Washington bị đốt cháy - năm 1812: Trong cuộc chiến Chống quân Anh năm 1812, quân đội xâm lược đã tiến vào thủ đô Washington và đốt cháy Điện Capitol của Mỹ vào ngày 24/8/1814. Các binh lính Anh cũng đốt dinh thự của Tổng thống và nhiều địa danh khác tại đây bằng đuốc và thuốc súng, khiến thành phố lúc bấy giờ trở nên hoang tàn. Cuối cùng, một trận mưa xối xả đã ''cứu'' Washington.DC. |
Đấu đá chính trị: Washington cũng chứng kiến một danh sách dài các sự kiện bạo lực chính trị, do các chính trị gia chống lại nhau. Điển hình, năm 1854, một cuộc đụng độ bằng súng gần như đã xảy ra trên mái nhà Điện Capitol. Các cuộc đấu đá chính trị thậm chí đã bắt đầu ngay cả trước khi Quốc hội Mỹ chuyển đến Washington.DC. Chẳng hạn, năm 1798, tại Hội trường Quốc hội Philadelphia, Hạ nghị sĩ Roger Griswold của Connecticut đã nổi điên sau khi bị Hạ nghị sĩ Matthew Lyon của Vermont gẩy tàn thuốc vào người, kéo theo một cuộc chiến đã nổ ra khi mỗi thành viên của 2 bên đều trang bị vũ khí như gậy hoặc kẹp lửa. |
Đánh bom tại Thượng viện - năm 1915: Vào ngày 2/7/1915, Eric Muenter, một cựu giáo sư người Đức tại ĐH Harvard, đã đột nhập vào Phòng tiếp tân của Thượng viện và để lại 3 que thuốc nổ. Trên thực tế, Muenter muốn cho nổ Phòng Thượng viện nhưng phòng đó đã bị khóa, vì vậy người này đã để vật liệu nổ ở phòng bên cạnh. Bom đã phát nổ ngay trước nửa đêm và may mắn không ai bị thương. Muenter biện minh hành động của mình là 'một lời kêu gọi hòa bình' trong Thế chiến I. Sau một vụ ám sát nhằm vào JP Morgan, Muenter bị bỏ tù và sau đó tự kết liễu đời mình. |
Cựu binh Thế chiến I biểu tình - năm 1932: Sau Thế chiến I, khoảng 25.000 cựu binh Mỹ đã tụ tập bên ngoài Quốc hội vào năm 1932 để cố gắng đòi một khoản tiền thưởng đã được hứa hẹn trong luật trước đó. Theo luật này, tiền thưởng được lên kế hoạch phân bổ vào năm 1945, nhưng cuộc suy thoái lúc bấy giờ khiến các cựu binh rất cần tiền. Một phần thưởng cấp tốc đã được Hạ viện thông qua, nhưng bị chặn bởi Thượng viện lúc bấy giờ, khiến những người biểu tình thất vọng, một số ít không chịu bỏ cuộc đã dựng trại gần Đồi Capitol. 1 tháng sau, quân đội liên bang có vũ trang đã đốt cháy và xông vào các trại cựu chiến binh, giết chết và làm bị thương nhiều người. |
Weather Underground đặt bom - năm 1970: Vào đầu những năm 1970, nhóm phản đối Chiến tranh Việt Nam được gọi là Weather Underground đã chôn rải rác loạt chất nổ quanh thủ đô Washington. Nhóm này cũng cho nổ ở một số thành phố lớn khác của Mỹ. 3 thành viên sáng lập Weather Underground đã vô tình tự nổ vào năm 1970 khi đang chế tạo bom ở New York. |
Người ly khai Puerto Rico xả súng - năm 1954: Vào ngày 1/3/1954, 4 người ly khai Puerto Rico đã tiến vào Hạ viện ngay trước thềm một cuộc bỏ phiếu. Là một phần của đảng Quốc gia Puerto Rico, những cá nhân này muốn Puerto Rico độc lập, không còn là lãnh thổ của Mỹ. Chiều cùng ngày, những người theo chủ nghĩa dân tộc Puerto Rico có trang bị súng ngắn đã xả súng vào Hạ viện, làm bị thương 5 dân biểu. Cả 4 kẻ tấn công sau đó bị bắt sống. |
Đánh bom tại Điện Capitol - năm 1983: Vào tháng 11/1983, một quả bom đã xé toạc cánh phía Bắc của Điện Capitol. Ngay trước khi vụ nổ xảy ra, một người gọi điện tự xưng là thành viên của 'Đơn vị kháng chiến có vũ trang' cho biết, quả bom đã được đặt để phản đối các hành động quân sự của Mỹ ở Grenada và Lebanon. Vụ nổ đã gây thiệt hại 250.000USD nhưng không khiến ai bị thương. Sau cuộc điều tra kéo dài 5 năm, 6 người bị xét là nghi phạm đứng sau vụ tấn công đã bị kết án. Chính từ vụ đánh bom này, an ninh Điện Capitol đã được tăng cường hơn. Khu vực bên ngoài Phòng Thượng viện trước đó vốn được mở cửa cho công chúng tham quan nhưng đã bị hạn chế kể từ sau vụ việc. |
Tấn công Điện Capitol khiến 2 người chết - năm 1998: Vào tháng 7/1998, một kẻ tấn công có vũ trang đã phá vỡ hệ thống an ninh và lao về phía văn phòng của Hạ nghị sĩ Tom DeLay của Texas. Trong nỗ lực ngăn chặn kẻ tấn công, 2 sĩ quan cảnh sát Capitol đã chết trong lúc làm nhiệm vụ. Tay súng Russell Eugene Weston Jr - người được chẩn đoán mắc chứng tâm thần phân liệt hoang tưởng - không đủ khả năng để hầu tòa, hiện vẫn đang bị giam giữ tại một trung tâm y tế liên bang. |
Khủng bố 11/9 và khuẩn bệnh than - năm 2001: Vào ngày 11/9/2001, nước Mỹ chứng kiến thảm kịch không thể quên, khi những kẻ khủng bố cướp máy bay thương mại và lao vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, và Lầu Năm Góc ở Arlington, Virginia. 1 chiếc máy bay khác, được gọi là United Airlines Flight 93, đã rơi ở Pennsylvania trước khi nó đạt được mục tiêu dự định là tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ngay sau đó, vi khuẩn bệnh than chết người đã được tìm thấy trên Đồi Capitol, bao gồm cả trong văn phòng của Lãnh đạo Đa số Thượng viện lúc bấy giờ Tom Daschle. |
Đám đông tấn công Điện Capitol - năm 2021: Vào ngày 6/1 vừa qua, những người ủng hộ Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump đã xông vào Điện Capitol, khi Thượng viện đang tranh luận về số phiếu đại cử tri đoàn dự kiến sẽ chứng nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Nhóm ủng hộ ông Trump đã tấn công cảnh sát, khiến Thượng viện phải tạm ngừng đột xuất. Hạ nghị sĩ Dan Kildee của Michigan đã tweet: 'Tôi đang ở trong Hạ viện. Chúng tôi được hướng dẫn nằm xuống sàn và đeo mặt nạ phòng độc. An ninh buồng và Cảnh sát Capitol đã rút súng khi những người biểu tình đập vào cửa trước của căn phòng. Đây không phải là một cuộc biểu tình. Đây là một cuộc tấn công vào nước Mỹ'. Trong lúc hỗn loạn, 1 phụ nữ bị bắn tử vong. Ít nhất 3 người khác được cho đã chết tại cơ sở y tế. |