An toàn phải đặt hàng đầu

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc sử dụng robot đặt lệnh giao dịch chứng khoán trực tuyến là một xu thế chung của thế giới. Tuy nhiên, các giải pháp dịch vụ, sản phẩm mới phải phù hợp với điều kiện thực tiễn từng giai đoạn phát triển và quan trọng hơn hết là vì mục tiêu phát triển thị trường lành mạnh.

Trong văn bản gửi các công ty chứng khoán mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các đơn vị này rà soát và dừng ngay việc sử dụng robot đặt lệnh giao dịch chứng khoán trực tuyến tự động với tần suất lớn.

Lý do được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra bởi hiện tại hạ tầng chưa đáp ứng được sử dụng robot để đặt lệnh giao dịch chứng khoán trực tuyến tự động với tần suất lớn. Trong điều kiện hạ tầng chưa đồng bộ, robot đặt lệnh giao dịch chứng khoán trực tuyến tự động với tần suất lớn sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro và làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường chứng khoán. Việc đặt lệnh qua robot sẽ làm gia tăng đột biến tổng số lệnh trong cùng một thời điểm, vượt quá năng lực thiết kế của cả hệ thống, gây hiện tượng quá tải.

Bên cạnh đó, hoạt động này cũng có thể dẫn đến việc đổ vỡ dây chuyền khi thị trường chứng khoán diễn biến xấu, từ đó tác động tiêu cực đến công tác quản trị rủi ro của công ty chứng khoán. Hơn nữa, căn cứ quy định về giao dịch chứng khoán trực tuyến hiện hành, việc sử dụng công nghệ này để đặt lệnh vẫn chưa được phép thực hiện.

Trên thực tế, trước đó vào năm 2021, khi để xảy ra tình trạng quá tải hệ thống, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) cũng từng đề cập đến vấn đề một số công ty chứng khoán giao dịch sử dụng robot để đặt lệnh. Vì vậy, hoạt động này của cơ quan quản lý là rất cần thiết, góp phần giảm thiểu rủi ro, hạn chế thao túng, trục lợi trong chứng khoán.

Mục tiêu của cơ quan quản lý là điều hành hoạt động của thị trường đúng pháp luật, bảo đảm thị trường có thanh khoản, thông suốt, ổn định, an toàn, công bằng và minh bạch. Chính vì vậy, các giải pháp dịch vụ, sản phẩm mới luôn được nghiên cứu, khuyến khích nhưng phải phù hợp với điều kiện thực tiễn từng giai đoạn phát triển và quan trọng hơn hết là phải vì mục tiêu chung của thị trường và lợi ích của đại đa số các chủ thể tham gia thị trường, bao gồm cả các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch và đầu tư.

Việc cấm giao dịch robot có thể ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, mức ảnh hưởng không đáng kể, vì tỷ lệ giao dịch bằng hình thức này chưa cao.

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc sử dụng thuật toán, robot và lệnh tần suất cao trong đặt lệnh giao dịch trực tuyến là một xu thế của ứng dụng công nghệ vào tài chính, giúp thị trường tăng thanh khoản, đem lại lợi ích cho thị trường chứng khoán.

Tại Việt Nam, tỷ lệ giao dịch bằng robot dù chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng đang ngày một ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chung vì phát triển nhanh, đặc biệt khi nhiều tổ chức đã và đang đổ tiền vào để phát triển. Vì vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng nên nghiên cứu lộ trình áp dụng, đồng thời nâng cấp cơ sở hạ tầng để đưa vào sử dụng nhiều sản phẩm giao dịch mới cho thị trường, thúc đẩy nhanh quá trình nâng hạng như mục tiêu đề ra.