[Ảnh] Bệnh nhân nhập viện Việt Đức do uống rượu, bia tiếp tục giảm

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 2 tuần Nghị định 100/2019/NĐ-CP đi vào cuộc sống, số ca tai nạn giao thông (TNGT) do sử dụng rượu, bia tại Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức đã giảm đáng kể.

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, Khoa Cấp cứu, BV Hữu nghị Việt Đức những ngày cận Tết Nguyên đán 2020 luôn tấp nập người qua lại. Bởi số bệnh nhân vào viện do tai nạn giao thông (TNGT) ngày càng đông. Tuy nhiên, số ca TNGT do sử dụng rượu, bia đã giảm dần.
Lượng bệnh nhân vào viện do TNGT ngày càng đông, tuy nhiên, ca bệnh nhân bị TNGT có nồng độ cồn trong máu đã giảm.
Thống kê của BV Việt Đức cho thấy, từ ngày 1/1/2020 đến ngày 12/1/2020, BV tiếp nhận 599 trường hợp nạn nhân bị TNGT. Trong đó, chỉ có 85 trường hợp TNGT có nồng độ cồn trong máu. Đáng chú ý, trong 1 tuần qua, không có bệnh nhân nào nhập viện vì TNGT do sử dụng rượu, bia. Con số này giảm so với cùng kỳ năm 2019 (tính từ 1/1/2019 đến 6/1/2019) với 49 bệnh nhân nhập viện có nồng độ cồn trong tổng số 324 bệnh nhân.
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Minh Đức - Khoa Điều trị theo yêu cầu, BV Việt Đức cho biết, sau khi Nghị định 100 có hiệu lực, tỷ lệ số ca bệnh nhân bị TNGT có nồng độ cồn trong máu đã giảm. Điều này cũng giúp cho tình hình trực cấp cứu của các bác sĩ tại BV đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân nặng vào cấp cứu tại BV vẫn còn, thậm chí có những trường hợp đa chấn thương, sốc đa chấn thương, chấn thương sọ não, hàm mặt, ngực, bụng, gẫy đa xương… Và rượu vẫn là nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng TNGT hiện nay.
“Sau Nghị định 100, ý thức của người dân được cải thiện rõ rệt. Những trường hợp uống rượu ra ngoài đường, đa số thuê người lái xe về. Tuy nhiên, vẫn có người tự đi xe bị TNGT do có nồng độ cồn trong máu. Nguyên nhân TNGT có thể do tự họ gây ra hoặc do người khác gây ra” - bác sĩ Đức nói.
Theo bác sĩ Đức, mức độ cồn trong máu cao sẽ ảnh hưởng đến tri giác. Thực tế, nhiều trường hợp vào viện gần như không có chi giác, thậm chí, gọi, cấu… nhưng bệnh nhân vẫn không biết gì.
“Đây là những trường hợp bệnh nhân nặng và khó đánh giá được các tổn thương khác bởi tri giác không có. Lúc này, không biết bệnh nhân có đau hay không? Mạch, huyết áp lại càng khó đo. Bởi khi say rượu, mạch thường rất nhanh, không biết tình trạng của bệnh nhân có bị mất máu hay không?. Đánh giá chung trên một bệnh nhân cho thấy, những trường hợp càng uống rượu nhiều, càng say nặng thì đánh giá tình trạng bệnh và xử lý cấp cứu bệnh nhân sẽ khó khăn hơn” - bác sĩ Đức cho hay.
Bác sĩ Hoàng Minh Đức cũng khẳng định, mỗi bác sĩ, mỗi người dân đều hoàn toàn ủng hộ Nghị định 100. Bởi từ khi Nghị định 100 đi vào thực tế, rõ ràng số ca cấp cứu vào BV đã giảm hẳn, đặc biệt, giảm nhiều trường hợp TNGT do dùng các chất kích thích xuất phát từ cồn. Điều này đã mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân, các y, bác sĩ của BV Việt Đức, nhất là những người dân, những người tham gia giao thông sẽ có một cái Tết an lành, hạnh phúc bên người thân mình hơn.
Vấn đề dùng rượu, bia là truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức, thói quen của người dân Việt Nam mỗi dịp Tết đến Xuân về. Trong khi, thời điểm gần Tết, số ca TNGT bao giờ cũng sẽ tăng hơn so với những ngày thường. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người dân không nên uống rượu nhiều vào ngày Tết. Nếu người dân đã có rượu, bia trong người, nên chấp hành đúng Luật Giao thông, không lái xe để tránh tai nạn cho những người khác và cho chính bản thân mình.
Thống kê của BV Việt Đức cho thấy, từ ngày 1/1/2020 đến ngày 12/1/2020, BV tiếp nhận 599 trường hợp nạn nhân bị tai nạn giao thông.
Đa số bệnh nhân bị TNGT đều do nguyên nhân khác.
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Minh Đức - Khoa Điều trị theo yêu cầu, BV Việt Đức khám cho bệnh nhân.
Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Việt Đức) giảm hẳn số bệnh nhân đến cấp cứu.
 
 
 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần