 người chết, chiếm 19% số người chết vì TNGT. Trong đó có 68 người chết do xe máy gây ra, 17 người do ô tô, còn lại do va chạm tàu hỏa. Một con số đáng báo động khi mà các nhà quản lý chưa thực sự quan tâm và có giải pháp để bảo vệ người đi bộ trong khi đây là bộ phận của giao thông đô thị, đối tượng chính của loại hình giao thông công cộng trong tương lai.         

Vậy, nguyên nhân của việc mất ATGT, đặc biệt là đối với người đi bộ là do đâu? Nguyên nhân đầu tiên phải được đề cập đến là cơ sở hạ tầng còn rất yếu và thiếu. Mặc dù trong những năm qua, đã có nhiều công trình, dự án đi vào hoạt động có hiệu quả, song nhìn tổng thể, vẫn còn quá nhiều bất cập trong quy hoạch và quản lý hạ tầng giao thông. Có những công trình đi vào hoạt động, giải quyết được vấn nạn UTGT tại các nút giao thông thì lại gây ra ùn tắc tại tuyến đường xung quanh, như cầu Nhật Tân đã thông xe, trong khi tuyến đường dẫn từ cầu về Cầu Giấy còn chưa hoàn chỉnh, dẫn đến các phương tiện phải lưu thông qua đường Lạc Long Quân, khiến tuyến đường luôn bị tắc nghẽn những khi giờ cao điểm.

Thêm vào đó, sự bất hợp lý trong việc phân bổ, bố trí các vị trí cho người đi bộ qua đường, biển báo, đèn báo hiệu, các hầm chui, cầu vượt còn thiếu đồng bộ, hợp lý khiến ý thức người đi bộ khi tham gia giao thông giảm xuống. Ví dụ đường Phạm Hùng, các hầm chui hàng chục tỷ đồng nay là nơi cho những người vô gia cư ngủ qua đêm chỉ bởi vì hầm được xây dựng tại những nơi mà hầu như không có ai có nhu cầu qua đường. Trục đường Kim Mã, các vị trí vạch kẻ sơn cho người qua đường cách nhau quá xa, lại không khảo sát trước khi phân bố dẫn đến người đi bộ phải qua đường tại những nơi không có vạch sơn mặc dù họ biết như thế là nguy hiểm. Công tác quy hoạch, quản lý: quy hoạch thiếu cái nhìn thực tiễn, đường làm xong chỉ giải quyết được ùn tắc giao thông cục bộ nhưng lại không hợp lý về mặt tổng thể. Các giải pháp đưa ra chưa đồng bộ, không phát huy được hiệu quả.          

Tuy nhiên, một nguyên nhân chính tồn tại từ lâu mà đến nay vẫn chưa cải thiện nhiều - đó là do ý thức, thái độ và hành vi của một bộ phận người tham gia giao thông còn kém. Không chỉ những người điều khiển phương tiện mà ngay cả ý thức của người đi bộ cũng là căn nguyên gây ra TNGT. Nhiều người đi bộ vẫn ngang nhiên qua đường mọi lúc mọi nơi, còn người điều khiển phương tiện thì ngang nhiên vượt đèn đỏ, lạng lách, chạy quá tốc độ dẫn đến va chạm, xung đột giao thông dẫn đến tai nạn.      

Thiết thực hóa giải pháp cho giao thông đường bộ         

Để giải quyết bài toán giao thông Thủ đô, đặc biệt là nâng cao an toàn cho người đi bộ, hướng đến xây dựng loại hình đẹp về giao thông công cộng trong tương lai, thiết nghĩ cần và phải tiến hành ngay những điều chỉnh cụ thể, sát thực. Điển hình, về mặt quản lý, cần đẩy mạnh đổi mới mô hình quản lý giao thông thông minh. Có các chủ trương, chính sách đúng đắn, quyết liệt để bảo vệ người tham gia giao thông. Tránh tình trạng thực tế một đằng, chủ trương lại một nẻo. Về mặt con người, nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, xây dựng hệ thống quản lý giao thông thông minh. Với người dân thì phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho Nhân dân về ý thức khi tham gia giao thông, đặc biệt là người đi bộ thông qua các hoạt động, cuộc thi, hệ thống loa phát thanh… Với học sinh, sinh viên, người đi làm là đối tượng sử dụng giao thông công cộng chủ yếu hiện nay thì kết hợp lồng ghép vào các chương trình dạy học, lồng ghép với các DN để tuyên truyền và giáo dục nhận thức ngay từ trong trường học. Khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học về các vấn đề giao thông đô thị trong các đơn vị trường học. Về cơ sở vật chất, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, có thể xây dựng từng giai đoạn nhưng phải xuyên suốt, tổng thể có tầm nhìn dài hạn, tránh tình trạng xây xong vài năm lại phá bỏ hay sửa lại gây lãng phí. Rà soát, điều tra, thiết kế bố trí các cầu cho người đi bộ, vạch sơn qua đường cho hợp lý. Xây dựng mô hình giao thông thông minh… Với những giải pháp này, trong tương lai không xa, chắc chắn người đi bộ nói riêng, người tham gia giao thông nói chung sẽ dần dần có ý thức hơn. Giao thông đô thị phát triển an toàn, văn minh hơn.