Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành du lịch nhiều cơ hội việc làm

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Du lịch Việt Nam đang là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Cùng với tiềm năng phát triển ngành du lịch, cũng như xu hướng chuyển đổi số và nhu cầu của khách thay đổi nên các DN du lịch đang rất cần bổ sung nhiều nhân lực mới.

Học sinh có nhiều lựa chọn học ngành du lịch

Lĩnh vực du lịch rất rộng nhưng được các chuyên gia trong ngành chia làm ba nhóm ngành, bao gồm khách sạn, nhà hàng và lữ hành. Hiện nay, ba nhóm ngành này đều có nhu cầu tuyển dụng lao động với mức thu nhập rất tốt, cơ hội việc làm nhiều.

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực ngành du lịch, hiện nay, bên cạnh các trường đại học thì nhiều trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn cả nước đã mở các ngành/nghề liên quan.

Tại Hà Nội, nhiều trường mở và đào tạo ngành nghề du lịch như: Cao đẳng Du lịch Hà Nội; Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội; Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội; Trung cấp Du lịch Hà Nội; Trung cấp nghề Nấu ăn, Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội; Trung cấp nghề Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long...

Chia sẻ thông tin xu hướng tuyển sinh năm 2025, thầy Nguyễn Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội cho rằng: một số ngành về du lịch như Quản trị du lịch - lữ hành, Kỹ thuật chế biến món ăn vẫn có xu hướng tuyển sinh tốt.

Trong xu thế hiện nay, Việt Nam có kinh tế phát triển rất tốt và có mối quan hệ rất tốt với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Vì thế, các khách du lịch trong và ngoài nước đến Việt Nam rất đông nên yêu cầu ngành du lịch cũng phải nâng cao chất lượng về cơ sở lưu trú, nhà hàng, các hoạt động văn hóa - xã hội... Do đó, nguồn nhân lực du lịch cũng phải được đào tạo một cách bài bản và theo xu hướng để đáp ứng nhu cầu du khách.

Học sinh Trường Trung cấp Du lịch Hà Nội thực hành pha chế đồ uống. Ảnh: Trần Oanh
Học sinh Trường Trung cấp Du lịch Hà Nội thực hành pha chế đồ uống. Ảnh: Trần Oanh

Thời điểm này, nhiều trường đào tạo nghề đã thông tin chi tiết về kế hoạch và phương án tuyển sinh năm 2025 cho từng ngành nghề, trong đó có ngành du lịch. Năm 2025, Trường Trung cấp Du lịch Hà Nội tuyển sinh các ngành du lịch theo hai phương án.

Phương án thứ nhất, nhà trường xét tuyển dựa vào kết quả rèn luyện và học tập của học sinh tại cấp THCS, được triển khai sớm vào đầu tháng 3 với 80% chỉ tiêu. Phương án 2, nhà trường sử dụng kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm 2024 - 2025, sẽ được thực hiện vào tháng 7, sau khi có kết quả thi vào lớp 10 của các trường, với 20% chỉ tiêu.

Cô Nguyễn Hồng Hạnh là Phó Trưởng phòng Đào tạo - Tuyển sinh Trường Trung cấp Du lịch Hà Nội cho biết, hiện nay nhà trường đang đào tạo 7 chuyên ngành chính, chia làm 2 khoa là khoa Khách sạn gồm có Nghiệp vụ Nhà hàng, Kỹ thuật chế biến món ăn, Quản trị khách sạn và khoa Lữ hành bao gồm Hướng dẫn du lịch và Quản trị khách sạn.

Đối với các ngành khối khách sạn, nhà trường có hệ thống những phòng học thực hành theo tiêu chuẩn của khách sạn 4 sao. Đối với khối ngành du lịch, ngoài việc thực hành, thuyết trình tại lớp, các em còn được đi tour thực tế một số tuyến điểm du lịch nổi tiếng tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Cơ hội trải nghiệm thực tế

Trước yêu cầu thị trường du lịch ngày càng nâng cao chất lượng, có thêm các loại khách mới cũng như sản phẩm du lịch đa dạng nên các trường đào tạo nhân lực đã có sự điều chỉnh về chương trình đào tạo để đáp ứng sự đổi mới trong lĩnh vực này.

Theo thông tin từ Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng và Thương mại Du lịch Hà Nội Nguyễn Hiếu, hằng năm, nhà trường bổ sung, cập nhật kiến thức vào các môn học. Cứ 2 - 3 năm, nhà trường chỉnh sửa chương trình khung một lần và đều có sự tham gia của DN để đáp ứng ngay yêu cầu thực tế của thị trường du lịch.

Ngoài ra, nhà trường cũng đưa vào chương trình đào tạo môn học kỹ năng mềm (sẵn sàng làm việc, hoàn thiện bản thân, làm việc nhóm...) để phục vụ cho công việc sau này. Nhà trường luôn có những mối quan hệ tốt với DN để học sinh được đến thực tập và có cơ hội làm việc sau khi tốt nghiệp ra trường.

Hiện nay, ngành du lịch, ở các bộ phận buồng, phòng, bar, điều hành tour, hướng dẫn viên... đều có tính thực hành cao. Từ quan điểm này, ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Công ty CP Flamingo Redtour cho rằng, khi các trường tổ chức đào tạo thì phải xây dựng nội dung chương trình sát với thực tế hơn. Các trường bớt đào tạo những vấn đề chung chung mà đi vào nội dung cụ thể đối với từng vị trí việc làm.

Vì ngành du lịch có tính thực hành cao thì chương trình đào tạo nên có tỷ lệ 30% lý thuyết và 70% thực hành. Đã là thực hành thì nhà trường gắn với cơ sở sản xuất, nhà hàng, khách sạn, công ty để người học được rèn kỹ năng và tiếp cận thực tế.

Hơn nữa, hiện nay, chúng ta đang theo xu hướng số hóa và ứng dụng AI. Vì thế, các trường có ngành du lịch cần đào tạo cho người học có định hướng trong tương lai, để khi ra trường bắt kịp được ngay với công việc.

“Các trường hướng dẫn sinh viên cách thức cập nhật công nghệ, vì đấy là yêu cầu đối với khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên. Kể cả bộ phận buồng, bar bây giờ tự động hóa rất nhiều. Các nhà hàng cũng ứng dụng AI nên đối với nhiều khách hàng, bữa ăn là sự trải nghiệm” - ông Nguyễn Công Hoan nhấn mạnh.

Đi vào thực tế, bây giờ hướng dẫn viên du lịch phải là chuyên gia có kiến thức về điểm đến sâu hơn du khách biết. Hướng dẫn viên cũng phải là chuyên gia tâm lý bởi đối tượng khách hàng khác nhau có nhu cầu không giống nhau. Vì thế hướng dẫn viên phải cảm nhận được khách hàng cần cái gì để hỗ trợ kịp thời.

Hiện nay, bên cạnh những sản phẩm du lịch thông thường thì những dòng sản phẩm đặc biệt như du lịch gắn với nghệ thuật, du lịch gắn với sức khỏe, du lịch gắn với trải nghiệm... thì người hướng dẫn viên phải là chuyên gia tư vấn cho khách. Hay, đối với những đoàn khách đông người khi đi du lịch có sự kiện, hoạt động trải nghiệm thì lúc đó hướng dẫn viên còn đóng vai trò quản trị sự kiện.

Hiện nay, ngành du lịch đang rất thiếu nhân lực ở nhiều vị trí như nhân viên điều hành tour, hướng dẫn viên, nhân viên xây dựng sản phẩm... Mức thu nhập của những người làm du lịch rất khá, cụ thể như hướng dẫn viên đi tour du lịch trong nước có thu nhập 800.000 - 1.000.000 đồng/ngày, công tác phí đi tour du lịch nước ngoài 40 - 60 euro/ngày, chưa kể tiền tip.

Đối với vị trí chuyên gia du lịch thì mức thu nhập cao hơn rất nhiều. Do đó, những học sinh yêu thích du lịch thì có thể đăng ký xét tuyển vào các trường trung cấp, cao đẳng, đại học để có cơ hội được khám phá, trải nghiệm ngành nghề thú vị này.

 

Nội dung ở đây của phụ huynh khi tìm hiểu chương trình hệ 9+ (vừa học văn hóa THPT hệ giáo dục thường xuyên, vừa học nghề trình độ trung cấp) khi tốt nghiệp có đi làm được ngay, cô Nguyễn Hồng Hạnh là Phó Trưởng phòng Đào tạo - Tuyển sinh Trường Trung cấp Du lịch Hà Nội phản hồi: về chương trình văn hóa, các em được giảm tải học 7 môn; chương trình học nghề có 70% thời gian thực hành nghề theo phương châm cầm tay chỉ việc nên học sinh nắm bắt được ngay nội dung trên lớp.

Với phương pháp đào tạo này, đến giữa năm lớp 11, học sinh đã vững chuyên môn nghề, có thể thực tập và làm thêm tại hệ thống các nhà hàng, khách sạn mà trường đang hợp tác.