An toàn vệ sinh thực phẩm: Nỗi lo mùa lễ hội

Nhóm phóng viên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, song vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) tại các lễ hội đầu năm trên địa bàn Hà Nội vẫn là nỗi lo thường trực, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) hoành hành.

Một cửa hàng bày bán thịt động vật hoang dã tại chùa Hương không tuân thủ việc bảo quản thực phẩm tươi sống trong tủ chuyên dụng. Ảnh: Ngọc Tú
Nhiều hàng quán mất vệ sinh… khách vẫn “vô tư” ăn
Qua khảo sát tại một số lễ hội vừa khai mạc đầu Xuân 2020, phóng viên Kinh tế & Đô thị nhận thấy, việc bảo đảm ATTP của các chủ hộ kinh doanh vẫn còn nhiều tồn tại. Đơn cử, tại Lễ hội chùa Hương, huyện Mỹ Đức, năm nay, Ban Tổ chức lễ hội đã có nhiều nỗ lực, đổi mới để bảo đảm lễ hội diễn ra an toàn, văn minh nhưng đâu đó vẫn còn những hình ảnh phản cảm dọc suối Yến đến chùa Thiên Trù.
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tại chân bến Thiên Trù, các cửa hàng vẫn bày bán công khai thịt động vật hoang dã. Đáng chú ý, các mặt hàng thịt sống này được bày bán ngay dưới lòng đường, không tuân thủ việc bảo quản thực phẩm tươi sống trong tủ chuyên dụng, trông rất mất vệ sinh thực phẩm. Chưa kể, người bán các hàng ăn quà vặt thường hành nghề rất thô sơ, chỉ cần một chiếc thùng xốp nhỏ đặt sau xe đạp là có thể trở thành một quầy xúc xích, bánh tráng trộn di động mà thiếu các điều kiện đảm bảo vệ sinh theo quy định. Thậm chí, nhiều người bốc thực phẩm chín không dùng găng tay, thực khách vẫn “vô tư” ăn.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, người dân cần đảm bảo ATTP để giảm nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó, người dân chỉ sử dụng các loại thực phẩm được nấu chín và đảm bảo ATTP. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Tránh tiếp xúc quá gần với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã, dù là động vật sống, bị ốm hay đã chết… Tránh đi lại, du lịch nếu có các triệu chứng sốt, ho. Đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng trên.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung
Tương tự, tại Phủ Tây Hồ, phường Quảng An (quận Tây Hồ), hàng ăn hai bên đường được bố trí ngăn nắp, sạch sẽ nhưng vẫn xảy ra tình trạng nhiều hàng, quán ăn không tuân thủ quy định ATTP. Cụ thể, thực phẩm tươi sống không để trong tủ chuyên dụng, thực phẩm chín không để trong tủ kính. Dịp Tết, lượng khách đổ về Phủ Tây Hồ luôn ở mức quá tải nên nơi đây lúc nào cũng trong tình trạng thực khách vô tư xả rác bừa bãi, thức ăn thừa, giấy ăn vứt ngay xuống nền đất. Mặc dù UBND phường Quảng An đã yêu cầu các hộ kinh doanh thực hiện cam kết đảm bảo ATTP, nhiều hộ đã có tủ kính để bày thực phẩm nhưng khi khách đông thì bánh tôm, bún ốc được phơi trần ngay bên lề đường mặc kệ bụi đường, ruồi nhặng.
Trong khi, khu ẩm thực của Hội chữ Xuân 2020 ở góc trái của Hồ Văn (thuộc Văn Miếu - Quốc Tử Giám), thực khách “mãn nhãn” với các món bún ốc, cháo sườn, các loại bánh bao, bánh đúc... Tuy nhiên, hơn 10 hàng quán tại đây không che đậy thực phẩm chín, từ ốc đến riêu cua… đều đựng bát, khay bày bên vệ đường. Đặc biệt, các hàng ăn chủ yếu sử dụng bát nhựa, thìa nhựa dùng một lần. Người bán hàng có đeo găng tay nhưng khi nhận tiền, chế biến món ăn, bốc thực phẩm chín đều đeo chung găng tay, trông rất mất vệ sinh.
Xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, sau Tết là thời điểm tổ chức lễ hội nên tình trạng vệ sinh ATTP rất phức tạp, khó kiểm soát, nhất là thức ăn đường phố. Người bán thức ăn đường phố chỉ mang tính chất thời vụ nên nhiều loại thực phẩm được sản xuất, chế biến không chuyên nghiệp, không đăng ký kinh doanh, không công bố chất lượng nên sản phẩm khó có thể đảm bảo chất lượng.
Để đảm bảo ATTP phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và Lễ hội Xuân 2020, ngay từ tháng 12/2019, TP, các quận huyện, thị xã đã thành lập đoàn thanh, kiểm tra liên ngành VSATTP. Theo đó, các cấp, ngành trực thuộc TP đã đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm, tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết và lễ hội năm 2020, thời gian từ ngày 15/12/2019 đến hết ngày 25/3/2020.
Ngay sau Tết Nguyên đán, Sở Y tế và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm ATTP tại các địa phương có tổ chức lễ hội, thu hút nhiều du khách tham dự, tập trung tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ chế biến thực phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn VSATTP cho người tiêu dùng, đình chỉ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Kiểm soát nguồn gốc và chất lượng thực phẩm tại các chợ, siêu thị, chuẩn bị hàng thực phẩm bình ổn giá phục vụ Tết, hạn chế tối đa thực phẩm giả, sản phẩm không đảm bảo VSATTP lưu thông trên thị trường. Triển khai giám sát kiểm nghiệm một số sản phẩm người dân sử dụng nhiều trong dịp Tết như nước mắm, ô mai, giò chả... và tăng cường kiểm tra các cửa hàng làm công tác dịch vụ tổ chức liên hoan...
Qua kiểm tra ATTP dịp trước Tết đến nay, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung đánh giá, công tác ATTP cơ bản đã có nhiều chuyển biến tích cực. Điều đáng nói, trong 7 ngày nghỉ Tết, trên địa bàn TP không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, do tính chất thời vụ nên việc kinh doanh mặt hàng ăn uống tại các cơ sở vẫn tạm bợ, lộn xộn, tình trạng mất ATTP vẫn diễn ra. “Mùa lễ hội chỉ mới bắt đầu, Đoàn kiểm tra ATTP của TP sẽ tiếp tục kiểm tra thực phẩm tại các địa phương có lễ hội, nếu cơ sở nào vi phạm, sẽ bị xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe” - ông Chung khẳng định.
Sau Tết Nguyên đán, lượng du khách đến các khu du lịch, lễ hội ở Hà Nội tăng cao. Vì vậy, Sở Y tế khuyến cáo, du khách không nên sử dụng thực phẩm ở những hàng quán tạm bợ, gần cống rãnh, không có tủ kính, người chế biến thực phẩm không đeo găng tay. Việc đảm bảo ATTP trước hết phải đến từ chính những người dân. Người dân nếu tiếp tục sử dụng những sản phẩm không đảm bảo ATTP, không rõ nguồn gốc, vô tình tiếp tay cho vi phạm.