Áp lực thi cử, học hành, áp lực từ chính bản thân, bạn bè, thầy cô, cha mẹ… khiến nhiều học sinh rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu và mắc các chứng rối loạn do stress.
Nữ sinh cấp 2 nhập viện vì áp lực phải học giỏi nhất lớp
Những ngày này, học sinh, phụ huynh “nín thở” khi Hà Nội cùng nhiều địa phương trên cả nước công bố kết quả kỳ thi vào lớp 10. Đây cũng là thời điểm khiến nhiều em rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu.
Mới đây, các bác sĩ khoa Sức khoẻ vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận, điều trị cho một nữ sinh 12 tuổi bị trầm cảm vì áp lực học hành, nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, căng thẳng và luôn hoảng sợ.
Theo người nhà, bệnh nhân có tính cách hiền lành, ngoan ngoãn, học lực giỏi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do áp lực phải đạt được vị trí đứng đầu lớp mới được vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi của trường, khiến nữ sinh luôn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng và mất ngủ.
Tình trạng này kéo dài khiến nữ sinh này cảm thấy sợ đi học và không dám đến trường học. Mỗi lần nghĩ tới chuyện đi học bệnh nhi lại cảm thấy căng thẳng và sợ hãi. Điều này ngày càng khiến cho em mất ngủ, không tập trung vào học, học lực giảm sút.
Kết quả học tập giảm càng khiến trẻ lo lắng vì bị bạn bè chê cười, xem thường và thầy cô giáo khiển trách. Em rơi vào trạng thái chán nản và không còn thiết tha mọi thứ trong cuộc sống. Thấy tình trạng bất thường của con, gia đình vội đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám.
Tương tự, cũng tại khoa Sức khoẻ vị thành niên của bệnh viện, một nữ học sinh (lớp 9, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng bồn chồn không yên, khó ngủ, lo lắng, hay khóc… Tình trạng này diễn ra liên tục khi kỳ thi đến gần khiến phụ huynh vô cùng lo lắng và đã đưa trẻ đến khám, điều trị.
Cả hai bệnh nhi trên được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương xác định có các rối loạn tâm lý liên quan áp lực học tập căng thẳng.
TS Ngô Anh Vinh - Phó Trưởng Khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, năm 2022, Khoa Sức khỏe Vị thành niên của bệnh viện đã tiến hành nghiên cứu về các rối loạn tâm lý ở học sinh tại một số trường THCS ở Hà Nội cho thấy 38% trẻ được nghiên cứu có các biểu hiện lo âu, 33% bị stress và trầm cảm là 26,1%.
Dấu hiệu nhận biết trầm cảm, lo âu và căng thẳng ở học sinh: Trẻ có hành vi và cảm xúc bất thường: Hay cáu gắt hoặc khóc lóc vô cớ, mệt mỏi, buồn chán, không giao tiếp với mọi người,… Trẻ có biểu hiện mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, chán ăn - bỏ ăn. Ngoài ra, trẻ hay có các triệu chứng cơ thể như đau bụng, đau đầu, đau ngực, tim đập nhanh… Lo lắng quá mức, luôn trong trạng thái căng thẳng, hồi hộp.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong số các trẻ đến khám và điều trị vì các biểu hiện lo âu, trầm cảm và căng thẳng. Nhiều em được đánh giá ngoan, có thành tích học tập khá giỏi. Những trẻ này thường hay tự tạo áp lực với bản thân mình để giữ hình ảnh với bạn bè, gia đình, thầy cô khiến trẻ nỗ lực không ngừng.
Điều này khiến trẻ dễ bị căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi, thậm chí trầm cảm, nhất là khi không đạt được kỳ vọng như mong muốn. Nguyên nhân của rối loạn trên thường là khối lượng kiến thức quá nhiều, trẻ chuẩn bị cho kỳ thi chưa tốt, tâm lý chưa vững vàng và áp lực từ nhà trường, bố mẹ…
Tương tự, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiếp nhận, khám chữa nhiều học sinh mắc bệnh loét dạ dày - tá tràng, đặc biệt có những trường hợp đã xảy ra biến chứng nặng áp lực thi cử…
Điển hình, Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa Gan mật Tụy của bệnh viện đã tiếp nhận và phẫu thuật viêm phúc mạc do thủng ổ loét hành tá tràng cho một học sinh thi chuyển cấp từ lớp 9 lên lớp 10.
Đó là bệnh nhân nam N.X.Đ. 15 tuổi, học sinh lớp 9 đang chuẩn bị thi cuối cấp lên lớp 10. Bệnh nhân có tiền sử viêm dạ dày tá tràng đã điều trị nội khoa nhiều đợt.
Trước đó, lo lắng chuyện thi cử, luyện thi nên em Đ. đau bụng vùng trên rốn nhiều hơn. Sau một ca học thêm buổi tối, em N.X.Đ. về nhà bị đau bụng dữ dội kèm theo sốt cao. Em Đ. được gia đình đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng có hội chứng nhiễm trùng rõ, bụng đau co cứng như gỗ.
Sau khi được làm những xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân Đ. được chẩn đoán, viêm phúc mạc do thủng ổ loét hành tá tràng. Ngay sau đó, bệnh nhân Đ. được các bác sĩ mổ cấp cứu phẫu thuật nội soi khâu lỗ thủng ổ loét hành tá tràng, lau rửa, dẫn lưu ổ bụng. Bệnh nhân Đ. được ra viện sau 5 ngày điều trị nhưng vẫn phải tiếp tục điều trị thuốc và theo dõi khám lại.
Cách giúp trẻ vượt qua stress trong mùa thi
Trước đó, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiếp nhận, điều trị nhiều ca bệnh là người trẻ, đặc biệt, có những bệnh nhân ở độ tuổi học sinh phải vào việc vì áp lực học tập lớn. Sau nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra, số lượng bố mẹ đưa con đến Viện Viện Sức khỏe Tâm thần khám tăng lên rõ rệt. Có những trường hợp trẻ có dấu hiệu bệnh từ 3-5 năm trước.
Áp lực thi cử khiến nhiều học sinh coi đó là gánh nặng, lo sợ thi không đỗ đã dẫn đến căng thẳng, lo lắng, kém tập trung, mất ngủ… Có học sinh học lực xuất sắc, nhưng áp lực thi vào trường chuyên khiến học sinh này căng thẳng, lo lắng, dẫn đến rối loạn lo âu trước kỳ thi, buộc cha mẹ phải cho con vào viện thăm khám.
Theo TS Dương Minh Tâm - Trưởng Phòng điều trị rối loạn liên quan stress, Viện Sức khỏe tâm thần, stress ảnh hưởng tới tư duy, cảm xúc, hành vi… Trẻ bị stress thường hay bồn chồn, bốc đồng, giảm tập trung, dễ cáu gắt; thường biểu hiện khó tin tưởng người khác; khó kết nối với bạn bè; khó khăn trong kiểm soát hành vi: Ăn vô độ, chán ăn, tự làm đau bản thân…
Nhiều phụ huynh không phát hiện ra sự bất thường của con, chỉ tới khi con kêu đau bụng, đau đầu, đi khám mới phát hiện bị stress.
Theo các bác sĩ, với trẻ được xác định có bệnh lý như rối loạn âu lo, sẽ được chỉ định dùng thuốc, điều trị tâm lý trị liệu, và các phương tiện hỗ trợ khác cải thiện các triệu chứng, bệnh lý của trẻ.
Tuy nhiên, nhân cách là yếu tố quyết định cần được bồi dưỡng từ nhỏ từ cha mẹ, nhà trường, môi trường sống, trải nghiệm của con, giúp trẻ có nhân cách mạnh mẽ vượt qua các áp lực và stress.
Theo bác sĩ Tâm, nhân cách trẻ càng mạnh, stress càng khó thắng, do vậy những người lãng mạn, bay bổng, thiếu ý chí, tự ti… thì dễ bị stress. Khi trẻ thuộc tuýp người này, cha mẹ cần xây dựng hỗ trợ nâng cao tinh thần chiến đấu cho trẻ. Vai trò của phụ huynh và gia đình rất quan trọng giúp trẻ tránh stress, đặc biệt trong mùa thi.
“Các bậc phụ huynh, cần nhận thức stress là phép thử mà mỗi lần vượt qua giúp hoàn thiện và trưởng thành hơn. Tuy nhiên, nếu không có kỹ năng đối mặt với stress sẽ khiến trẻ tăng stress.
Mặt khác, cha mẹ nên tránh không tạo áp lực cho con trẻ trong mùa thi. Dù áp lực không phải lúc nào cũng bất lợi, nếu trẻ có mục tiêu thì coi mùa thi là bước ngoặt động lực vượt qua, nhưng với trẻ có nhân cách yếu đuối đó lại là nguyên nhân khiến trẻ gia tăng stress” - bác sĩ Tâm khuyến cáo.
Đồng quan điểm, TS Ngô Anh Vinh cho rằng, cha mẹ không nên kỳ vọng quá nhiều vào con, vì điều này vô tình tạo áp lực lớn cho con mình. Thay vào đó, phụ huynh nên hiểu rõ về năng lực, sở trường của con để đặt ra mục tiêu, chọn trường, chọn lớp phù hợp.
Bên cạnh đó, cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con mình để đưa ra những tư vấn cũng như định hướng đúng đắn giúp trẻ giải tỏa được áp lực về học tập, thi cử.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần đảm bảo cho con mình chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đảm bảo giấc ngủ, tập luyện thể dục, thể thao đều đặn sẽ giúp con có một sức khỏe tinh thần tốt để tự tin vượt qua các kỳ thi.
"Trầm cảm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi trong bất kỳ một thời điểm nào đó của cuộc đời và khoảng 10-15% dân số có thể bị bệnh trầm cảm. Trên thực tế có rất nhiều người bệnh trầm cảm còn cố gắng giấu giếm cảm xúc của mình, vì thế nếu thấy người thân có dấu hiệu khác thường, hãy khuyên họ đi gặp bác sĩ để được điều trị bệnh kịp thời." - PGS.TS Tô Thanh Phương - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, Trưởng khoa Cấp tính nữ.