95 năm ngày thành lập đảng

An toàn thông tin - ngành học được săn đón

Quý Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời đại số hóa như hiện nay, an toàn thông tin không chỉ có ý nghĩa sống còn với cá nhân mà còn đối với tổ chức, đơn vị. Những thông tin có giá trị dữ liệu lớn cần phải được bảo đảm tuyệt đối bí mật.

Để giải quyết vấn đề đó, ngành an toàn thông tin ra đời và nhanh chóng trở thành xu hướng nghề nghiệp tất yếu.

An toàn thông tin trong xã hội số hóa

An toàn thông tin là một lĩnh vực chuyên về việc bảo vệ thông tin quan trọng khỏi các mối đe dọa, tấn công và rủi ro mạng; giúp bảo đảm rằng thông tin không bị lộ ra ngoài, bị sửa đổi hoặc không thể truy cập một cách trái phép. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, an toàn thông tin là lựa chọn ưu tiên đối với người trẻ đam mê và quan tâm đến lĩnh vực công nghệ.

Nhiều năm qua, các trường đại học hàng đầu về công nghệ và kinh tế tại Việt Nam đều mở ngành an toàn thông tin, như: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Công nghiệp Hà Nội, Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), Trường ĐH FPT, Học viện Công nghệ Bưu chính & Viễn thông…

Mỗi cơ sở đào tạo sẽ có chương trình đặc thù nhưng nhìn chung, ngành an toàn thông tin trang bị cho người học những kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, mạng và an ninh mạng để hiểu và làm chủ được những công nghệ bảo mật phổ biến, kỹ thuật mã hóa, giải mã thông điệp…

Những kỹ sư an toàn thông tin sẽ nắm được cách xây dựng hệ thống mạng an toàn, hiểu cơ chế hoạt động của virus, các phần mềm độc hại…; từ đó có thể phát hiện và có cách thức phòng chống hiệu quả; đồng thời xây dựng những chính sách an toàn thông tin để bảo vệ hệ thống chủ động và lâu dài.

Chuyên gia an toàn thông tin được ví như những chiến sĩ tiên phong trên không gian mạng, đem lại sự yên bình cho người sử dụng cũng như sự hoạt động an toàn và thông suốt của mạng máy tính.

Cũng giống như nhiều ngành nghề khác, an toàn thông tin không chỉ yêu cầu kiến thức chuyên ngành mà còn đòi hỏi người học có một số tố chất đặc biệt khác như: tư duy phân tích, sự kiên nhẫn, cẩn trọng, sáng tạo, liên tục học hỏi, có kỹ năng truyền đạt, đạo đức nghề nghiệp…

An toàn thông tin là ngành học hấp dẫn và đầy cuốn hút với giới trẻ.
An toàn thông tin là ngành học hấp dẫn và đầy cuốn hút với giới trẻ.

Do sự khan hiếm của những chuyên gia có kiến thức và kỹ năng phù hợp nên mức lương trong ngành an toàn thông tin thường rất cạnh tranh. Các ứng viên với chứng chỉ và kinh nghiệm đáng kể dễ dàng đàm phán mức lương cao hơn so với các lĩnh vực công nghệ thông tin khác.

Theo khảo sát của CyberJutsu Academy - một trung tâm có uy tín, chuyên đào tạo kiến thức và kỹ năng về an toàn thông tin thì tính đến năm 2022, mức lương trung bình của nhân sự an toàn thông tin có kinh nghiệm từ 1 - 3 năm là khoảng 15 - 40 triệu đồng/người/tháng; sinh viên mới ra trường có lương trung bình 8 - 15 triệu đồng/người/tháng.

Hiểu rõ về ngành học

Tại Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, chương trình ngành an toàn thông tin trang bị cho sinh viên lượng kiến thức tổng hợp. Đầu tiên, sinh viên được học về toán chuyên ngành, kỹ thuật, ngôn ngữ lập trình, kiến trúc máy tính, hệ điều hành, cơ sở dữ liệu, mạng máy tính, công nghệ phần mềm, cơ sở an toàn thông tin, mật mã học cơ sở.

Tiếp đó, sinh viên được học kiến thức chuyên sâu về an toàn thông tin như: các kỹ thuật mật mã nâng cao, an toàn mạng máy tính, an toàn hệ điều hành, an toàn các ứng dụng web, an toàn cơ sở dữ liệu, các kỹ thuật tấn công và xâm nhập mạng, mô hình bảo vệ và các kỹ thuật phòng thủ chống tấn công xâm nhập, quản trị mạng an toàn, lập trình web, lập trình mạng và ứng dụng di động…

Theo học tại trường, sinh viên được áp dụng các kiến thức, kỹ năng; sử dụng công cụ khoa học kỹ thuật để nhận biết, phân tích, giải quyết các vấn đề liên quan đến an toàn, bảo mật thông tin mạng; thiết kế và triển khai các ứng dụng bảo đảm an toàn thông tin đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đặt ra trong điều kiện thực tế.

Cùng với đó, người học được trang bị kỹ năng giao tiếp và thuyết trình; kỹ năng làm việc nhóm; phát triển tư duy sáng tạo, phương pháp làm việc khoa học và chuyên nghiệp.

Chương trình an toàn thông tin yêu cầu sinh viên phải có trình độ tiếng Anh cơ bản; có khả năng sử dụng tiếng Anh phục vụ học tập, nghiên cứu, hòa nhập nhanh với cộng đồng công nghệ thông tin ở khu vực và quốc tế; sử dụng tiếng Anh tốt trong các hoạt động liên quan đến nghề nghiệp được đào tạo.

Trong khi đó, nếu theo học ngành an toàn thông tin tại Đại học Công nghiệp Hà Nội, sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, khả năng thiết kế, cài đặt và quản trị hệ thống mạng, nguyên tắc tổ chức thông tin, chính sách và pháp luật của Nhà nước cũng như yếu tố con người trong việc bảo đảm an toàn thông tin.

Thời gian học tại trường, sinh viên còn được phát triển các kỹ năng chuyên môn như: phân tích mã độc, xây dựng các thuật toán, phần mềm an toàn; phân tích, tư vấn, thiết kế, ngăn chặn sự cố trong mạng máy tính và các hệ thống thông tin; thực hành phòng thủ hệ thống chống lại các cuộc tấn công trong môi trường số, bảo đảm thông tin được lưu trữ, truyền tải an toàn…

Các chuyên gia đánh giá, học ngành an toàn thông tin có tương lai rộng mở bởi không chỉ giới hạn trong lĩnh vực công nghệ thông tin mà còn mở rộng đến các ngành như tài chính, quản trị, y tế và nhiều lĩnh vực khác.

Với kỹ năng và kiến thức vững vàng, sau khi tốt nghiệp ngành này, sinh viên có thể đảm nhận công việc tại một số vị trí việc làm như: chuyên viên bảo mật hệ thống tại các ngân hàng, trung tâm dữ liệu, nhà cung cấp dịch vụ internet; chuyên viên quản trị an ninh mạng, cơ sở dữ liệu; kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin cho mạng và hệ thống; phân tích, đánh giá và phòng chống mã độc; phát triển phần mềm an toàn.

Sinh viên cũng có thể là chuyên viên: kiểm tra an ninh trên không gian mạng; viên phân tích, tư vấn, thiết kế hệ thống thông tin bảo đảm an toàn... Hoặc họ có thể trở thành giảng viên, nghiên cứu viên tại các viện, trung tâm nghiên cứu và các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp…

Nhu cầu về nhân sự ngành an toàn thông tin là kết quả tất yếu của cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng chuyển đổi số. Tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, nhân lực ngành an toàn thông tin, an ninh mạng chưa đáp ứng được nhu cầu của các tổ chức, DN. Bởi thế, trong giai đoạn hiện nay và những năm tới, việc đào tạo đội ngũ nhân lực an toàn thông tin là xu thế tất yếu và vô cùng cần thiết.

 

Theo nghiên cứu lực lượng lao động an ninh mạng của tổ chức phi lợi nhuận ISC2 thì năm 2023, tình trạng thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực an ninh mạng trên toàn cầu tăng 12,6% (khoảng 4 triệu người) so với năm 2022.

Hiện 97% số doanh nghiệp có sử dụng nhân sự an toàn thông tin đang thiếu hụt hoặc chưa đáp ứng về nhân lực đảm nhiệm các vị trí liên quan đến an toàn thông tin. Dự báo trong 5 - 10 năm tới, có 96% doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động liên quan đến lĩnh vực an toàn thông tin.