Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Khát nhân lực ngành đường sắt hiện đại

Kinhtedothi - Phát triển giao thông đường sắt là lộ trình tất yếu trong hạ tầng giao thông vận tải các nước. Tại Việt Nam, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, hệ thống metro tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… đưa đường sắt hiện đại trở thành ngành khát nhân lực hơn bao giờ hết.

Các trường đại học uy tín chuyên ngành giao thông, xây dựng cũng mở nhiều chương trình đào tạo về lĩnh vực này nhằm cung cấp nhân lực, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Nhu cầu nhân lực lớn

Các nghiên cứu, báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Viện Chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải đều khẳng định, nhu cầu nguồn nhân lực ngành đường sắt, đặc biệt là đường sắt hiện đại (đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao) trong 10 năm tới tại Việt Nam là rất lớn.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hay Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là một trong những dự án chiến lược của Đường sắt Việt Nam. Dự án được Quốc hội chốt chủ trương đầu tư vào tháng 11/2024 với tổng vốn sơ bộ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, tương đương 67 tỷ USD. Tuyến đường dài 1.541km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh), đi qua 20 tỉnh thành.

Toàn tuyến được đầu tư mới khổ đôi 1,435m, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Dự án này dự kiến khởi công vào năm 2027.

Theo dự báo của ngành giao thông, với Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nguồn nhân lực xây dựng, vận hành có thể chia thành 4 khối có nhu cầu phát sinh lớn gồm: nhân lực quản lý dự án; tư vấn; thầu xây dựng và khai thác vận hành.

Nhân viên đường sắt làm việc tại Ga Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Ngành giao thông cho rằng, nhân lực xây dựng, vận hành đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được tính toán căn cứ trên phương án và tiến độ triển khai đầu tư xây dựng, khai thác gồm nhu cầu nhân lực quản lý dự án giai đoạn từ năm 2025 - 2027, sẽ cần khoảng 300 - 500 nhân lực; cao điểm nhất giai đoạn 2028 - 2032 khi triển khai đồng thời cả 3 đoạn tuyến của dự án với số lượng khoảng 700 - 900 nhân sự và giai đoạn 2032 - 2035 sẽ giảm về 300 - 500 nhân lực.

Nhu cầu nhân lực tư vấn khảo sát, thiết kế và giám sát thi công được huy động theo tiến độ dự án và cao điểm nhất vào năm 2026 - 2028, giai đoạn triển khai thiết kế tổng thể kỹ thuật với số lượng khoảng 1.100 - 1.300 nhân sự.

Nhu cầu nhân lực xây dựng là nhóm có nhu cầu lớn nhất trong suốt quá trình triển khai đầu tư xây dựng, khai thác vận hành dự án với nhu cầu lúc cao điểm lên đến khoảng 180.000 - 240.000 nhân sự. Thời kỳ cao điểm cần huy động tới 15.000 - 20.000 kỹ sư (chủ yếu là kỹ sư xây dựng, làm việc trên các công trường dự án, trong đó khoảng 20 - 30% số kỹ sư chuyên ngành đường sắt và đường sắt tốc độ cao).

Nhu cầu nhân lực vận hành, khai thác phụ thuộc rất lớn vào quy trình, công nghệ và công suất khai thác. Nghiên cứu tiền khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và Đề án Tái cơ cấu Đường sắt Việt Nam đã xây dựng vị trí việc làm, dự kiến nhân lực vận hành, khai thác cho 2 đoạn tuyến Hà Nội - Vinh và TP Hồ Chí Minh - Nha Trang năm 2032 - 2033 là gần 6.000 lao động; đoạn Vinh - Nha Trang năm 2035 - 2036 là gần 8.000 lao động.

Trong khi đó, nhân sự metro Hà Nội và TP Hồ chí Minh còn rất thiếu và chưa bảo đảm năng lực của đội ngũ nhân sự trực tiếp tham gia vận hành.
Theo ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, nguồn nhân lực đường sắt của nước ta mới chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản của hệ thống đường sắt hiện hữu. Với nhu cầu phát triển của ngành đường sắt trong thời gian tới, Nhà nước cần có các chính sách phù hợp để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ở nhiều mảng hoạt động như quản lý, xây dựng, khai thác - vận hành…

Toàn bộ nhân lực xây dựng, vận hành các tuyến đường sắt mới, đặc biệt là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đều phải qua đào tạo cơ bản với trình độ đại học trở lên.

Chủ động đi trước, đón đầu

Hiện cả nước có 4 trường đại học có truyền thống đào tạo các ngành liên quan đến vận hành, khai thác đường sắt là Trường Đại học Giao thông Vận tải, Trường Đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho hay, từ năm 2008 trường đã bắt đầu đào tạo ngành đường sắt metro.

Những năm qua, trường đã trực tiếp và cử nhiều đoàn công tác đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Âu để tìm hiểu về đường sắt tốc độ cao. Đây chính là thời điểm chín muồi nhất để nhà trường bắt đầu đào tạo về đường sắt tốc độ cao.

Để tận dụng tối ưu các lợi thế sẵn có, trường sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi từ các quốc gia tiên tiến và tiếp thu những bài học thực tiễn từ các dự án tương tự. Sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng sẽ tạo cơ hội trải nghiệm thực tế, qua đó hỗ trợ quá trình chuyển giao công nghệ và ứng dụng hiệu quả vào hệ thống giao thông hiện đại của Việt Nam.

Cũng từ việc nắm bắt thời cơ phát triển đường sắt, giữa tháng 10/2024, Trường Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đã thành lập Viện Đường sắt tốc độ cao để chuẩn bị nguồn nhân lực cho các dự án sắp tới.

Để có cơ sở bắt kịp xu hướng công nghệ, kỹ thuật và thực tiễn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, trường đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế với các cơ sở nghiên cứu, trường đại học lớn có kinh nghiệm đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực đường sắt, đường sắt tốc độ cao; đồng thời cử giảng viên tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn tại các quốc gia có nền đường sắt cao tốc phát triển như Nhật Bản, Đức, Pháp, Trung Quốc, và Tây Ban Nha; cập nhật tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế để sinh viên có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước; hợp tác với các DN trong và ngoài nước để giảng viên được thực hành và cập nhật công nghệ mới nhất.

Cùng với đó, trường cũng thành lập nhóm nghiên cứu, chuyên môn về đường sắt, đường sắt tốc độ cao, tổ chức các hội thảo quốc tế và chương trình trao đổi học thuật để sinh viên và giảng viên tiếp cận kiến thức tiên tiến…

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Giao thông Vận tải, thông tin: thời gian qua, trường đã chủ động đổi mới chương trình đào tạo, liên kết với các trường để chủ động đào tạo nguồn nhân lực cho ngành đường sắt. Đối với chương trình đại trà, nhà trường đã xây dựng chương trình kỹ sư đường sắt bao gồm: kỹ thuật xây dựng chương trình đường sắt; kỹ thuật điều khiển đường sắt; phương tiện đường sắt…

Khi dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam được Quốc hội thông qua, nhà trường đã nghiên cứu để xây dựng chương trình đào tạo cho phù hợp, tổ chức các lớp học bồi dưỡng, đào tạo bằng đại học thứ 2 cho các khối ngành kỹ thuật; tổ chức các chương trình liên kết đào tạo.

Đường sắt hiện đại (tốc độ cao, đường sắt đô thị) là ngành nghề hấp dẫn với triển vọng việc làm cao trong một vài năm tới ở nước ta. Trước yêu cầu thực tiễn, các cơ sở đào tạo ngành giao thông, đường sắt đang tích cực đổi mới chương trình, tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút tuyển sinh. Nhằm tăng sức hấp dẫn cho ngành học, mới đây, một số chuyên gia đề xuất nhiều ưu đãi với sinh viên theo học ngành này, như miễn 100% học phí nếu đạt học lực giỏi, giảm 50% học phí nếu đạt học lực khá.

Trong mùa tuyển sinh năm 2025, Trường Đại học Giao thông Vận tải mở mới 7 chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao. Các chương trình này có tham khảo và tiếp thu những mô hình đào tạo tiên tiến từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc; tích hợp công nghệ 4.0, IoT, trí tuệ nhân tạo (AI),... giải mã các công nghệ cốt lõi trong lĩnh vực đường sắt; tăng cường thời lượng thực tập, thí nghiệm và thực nghiệm; được thiết kế theo định hướng thực tiễn, bảo đảm sinh viên tốt nghiệp có năng lực làm việc ngay, sẵn sàng tham gia và đóng góp hiệu quả vào các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, dự kiến khởi công vào tháng 12/2026.

Tuyển sinh 2025: nhiều tổ hợp và ngành học mới

Tuyển sinh 2025: nhiều tổ hợp và ngành học mới

An toàn thông tin - ngành học được săn đón

An toàn thông tin - ngành học được săn đón

Sinh viên báo chí lo lắng tìm việc làm đúng ngành học

Sinh viên báo chí lo lắng tìm việc làm đúng ngành học

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Chọn ngành Công nghệ ô tô, không lo bị AI thay thế?

Chọn ngành Công nghệ ô tô, không lo bị AI thay thế?

22 Mar, 09:25 AM

Kinhtedothi - Mùa tuyển sinh cao đẳng, đại học năm 2025 đã bắt đầu. Bên cạnh việc chọn những ngành học mới, nhiều học sinh, phụ huynh quan tâm đến ngành/nghề Công nghệ ô tô do các trường cao đẳng đào tạo để có nhiều cơ hội việc làm lại không bị trí tuệ nhân tạo (AI) thay thế.

Nhiều học sinh đăng ký dự tuyển sớm Chương trình 9+

Nhiều học sinh đăng ký dự tuyển sớm Chương trình 9+

08 Mar, 04:23 PM

Kinhtedothi - Còn 3 tháng nữa mới tới Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Hà Nội năm 2025 nhưng hiện nay nhiều phụ huynh và học sinh lớp 9 đến các trường cao đẳng tìm hiểu thông tin, đăng ký dự tuyển sớm Chương trình 9+ .

Mỹ thuật đô thị - ngành của người trẻ yêu nghệ thuật, mê sáng tạo

Mỹ thuật đô thị - ngành của người trẻ yêu nghệ thuật, mê sáng tạo

01 Mar, 04:09 PM

Kinhtedothi - Mỹ thuật đô thị là ngành học còn khá mới mẻ nhưng có nhiều triển vọng và sức hút với giới trẻ. Trong bối cảnh đô thị phát triển như Việt Nam hiện nay, đây là ngành học đầy hứa hẹn, không chỉ về cơ hội việc làm mà còn mang đến những trải nghiệm thú vị.

Ngành du lịch nhiều cơ hội việc làm

Ngành du lịch nhiều cơ hội việc làm

24 Feb, 02:52 PM

Kinhtedothi - Du lịch Việt Nam đang là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Cùng với tiềm năng phát triển ngành du lịch, cũng như xu hướng chuyển đổi số và nhu cầu của khách thay đổi nên các DN du lịch đang rất cần bổ sung nhiều nhân lực mới.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ