Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt Syria

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngoài lệnh cấm trên, các đại sứ yêu cầu các chuyên gia EU chuẩn bị kế hoạch trước khả năng có thể áp đặt cả lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với giới lãnh đạo Syria.

KTĐT - Ngoài lệnh cấm trên, các đại sứ yêu cầu các chuyên gia EU chuẩn bị kế hoạch trước khả năng có thể áp đặt cả lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với giới lãnh đạo Syria.

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 29/4 đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ nhằm áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Syria, đồng thời cân nhắc một số biện pháp trừng phạt có giới hạn khác đối với quốc gia Trung Đông đang rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị khi liên tục xảy ra các vụ bạo lực giữa lực lượng an ninh và người biểu tình trên đường phố.

Tại cuộc họp diễn ra ở Brussels, Bỉ, đại sứ các nước thành viên EU đã bước đầu thông qua lệnh cấm vận vũ khí đối với Damascus, trong đó bao gồm cả việc cấm các phương tiện vũ trang như như áo giáp, chất gây nổ hoặc xe chở vũ khí. Thỏa thuận này sẽ được chính thức hóa trong vài ngày tới.

Ngoài lệnh cấm trên, các đại sứ cũng yêu cầu các chuyên gia EU chuẩn bị kế hoạch trước khả năng có thể áp đặt cả lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với giới lãnh đạo Syria.

Theo Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton, hiện đã có thỏa thuận chính trị về vấn đề cấm vận vũ khí Syria và các đại sứ cũng nhất trí chuẩn bị cho việc áp dụng trừng phạt đối với các cá nhân.

Trong thông báo đưa ra sau cuộc họp, bà Catherine Ashton cho biết, EU tỏ ra lo ngại trước diễn biến ngày một phức tạp tại Syria, đặc biệt việc triển khai các lực lượng quân đội và an ninh tại một số thành phố.

Tuy nhiên, bà cho biết EU cũng sẽ xem xét chương trình viện trợ cho Syria, theo đó sẽ tăng ngân sách hỗ trợ nước này lên 43 triệu euro (64 triệu USD)/năm.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Cơ quan Tình báo Syria và một số cá nhân tại quốc gia Trung Đông này.

Sắc lệnh áp dụng trừng phạt đối với các cá nhân gồm Sư đoàn trưởng Sư đoàn Thiết giáp Số 4 Maher Al-Assad; Giám đốc Cơ quan Tình báo Ali Mamluk và cựu Tỉnh trưởng tỉnh Daraa, nơi bạo lực xảy ra nhiều nhất, ông Atif Najib.

Sắc lệnh trên cũng áp đặt với hai thực thể gồm toàn thể ban giám đốc Cơ quan Tình báo Syria và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, vốn bị Washington cáo buộc hậu thuẫn hành động trấn áp người biểu tình tại Syria.

Các quan chức Mỹ cho biết, Tổng thống Syria Bashar al-Assad không nằm trong số những đối tượng bị áp lệnh trừng phạt, bao gồm việc phong tỏa tài sản và cấm thực hiện các hoạt động kinh doanh với Mỹ, song ông này trong tương lai có thể bị đưa vào danh sách trừng phạt nếu như lực lượng của Chính phủ Syria tiếp tục sử dụng bạo lực để trấn áp người biểu tình.

Trong một diễn biến liên quan, các nhà hoạt động nhân quyền cho biết hơn 50 người Syria đã thiệt mạng ngày 29/4 khi hàng chục nghìn người đổ xuống đường biểu tình tại hầu hết các thành phố chính trên khắp đất nước trong "Ngày thứ Sáu giận dữ" để phản đối những hành động trấn áp mạnh tay của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Cơ quan Giám sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở London thông báo ít nhất 32 người được xác nhận thiệt mạng tại tỉnh Daraa, trong khi tại thành phố công nghiệp Homs cũng có ít nhất 15 người thiệt mạng.

Giới chức quân đội Syria cũng cho biết, những phần tử khủng bố vũ trang tại tỉnh Daraa đã bắn chết bốn binh sĩ chính phủ và bắt cóc hai người khác.

Trong khi đó, một nguồn tin từ Bộ Nội vụ cùng ngày nói rằng, có ba nhân viên của bộ này thiệt mạng tại Homs. Vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh quân đội Syria đã triển khai hàng loạt xe tăng và thiết giáp đến thành phố Daraa từ rạng sáng 25/4 để ngăn chặn các vụ bạo lực với người biểu tình kéo dài sáu tuần qua./.