Ảnh hưởng bão số 1: Hoa màu ngoại thành thiệt hại nặng nề

Trọng Tùng - Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới  từ cơn bão số 1  gây mưa lớn trên diện rộng khiến nhiều diện tích cây trồng vùng ngoại thành ngập trong nước. Đặc biệt, gió lớn giật cấp 10 – 11 đã ảnh hưởng lớn đến cây trồng vụ Mùa.

Nhiều diện tích hoa màu có nguy cơ mất trắng

Chịu ảnh hưởng nặng nhất là huyện Ba Vì với hơn 100ha lúa bị ngập trắng. Thanh Oai cũng bị thiệt hại lớn với 500ha lúa bị ngập ngang thân, 110ha ngô bị đổ gẫy, 80ha rau bị dập nát. Tại các xã trồng nhiều cam, ổi như Kim An, Cao Viên  gió giật mạnh khiến nhiều diện tích bị lật gốc, rụng quả non. Ông Dương Bá Mẫn – Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai cho biết, tuy lượng mưa trên địa bàn dưới 100mm nhưng gió giật mạnh tới cấp 8 – 9 đã khiến cho nhiều cây ăn quả bị gẫy, hàng chục héc ta rau bị dập nát.
 Nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn huyện Ứng Hòa bị đổ gẫy do ảnh hưởng mưa, gió lớn ngày 28/7
Nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn huyện Ứng Hòa bị đổ gẫy do ảnh hưởng mưa, gió lớn ngày 28/7
Các vùng chuyên canh rau như Đông Anh, Hoài Đức, diện tích rau bị dập nát, hư hỏng đã lên đến hơn 100ha. Trong đó chủ yếu là các loại rau ăn lá đang trong thời gian thu hoạch. Trưa 28/7, khi cơn mưa chưa dứt và gió vẫn tiếp tục thổi mạnh, nhiều người  dân ở xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức đã xuống đồng kiểm tra diện tích canh tác của gia đình. Cầm lên đặt xuống những mớ rau dập nát, anh Nguyễn Hữu Hà (thôn Tiền Lệ) ngậm ngùi: “Không đến nỗi mất hẳn nhưng với tình trạng này không biết 2 sào rau của gia đình tôi có phục hồi được không nữa”. Theo anh Hà, đã nhiều năm qua người dân nơi đây mới hứng chịu một trận gió lớn đến vậy.

Chiều 28/7, có mặt tại cánh đồng ven Đáy của xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa chúng tôi không khỏi xót xachứng kiến hàng chục héc ta ngô bị đổ gẫy.  Chỗ nhẹ thì đổ nghiêng, chỗ nặng thì đổ gãy ngang thân cây. Thi thoảng có đám sắp cho thu hoạch bắp thì bị đổ gãy, người dân đành phải bẻ non về cho gia súc ăn.  Bì bõm lội ruộng nâng những cây ngô bị đổ rạp lên khỏi mặt nước, bà Nguyễn Thị Tin, ở xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa than thở: "Gia đình tôi có 2 sào ngô đang trong thời kỳ trỗ cờ đều bị đổ gẫy. Gió mạnh thế này thì cây không thể thụ phấn và cũng không thể cứu vãn được". 

Tại huyện Phú Xuyên, bão số 1 đã làm tốc 357 mái nhà, 17 lều lán, xưởng bị sập, 27 cột điện bị gãy, đổ, 460m tường rào, gần 300 cây to bị đổ.  Lượng mưa đo được trên địa bàn huyện từ ngày 27 – tới 7 giờ sáng ngày 28/7 là 133mm. Toàn huyện Phúc Thọ tính đến 15 giờ ngày 28/7/2016 chưa có diện tích ngập mất trắng, chỉ có một số diện tích ngập sâu cục bộ vùng trũng tại Hát Môn (40ha lúa), Ngọc Tảo (20ha lúa), Hiệp Thuận (1,5ha).Toàn huyện có khoảng 42 cây bị gãy, đổ trên các tuyến đường giao thông đã được xử lý, đảm bảo giao thông đi lại.

Chủ động các biện pháp khắc phục         

Theo báo cáo nhanh của Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Hà Nội), hầu hết các địa phương  trên địa bàn TP có lượng mưa cao. Ngoài Ứng Hòa, các huyện: Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Hoài Đức, Thanh Trì và các quận Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ đều có lượng mưa trên 70mm.  Nhằm chủ động tiêu thoát nước chống úng ngập, Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội đã vận hành trạm bơm Thịnh Liên (3 máy, công suất 2.500m3/h).

Các công ty thủy lợi Hà Nội khác đang tiếp tục rà soát các điểm úng ngập để bố trí vận hành các trạm bơm. Ông Nguyễn Văn Hưng – Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì cho biết, dù là địa phương có lượng mưa lớn. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác tiêu nước đệm nên đến đầu giờ chiều ngày 28/7, hầu như không có diện tích nào bị ngập úng sâu. Đáng lưu ý, trong quá trình chuẩn bị sẵn sàng vận hành, tại các huyện Phú Xuyên, Thường Tín, Ứng Hòa, Hoài Đức đã xảy ra sự cố mất điện. Do vậy, Sở NN&PTNT đề nghị Công ty Điện lực Hà Nội sớm khắc phục sự cố nêu trên. Cùng với đó, đề nghị các công ty thủy lợi, các địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến mưa và tình hình ngập úng để có biện pháp úng cứu kịp thời khi có sự cố thiên tai.

Ngay trong chiều ngày 28/7, Sở NN&PTNT Hà Nội đã lập 3 đoàn kiểm tra thực tế tình hình thiệt hại do mưa bão gây ra tại các huyện ngoại thành trên địa bàn TP. Đồng thời, đề ra phương án khắc phục hậu quả và hỗ trợ cho nông dân tại những khu vực bị thiệt hại lớn. Theo ông Ngô Đại Ngọc – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, do lượng mưa tại các huyện ngoại thành trung bình dưới 100mm nên trường hợp úng ngập kéo dài ít có khả năng xảy ra.

Tuy nhiên, Sở cũng khuyến cáo các địa phương ở vùng trũng dồn sức để phòng ngập úng. Ngay từ sáng sớm ngày 28/7, nhiều địa phương nay đã huy động các trạm bơm dã chiến để phục vụ việc tiêu úng kịp thời cho đồng ruộng, hạn chế tối đa thiệt hại cho nông dân.
Hà Nội: Bão số 1 gây thiệt hại hơn 2.600 ha lúa màu

Theo báo cáo nhanh của Sở NT&PTNN Hà Nội, về ảnh hưởng và thiệt hại do bão số 1, đến 16h30 ngày 28/7/2016), đã làm ngập 2.615 ha sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có 45ha lúa bị ngập trắng (tại huyện Ba Vì); tại các nơi khác có: cây ăn quả bị ngập 10ha, bị gẫy, rụng 692ha; Rao có 94,2ha bị ngập, 522,52ha bị dập nát; Cây màu bị đổ, gẫy, dập nát: ngô có 266,2ha; đậu tương: 3 ha, sắn 119ha; hoa bị ngập 19,3ha, bị dập nát 5ha.

Ứng phó với bão số 1, các đơn vị chống ngập úng đã vào cuộc tích cực, như: Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã vận hành 3 trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông I, Đồng Bông II và các trạm bơm cục bộ khác liên tục vận hành để hạ mực nước trên hệ thống. Công ty ĐTPT Thủy Lợi Hà Nội: Vận hành 1 trạm bơm 3 máy 2500m3/h/máy. (Anh Quý)