Ông Võ Bĩ (75 tuổi, thôn Tây, An Hải cho biết) : ''Tôi trồng tỏi ở khu vực thôn Đông. Kể ra vừa ruộng được cấp, vừa ruộng thuê cũng 8 sào. Bao nhiêu ruộng là bấy nhiêu giếng, nếu tính cả giếng đóng và giếng đào, thậm chí số giếng nhiều hơn số ruộng''. |
Ở Lý Sơn, ruộng tỏi nhà nào cũng có giếng. Thậm chí có nơi, trong vòng vài chục mét vuông đã có 3, 4 giếng nằm kề nhau. |
Theo người dân, thời trước giếng đào được ưa chuộng. Các giếng đào ở Lý Sơn trung bình có tuổi thọ trên 20 năm. Mỗi giếng có đường kính khoảng 2,5 mét; sâu khoảng 7 mét. |
Vài năm trở lại đây, giếng đóng trở nên phổ biến hơn, có thể khoan sâu xuống vài chục mét và khai thác được nhiều nước ở mạch ngầm hơn để cung cấp cho những ruộng hành, tỏi. |
Những chiếc giếng đào vào mùa ''khan'' nước trở thành nơi ''trung chuyển''. Nghĩa là nước được dẫn từ những giếng có nước cách xa đó hàng trăm mét, về chứa tạm trong giếng đào. Từ giếng này lại bơm lên tưới cho ruộng lân cận. ''Giếng ở Lý Sơn nhiều như vậy là vì trồng hành, tỏi, mà nhất là tỏi đòi hỏi tưới nước liên tục, sát ngày thu hoạch vẫn tưới. Nếu không đủ nước thì tỏi giảm sản lượng'', bà Phạm Thị Thái (thôn Đông, An Hải) chia sẻ. |
Theo thống kê gần đây của UBND huyện đảo Lý Sơn, nếu như năm 2012, toàn huyện đảo chỉ có 546 giếng khoan và giếng đào, thì nay con số này đã tăng ''đột biến''. Cụ thể, giếng đào là 939 giếng, giếng khoan thủ công là 1.088 giếng, giếng khoan máy là 122 giếng. Với toàn bộ số giếng trên, ước tính tổng trữ lượng khai thác nước thực tế là 21.029m3/ngày, trong khi đó trữ lượng dự báo chỉ 15.626m3/ngày. |
Chính số lượng giếng tăng vọt đã làm cho nguồn nước ngọt ngầm trên đảo cạn kiệt nhanh và hàng loạt giếng nước sinh hoạt của người dân trên đảo bị xâm nhập mặn. Để kiểm soát vấn đề này, huyện Lý Sơn đang là nơi duy nhất mà việc đào, khoan giếng mới phải xin và được sự cho phép từ cấp ngành chức năng của tỉnh. |