Anh ấn định ngày trưng cầu Brexit: Vị đắng của chiến thắng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả hội nghị cấp cao vừa rồi được cả Liên minh châu Âu (EU) lẫn thủ tướng Anh David Cameron coi là thắng lợi và làm họ đều hài lòng. Trên danh nghĩa và biểu hiện ra bên ngoài thì nhìn nhận và cảm nhận như thế không phải không có cơ sở.

Một trong những mục đích chính của hội nghị cấp cao này là đàm phán về những yêu sách của ông Cameron đối với EU liên quan đến việc nước Anh tiếp tục ở lại trong hay sẽ rời bỏ đội ngũ của EU.
Anh ấn định ngày trưng cầu Brexit:  Vị đắng của chiến thắng - Ảnh 1
Sau hai ngày thương thảo, lãnh đạo EU và ông Cameron cuối cùng cũng đã đạt được thoả thuận, tức là EU đáp ứng những yêu sách và điều kiện của ông Cameron đến mức đủ để vị thủ tướng này thuyết phục cử tri trên đảo quốc trong cuộc trưng cầu dân ý tổ chức vào ngày 23/6 tới bỏ phiếu ủng hộ việc nước Anh tiếp tục là thành viên EU. Hai bên gặp nhau ở chỗ đều không có sự lựa chọn nào khác ngoài phải cùng nhau đi tới thoả thuận để giữ nước Anh trong EU.

Nhưng chỉ như vậy thôi lại chưa đủ để đảm bảo là cơn ác mộng mang tên gọi Brexit - ám chỉ kịch bản nước Anh ra khỏi EU - không trở thành hiện thực. Những gì mà ông Cameron giành được từ EU ở hội nghị cấp cao này mang tính  biểu trưng nhiều hơn là tác dụng thực tế. Chúng quá bé nhỏ nên không thể được coi là những cải cách cơ bản trong EU. Ở Anh, ông Cameron luôn quả quyết rằng sẽ đòi EU phải cải tổ cơ bản để nước Anh ở lại trong EU. Bây giờ, vị thủ tướng này sẽ không dễ dàng gì, nếu như không muốn nói là sẽ rất khó khăn, thuyết phục cử tri Anh tin rằng ông ta và nước Anh đã buộc EU phải thay đổi cơ bản và EU sau hội nghị cấp cao vừa rồi khác biệt cơ bản so với trước đó.
Anh ấn định ngày trưng cầu Brexit:  Vị đắng của chiến thắng - Ảnh 2
Đúng là EU dành cho nước Anh quy chế thành viên đặc biệt và trường hợp ngoại lệ, nhưng cái lợi mà nước Anh có được từ đó lại chỉ rất ít ỏi và hạn chế trong thời gian nhất định, ngoài ra chẳng khác gì trước đấy. Vì cử tri Anh trong mọi quyết định chính trị thường thiên về cảm tính chứ không để bị chi phối bởi lý trí nên hiện ở nước này và trong khắp EU chưa ai dám chắc họ sẽ phán quyết như thế nào trong cuộc trưng cầu dân ý tới.

Cả EU cũng không che giấu được cái cay đắng phía sau thoả thuận nói trên với ông Cameron. EU chấp nhận trả giá đắt nhưng cử tri Anh mới là người đưa ra quyết định. EU đã tạo tiền lệ về một thành viên có thể khống chế liên minh, tự phơi bày những yếu kém và bất cập về nội bộ, thể chế,  nguyên tắc tổ chức và hành động. Dẫu lần này có qua được chuyện Brexit thì cuộc khủng hoảng mới như thể đã được lập trình sẵn đối với EU.