An toàn thực phẩm còn nhiều nỗi lo

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chỉ trong vòng 1 tháng, gần 2.400 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) đã bị các cơ quan chức năng của Hà Nội xử lý. Kết quả giám sát cho thấy, trong tình hình mới, ATTP vẫn tiềm ẩn nhiều mối lo đối với sức khoẻ của người dân.

Đoàn liên ngành TP Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại một trường mầm non tại huyện Phú Xuyên vào tháng 5-2023. Ảnh: Lâm Nguyễn
Đoàn liên ngành TP Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại một trường mầm non tại huyện Phú Xuyên vào tháng 5-2023. Ảnh: Lâm Nguyễn

Tịch thu giấy chứng nhận của 12 cơ sở

Triển khai Tháng hành động Vì ATTP năm 2023, 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã thành lập 699 đoàn thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất - kinh doanh nông sản, thực phẩm. Trong hơn 1 tháng qua, các đoàn đã tiến hành giám sát đối với 16.275 cơ sở. Trong số hơn 16.000 cơ sở được thanh, kiểm tra, các đoàn ghi nhận có 13.893 cơ sở đạt các điều kiện về sản xuất - kinh doanh an toàn (chiếm tỷ lệ 85,3%); 2.382 cơ sở còn lại chưa bảo đảm các điều kiện ATTP theo quy định.

Kết quả giám sát cho thấy, số lượng cơ sở vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP chiếm đa số với 1.457 cơ sở. Cơ quan chức năng cũng đã tiến hành tịch thu Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với 12 cơ sở. 50 loại sản phẩm không đảm bảo an toàn của 254 cơ sở đã bị tiêu hủy. Ngoài 40 cơ sở bị đình chỉ; các đoàn liên ngành tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã nhắc nhở đối với 619 cơ sở. Các thiếu sót, tồn tại chủ yếu là người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đeo khẩu trang đúng quy cách, không cắt móng tay hoặc đeo đồ trang sức...

 

Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về ATTP, kiến nghị cơ quan chức năng cần quản lý tốt các hình thức kinh doanh online. Các hình thức này hiện phát triển rất mạnh, song còn thiếu các hướng dẫn và chế tài quản lý dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP.
Phó Chủ tịch UBND quận
Long Biên Đinh Thị Thu Hương

 

Bên cạnh thanh, kiểm tra, công tác xét nghiệm mẫu thực phẩm cũng cho thấy những nỗi lo đối với vấn đề ATTP. Số liệu từ Ban Chỉ đạo ATTP TP Hà Nội cho thấy, trong tổng số 120 mẫu được lấy xét nghiệm, vẫn có 5 mẫu không đảm bảo an toàn đối với các chỉ tiêu phân tích. Cơ quan chức năng cũng tiến hành đánh giá sàng lọc chất lượng an toàn của thực phẩm và chế độ vệ sinh dụng cụ với 18.374 mẫu; trong đó, 16.979 mẫu đạt các điều kiện an toàn, chiếm tỷ lệ 92,4%. Đáng chú ý, trong số những mẫu không đạt quy định, có nhiều sản phẩm còn tồn dư hoá chất bảo vệ thực vật.

Không nương tay với vi phạm

Đánh giá chung của Ban Chỉ đạo ATTP TP Hà Nội cho thấy, việc triển khai Tháng hành động Vì ATTP năm 2023 đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Một số địa phương, ngành lĩnh vực đã có nhiều cách làm mới về quản lý ATTP như nhân rộng tuyến phố ATTP có kiểm soát, xây dựng các chuỗi giá trị về ATTP, chợ đảm bảo ATTP...

Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông được đẩy mạnh tới từng người dân thông qua các phương tiện thông tin truyền thông, đài phát thanh, băng rôn, khẩu hiệu. Đặc biệt, trong Tháng hành động vì ATTP năm 2023, Hà Nội không ghi nhận trường hợp nào bị ngộ độc thực phẩm.

Mặc dù vậy, có một khó khăn chung, hiện hữu trong các đợt giám sát ATTP của các đoàn liên ngành TP. Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Hà Nội Hà Tiến Nghi đánh giá, một bộ phận cơ sở sản xuất - kinh doanh có ý thức chưa cao trong thực hiện các quy định về ATTP, còn chạy theo lợi nhuận trước mắt mà thực hiện các hành vi không đảm bảo an toàn.

Nông sản, thực phẩm chủ yếu được tiêu thụ qua các phương thức truyền thống như chợ đầu mối, chợ dân sinh… Thói quen tiêu dùng của người dân vẫn sử dụng thực phẩm bán hàng rong không cố định, chưa quan tâm nhiều đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm nên chưa đẩy mạnh được đầu tư vào sản xuất - kinh doanh thực phẩm an toàn, từ đó khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thực tế công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP, ngay cả trong Tháng hành động vì ATTP năm 2023 vẫn còn hạn chế. Một số địa phương chưa quyết liệt, chủ yếu vẫn là nhắc nhở nên tình trạng vi phạm vẫn còn, đặc biệt là ở tuyến xã, phường.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, hiện nay Hà Nội còn thiếu các DN lớn có năng lực, kinh nghiệm đầu tư vào nông nghiệp. Do đó, đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục quan tâm, giới thiệu các DN lớn, có năng lực đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, giết mổ, chế biến, xây dựng chợ đầu mối nông sản, tiến tới chuẩn hoá quy trình sản xuất, cung ứng các loại thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng Thủ đô.

        

 

 

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần