Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Anh đối mặt với khủng hoảng xét nghiệm Covid-19

Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Chính phủ Anh bắt đầu cho phép các cửa hàng kinh doanh và trường học hoạt động trở lại đã khiến nhu cầu xét nghiệm Covid-19 tăng đột biến, trong khi nguy cơ bùng phát làn sóng dịch lần thứ 2 đang ngày một hiện hữu.

Tính đến cuối tuần vừa qua, truyền thông địa phương ghi nhận vẫn còn tồn đọng 185.000 mẫu xét nghiệm Covid-19 chưa được phân tích. Trong khi đó, tình trạng quá tải tại các phòng thí nghiệm buộc cơ quan chức năng phải gửi một phần các mẫu xét nghiệm tới Italy và Đức. Đã có thời điểm, người dân tại một trong 10 TP có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao nhất, bao gồm Manchester - TP lớn thứ 2 tại Anh, đã không thể đăng ký xét nghiệm. Thậm chí, một số người dân đã phải di chuyển hơn 300km để được xét nghiệm.
Anh hiện là quốc gia có số ca tử vong do Covid-19 cao nhất tại châu Âu với 57.528 ca. Tuy nhiên, khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát vào thời điểm mùa hè, chính quyền London bắt đầu khuyến khích người dân ra khỏi nhà và đi làm trở lại. Nhưng chỉ đến giữa tháng 7, khi số ca nhiễm mới hàng ngày tăng gấp 5 so với thời điểm đầu tháng lên 3.000 ca, nhà chức trách Anh mới bắt buộc người dân đeo khẩu trang tại khu vực đông người.
Đáng chú ý ở thời điểm này, Thủ tướng Boris Johnson vẫn công bố chiến dịch tham vọng mang tên Moonshot (Bắn mặt trăng), trong đó đặt mục tiêu sẽ xét nghiệm Covid-19 cho 10 triệu người mỗi ngày, quy mô gấp 40 lần năng lực hiện tại của hệ thống y tế và đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường trước thời điểm mùa đông. Kế hoạch khiến nhiều chuyên gia cho là không khả thi về mặt công nghệ, trong khi Tạp chí y khoa BMJ, dự báo Chính phủ sẽ cần tới 129 tỷ USD cho việc xét nghiệm ở quy mô toàn quốc.
John Bell - Giáo sư tại trường Đại học Oxford cho rằng, vấn đề hiện tại đối với Chính phủ Anh là đã không lường trước nhu cầu xét nghiệm gia tăng mạnh khi học sinh trở lại trường học. “Áp lực để học sinh quay trở lại trường và việc hệ thống xét nghiệm chưa đáp ứng được nhu cầu đang làm tăng nguy cơ về làn sóng dịch thứ hai” - Giáo sư John Bell lo ngại.