Quy mô thị trường rộng lớn
Ngày 16/7, Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Kemi Badenoch đã chính thức ký thỏa thuận xác nhận việc gia nhập CPTPP. Sự tham gia của Anh sẽ nâng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khối đạt 15.700 tỷ USD, qua đó tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu.
Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu hàng hóa sang Anh sau khi nước này ra nhập CPTPP, Vụ trưởng Vụ Vụ Thị trường Châu Âu, Châu Mỹ (Bộ Công thương) Tạ Hoàng Linh cho biết, đối với Việt Nam, Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 trong số các nước trên thế giới, thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 trong số các nước châu Âu - châu Mỹ. Việc Anh gia nhập CPTPP sẽ bổ sung cho FTA giữa Anh và Việt Nam (UKVFTA) hiện có và nâng cấp mối quan hệ thương mại song phương với các mức thuế ưu đãi bổ sung.
“Nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa…có thêm lợi thế tiếp cận thị trường trong bối cảnh các loại hoa quả nhiệt đới xuất xứ từ các quốc gia cạnh tranh như Brazil, Thailand… đều chưa tham gia CPTPP để được hưởng ưu đãi thuế quan” - ông Tạ Hoàng Linh nhấn mạnh.
Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cho thấy, hàng Việt xuất hiện tại Anh ngày càng nhiều, người tiêu dùng Anh cũng quan tâm tới thương hiệu Việt Nam. Với hiệp định CPTPP, hàng Việt Nam có nhiều lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh khác khi xuất khẩu sang Anh. Dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc điều hành Công ty TT Meridian Ltd (Anh) Thái Trần cho biết, Việt Nam đã ký nhiều Hiệp định FTA với Anh, khi CPTPP với Anh có hiệu lực, doanh nghiệp Việt sẽ có thêm cơ hội lựa chọn ưu đãi theo FTA nào có lợi nhất, dễ áp dụng nhất trong quá trình xuất khẩu sang thị trường này.
Thời gian qua trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam với Anh tăng cao. Cụ thể năm 2022 kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều đã lên đến 6,84 tỷ USD, tăng 3,4% so với năm 2021, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt 6,07 tỷ USD; nhập khẩu đạt 771 triệu USD. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Anh lượng hàng hóa trị giá 2,8 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh xuất khẩu sang nhiều bạn hàng lớn gặp khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew chia sẻ, CPTPP sẽ giúp các doanh nghiệp 2 nước giao thương ngày càng dễ dàng hơn. “Anh và Việt Nam là một phần của khối thương mại gồm 12 quốc gia với tổng GDP tới 15.700 tỷ USD, cùng nhau thiết lập các quy tắc thương mại tiến bộ cho tương lai. Việc Anh gia nhập CPTPP tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng thương mại song phương và thực chất hơn” - ông Iain Frew nhấn mạnh.
Vẫn còn nhiều thách thức
Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù Anh ra nhập CPTPP sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu nhưng doanh nghiệp vẫn phải đổi mặt với nhiều thách thức.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Cảnh Cường cho hay, khi xuất khẩu sang Anh, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với các yêu cầu tiêu chuẩn cao về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm… Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kế hoạch kinh doanh, xây dựng và phát triển sản phẩm, thương hiệu bài bản.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần chú ý đến một số quy định về phát triển bền vững như lao động, môi trường… vì Anh là nước rất quan tâm đến các vấn đề này. Bên cạnh đó doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp Anh cũng như của các nước khác, đặc biệt là các nước đến từ vùng thuộc địa cũ của Anh.
Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang thông tin, với đặc thù là "quê hương của các loại tiêu chuẩn", một trở ngại với các doanh nghiệp nước ngoài muốn tiếp cận thị trường Anh là cần đáp ứng hệ thống quy định và tiêu chuẩn khắt khe.
Hiện, Chính phủ Anh đang thực hiện chính sách thương mại mở cửa hơn, tự do hóa nhanh hơn, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp Anh phát triển xuất khẩu và hợp tác với các khu vực kinh tế năng động. Song điều này yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam cần nhạy bén trong việc tuân thủ và đáp ứng các quy định về chứng nhận chất lượng sản phẩm, quy trình thủ tục kiểm soát hàng hóa, khai báo và nộp thuế… theo quy định của Anh thay vì quy định của EU như trước đây.
Để thâm nhập vào thị trường Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Thải cho rằng, doanh nghiệp Việt cần nắm bắt thông tin thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh bài bản qua đó đảm bảo năng lực sản xuất, duy trì mở rộng thị phần. Cùng với đó, tìm nguồn hàng có chất lượng, đảm bảo các quy định, tiêu chuẩn công nghệ, đầu tư gia tăng giá trị sản phẩm, chú trọng xây dựng thương hiệu.
Chia sẻ bí quyết thâm nhập thị trường Anh, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 (công ty dệt may xuất khẩu sang Anh từ năm 2009) Hoàng Hương Giang cho hay, Anh là thị trường khá khó tính với những yêu cầu và tiêu chuẩn đánh giá chặt chẽ về hệ thống quản lý sản xuất... Muốn xuất khẩu sang thị trường này thành công trước hết phải có đội ngũ bán hàng và thiết kế chuyên nghiệp, để có thể chào hàng trong thời gian nhanh nhất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải chủ động chuyển đổi số, quản lý chuỗi từ khâu mua bán nguyên phụ liệu, minh bạch toàn chuỗi sản xuất.